Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến công tác trợ giúp NKT, quyền của NKT thể hiện qua hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện đảm bảo được quyền lợi tạo điều kiện ổn định cuộc sống, học tập và làm việc...của NKT. Điều này được thể hiện như: Sau khi Quốc hội nước ta phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1100/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT.
Năm 2010, Luật NKT được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2011 và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Để các chính sách đó đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả thì cần đến nền tảng cơ sở là số liệu về NKT. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, số liệu về NKT ở nước ta vẫn chưa có sự thống nhất và đang phát sinh một số vấn đề cần sớm được nghiên cứu giải quyết để tránh việc bỏ sót, gây thiệt thòi cho đối tượng khi giải quyết chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.
Thiếu thống nhất về số liệu NKT
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, ước tính có khoảng 10-15% dân số thế giới (tức là khoảng 700 triệu cho đến một tỷ người) là NKT và 80% trong số họ đang sống ở các nước đang phát triển. NKT chiếm 20% trong số người nghèo nhất trên thế giới và rất khó khăn trong tiếp cận giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ trợ giúp xã hội khác.
Ước tính của tổ chức Y tế thế giới (WHO) NKT Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số, tương đương 8,6 triệu người, trong đó khoảng 2 triệu là trẻ em. Tỉ lệ khuyết tật trên dân số dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên do những nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng hệ quả của quá trình phát triển xã hội, tai nạn, ô nhiễm môi trường, do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh hoặc do thất lạc vũ khí,...
Số liệu về NKT hiện nay vẫn chưa thống nhất (ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, trong các hoạt động liên quan đến NKT, con số được nhắc đến nhiều nhất đều dựa vào kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Theo Tổng cục Thống kê năm 2009, có khoảng 6,7 triệu NKT từ 5 tuổi trở lên, tương đương 7,8% dân số. Số NKT và tỷ lệ NKT này căn cứ theo các tiêu chí cũ cho 4 dạng tật (vận động, nhìn, nghe và ghi nhớ (tập trung chú ý) được đánh giá theo phương pháp bảng hỏi cho các thành viên từ 5 tuổi trở lên. Mức độ khuyết tật được phân thành 4 mức “Không khó khăn”, “Khó khăn”, “Rất khó khăn” và “Không thể”. Tỷ lệ NKT này thấp hơn đáng kể so với mức 15,3% được công bố từ Số liệu điều tra mức sống dân cư năm 2006. Khác biệt về số dạng khuyết tật được xem xét trong hai cuộc điều tra là một trong những lý do gây ra sự khác biệt trong tỷ lệ NKT.
Trên thực tế hiện nay, các số liệu về NKT được nhiều Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức thu thập, báo cáo theo mục tiêu, mục đích, nguyên nhân gây ra các dạng khuyết tật khác nhau mà chưa đưa vào một hệ thống quản lý chung, biểu mẫu thống nhất để có thể sử dụng, phân tích số liệu phục vụ cho việc dự báo, xây dựng chiến lược, chính sách, và triển khai thực hiện hiệu quả để trợ giúp NKT.
Báo cáo đánh giá công tác trợ giúp xã hôi năm 2015, định hướng giai đoạn 2016 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra con số thống kê “Do hậu quả của chiến tranh, tác động của già hóa dân số và đô thị hóa nên số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta lớn, ước tính khoảng 20% dân số, gồm 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu NKT, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…” (Tài liệu phục vụ Hội nghị triển khai công tác trợ giúp xã hội năm 2016). Cũng thống kê về số người có nhu cầu trợ giúp xã hội, Báo cáo tóm tắt nghiên cứu đánh giá hệ thống chăm sóc xã hội ở Việt Nam của ông Nguyễn Hải Hữu (nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em) lại đưa ra một con số khác “Nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta lớn, ước tính khoảng 20% dân số, gồm 9,4 triệu người cao tuổi, 6,5 triệu NKT, 3,3 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…”. Trong khi đó, ở một hoạt động khác, con số mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lại là “Trong số 78,5 triệu người Việt Nam từ 5 tuổi trở lên năm 2009, có 6,1 triệu người tương ứng với 7,8% dân số có khó khăn trong việc thực hiện ít nhất một trong 4 chức năng nhìn, nghe, vận động và tập trung hoặc ghi nhớ. Trong đó, có 387.384 NKT nặng được nhận hỗ trợ hàng năm”.
Xuất hiện nhiều vấn đề mới liên quan đến NKT
Luật NKT năm 2010 nêu khái niệm “NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể hoặc suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Theo Luật, có 6 nhóm dạng tật gồm: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ và khuyết tật khác. Như vậy, chỉ xét về khái niệm, nhóm đối tượng là NKT đã mở rộng hơn so với tiêu chí được xét để điều tra năm 2009. Cùng với đó, cuộc tổng điều tra được tiến hành cách đây đã 8 năm, trong điều kiện, hoàn cảnh tuổi thọ trung bình của NKT ngắn, số NKT có xu hướng gia tăng do các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Vì vậy, tính chính xác của con số cũng có nhiều biến động.
Số người khuyết tật nghe, nói chiếm tỷ lệ tương đối lớn và đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập, đặc biệt là về tiếp cận, giáo dục, học nghề và giải quyết việc làm (Trong ảnh: trẻ em điếc đang biểu diễn văn nghệ)
Trong các nhóm đối tượng là NKT, số NKT vận động có xu hướng tăng cao do tai nạn lao động và tai nạn giao thông cũng như do một số bệnh tật như teo cơ. Mỗi năm tăng lên khoảng từ 30 - 40.000 người. Số người khuyết tật nghe, nói chiếm tỷ lệ tương đối lớn và đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập, đặc biệt là về tiếp cận, giáo dục, học nghề và giải quyết việc làm. Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu quy mô toàn quốc nào để có những số liệu chính xác, mang tính tổng thể về số lượng người khuyết tật nhìn, những dạng khiếm thị, độ tuổi, giới tính, nguyên nhân, tâm lý, nhu cầu thông tin/tài liệu/các dạng dịch vụ & sản phẩm thông tin mà những người khiếm thị quen sử dụng... Con số vẫn thường được nhắc đến là khoảng 2 triệu người mù lòa, 1/3 trong số đó là người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng…
Sự gia tăng của chứng rối loạn tự kỷ cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Cách đây khoảng 30 năm, người ta không nói đến dạng tật này và trong cuộc điều tra năm 2009 cũng không nhắc đến. Nhưng những năm gần đây, tình trạng trẻ tự kỷ có xu hướng tăng nhanh đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về cơ hội học tập, thụ hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước…. Hiện, rối loạn tự kỷ đang được xếp trong nhóm “khuyết tật khác” của Luật NKT, tuy nhiên, theo cộng đồng NKT nói chung và các hội, nhóm của cha mẹ trẻ khuyết tật nói riêng, trẻ tự kỷ cần được đưa vào Luật với vị trí là một nhóm riêng thay vì gộp chung với các khuyết tật khác vì những đặc điểm khu biệt của nhóm đối tượng này.
Số NKT tinh thần trước đây không được tính vào số NKT nhưng theo phân loại mới trong Luật thì cần phải thống kê những người này. Đây là một con số rất lớn. Đối tượng khuyết tật thần kinh, tâm thần bao hàm rất rộng và việc xác nhận khuyết tật cũng không hề dễ dàng, điều này dẫn đến không ít khó khăn trong công tác thống kê, phân loại.
Ngoài ra, vấn đề về số NKT hiện nay đang gia tăng đáng kể trong cộng đồng xã hội, vấn đề gia tăng dân số (trên 90 triệu người)… cũng khiến cho các số liệu báo cáo không còn tính tuyệt đối mà chỉ là ước lượng dựa trên kết quả điều tra năm 2009.
Nếu phân tích các nhóm đối tượng như trên, tổng số NKT ở Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở con số 6,1 triệu người và 7,8% dân số. Nhìn vào cơ cấu dân số Việt Nam, chúng ta thấy số NKT có thể lên tới 12 triệu người (13,35% dân số).
Giải pháp cần thực hiện
Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 sử dụng khung phân loại quốc tế về chức năng, khuyết tật và sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới để xác định tình trạng sức khỏe và khuyết tật, sử dụng bộ câu hỏi ngắn trọng tâm về tình trạng khuyết tật do nhóm Washington về thống kê khuyết tật xây dựng. Tuy nhiên, bộ câu hỏi này không bao phủ tất cả các loại hình khuyết tật, do đó hạn chế trong việc đưa ra một bức tranh toàn diện về tình trạng cũng như mức độ khuyết tật trong từng cộng đồng.
Sau khi Luật NKT được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, hàng loạt các Nghị định, Quyết định, Thông tư, hướng dẫn thực hiện chính sách liên quan đến NKT đã được ban hành và đi vào thực tiễn, nhưng con số thống kê vẫn không hề thay đổi, thiếu sự thống nhất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai có hiệu quả các chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến NKT, đặc biệt là việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch, chương trình dài hạn, ngắn hạn hỗ trợ NKT, đảm bảo an sinh xã hội. Trong điều kiện đó, cần thiết phải tổ chức riêng một cuộc điều tra cụ thể về số lượng, độ tuổi, giới tính, phân loại, phân dạng khuyết tật thật cụ thể, chi tiết để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, tại một số tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai hoạt động này như Phú Yên, Vĩnh Long…
Đối tượng khuyết tật thần kinh, tâm thần bao hàm rất rộng và việc xác nhận khuyết tật cũng không hề dễ dàng, điều này dẫn đến không ít khó khăn trong công tác thống kê, phân loại(nguồn Baodansinh.vn)
NKT thường có tuổi đời ngắn hơn những người bình thường khác vì lý do sức khỏe, ảnh hưởng của khiếm khuyết. Việc nắm bắt, cập nhật tình trạng của NKT cần được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và có cán bộ chuyên trách thực hiện.
Với các vấn đề mới phát sinh liên quan đến vấn đề khuyết tật, cần nghiên cứu, làm rõ mối tương quan, sự cần thiết bổ sung trong danh mục dạng tật hoặc chính sách hỗ trợ theo pháp luật quy định, tránh việc bỏ sót đối tượng, đẩy đối tượng vào “khe hở” giữa các chính sách gây thiệt thòi cho họ.
Việc thiếu một hệ thống thông tin toàn diện về NKT đã gây nên không ít khó khăn trong việc hỗ trợ nhóm đối tượng này thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như hòa nhập cộng đồng. Việc cải tiến, xây dựng hệ thống thông tin thống nhất và phù hợp là thực sự cần thiết. Mới đây, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Dự án Cải thiện hệ thống trợ giúp xã hội (SAP) triển khai nghiên cứu rà soát thực trạng và đề xuất định hướng xây dựng hệ thống thông tin thống nhất về NKT. Hy vọng những việc làm thiết thực này sẽ góp phần tạo nên một cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng NKT trong cả nước từ đó có những phương án, kế sách hỗ trợ hiệu quả.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Mạng xã hội - Phương tiện hữu ích trong quá trình hòa nhập của NKT - 02/12/2016 04:17
- Nâng cao kỹ năng sống cho NKT - 02/12/2016 03:25
- Truyền thông với vấn đề hòa nhập người khuyết tật - 21/11/2016 03:38
- Tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc - 21/11/2016 03:21
- Kiến trúc nào cho người khuyết tật? - 07/11/2016 03:15
Các tin khác
- Làm việc trong lĩnh vực hành chính Nhà nước: Cơ hội khẳng định năng lực, phẩm chất của người khuyết tật - 04/11/2016 03:34
- Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 06:55
- Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 03:34
- Cấp Giấy xác nhận khuyết tật: Quy định và những vấn đề còn bất cập - 14/10/2016 03:22
- Tăng cường công tác giáo dục hòa nhập với trẻ khuyết tật - 05/10/2016 03:28