Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật và đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn dự kiến vào tháng 11 năm 2014. Nhân dịp này, Tạp chí Người bảo trợ xin giới thiệu cùng quý độc giả chia sẻ của bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội về nhu cầu, nguyện vọng của người khuyết tật Việt Nam đối với việc phê chuẩn Công ước này.
Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật (CRPD) đã có hiệu lực từ ngày 3 tháng 5 năm 2008 và lần đầu tiên, Công ước này đã thiết lập quyền của hơn 1 tỷ người khuyết tật trên toàn thế giới và là Công ước đầu tiên về quyền con người trong thế kỷ 21. Đây cũng là Công ước đầu tiên mang lại vị thế và quyền hợp pháp cho người khuyết tật, nhìn nhận tình trạng khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người. Công ước này còn có ý nghĩa đặc biệt khi chuyển cách nhìn đối với tình trạng khuyết tật từ vấn đề của y tế, từ thiện sang vấn đề của xã hội, chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.
Mục đích của Công ước này là thúc đẩy, bảo vệ và đảm bảo người khuyết tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả quyền con người, quyền tự do cơ bản và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ. Công ước được áp dụng theo 8 nguyên tắc: Tôn trọng phẩm giá vốn có, sự tự chủ của cá nhân bao gồm sự tự do lựa chọn và sự độc lập của cá nhân; Không phân biệt đối xử; Sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và hoà nhập với xã hội; Tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận người khuyết tật như một phần của sự đa dạng nhân loại và nhân văn; Bình đẳng về cơ hội;Tiếp cận; Bình đẳng giữa nam và nữ; Tôn trọng những khả năng đang phát triển của trẻ khuyết tật và tôn trọng quyền của trẻ khuyết tật được bảo vệ nét riêng biệt của mình.
Tính đến ngày 20/9/2014, trên toàn thế giới đã có 158 nước ký tham gia công ước, trong đó có 150 nước phê chuẩn Công ước này. Việt Nam đã ký Công ước ngày 22/11/2007. Từ đó đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, trong đó có việc thông qua Luật Người khuyết tật và dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước vào cuối năm 2014. Luật người khuyết tật Việt Nam được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản của Công ước, điều đó tạo nên sự thay đổi quan trọng trong quan niệm về hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Cũng như những người khuyết tật trên toàn thế giới, người khuyết tật Việt Nam đều có nhu cầu và mong muốn được hưởng những quyền cơ bản của con người, được tôn trọng nhân phẩm vốn có của mình, cũng như thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân mà Nhà nước và pháp luật đã quy định.
Hoạt động sinh hoạt nhóm của phụ nữ khuyết tật thành phố Hà Nội
Đến nay, Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều văn bản pháp luật đối với NKT, như: Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998, Đề án 239 của Chính phủ về trợ giúp người tàn tật từ 2006 - 2010. Luật về người khuyết tật Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/2011 và nhiều văn bản pháp luật nhằm thực thi luật này đã được ban hành. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 1019 về trợ giúp người khuyết tật 2012 - 2020. Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam đã ra đời và phối hợp hoạt động có hiệu quả, mang lại sự thay đổi đáng kể về nhận thức và phối hợp hành động của các Bộ ngành tham gia trong cơ quan điều phối. Nhiều văn bản hỗ trợ người khuyết tật theo hướng tiếp cận dựa trên quyền đã được ban hành. Các văn bản quan trọng này đã và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để những điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật được thực thi trong cuộc sống.
Nhiều tổ chức của người khuyết tật, gia đình trẻ khuyết tật đã được hình thành và phát triển. Cả nước hiện có 18 hội người khuyết tật cấp tỉnh và thành phố được thành lập và hoạt động. Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động từ năm 2011. Các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, cho tiếng nói của người khuyết tật, đã và đang hỗ trợ người khuyết tật, góp phần thúc đẩy thực hiện Luật Người khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật và trẻ em khuyết tật đã được quan tâm hơn, trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế, chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm, được học trong các trường chuyên biệt, bán hòa nhập và hòa nhập. Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người khuyết tật thuộc hộ nghèo đã nhận được thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trường đại học đã mở rộng cửa để đón sinh viên là người khuyết tật. Số người khuyết tật có việc làm tăng dần. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Người khuyết tật đã tự tin chứng minh khả năng làm việc của họ...
Trong những năm qua, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam, cuộc sống của người khuyết tật đang dần dần được cải thiện. Tuy vậy, người khuyết tật đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vẫn gặp nhiều khó khăn để hòa nhập với đời sống xã hội. Họ vẫn sống trong những gia đình nghèo, trình độ học vấn thấp, thậm chí mù chữ, không được học nghề và không có việc làm... Bên cạnh những khó khăn do những khiếm khuyết của cơ thể gây ra, họ vẫn còn gặp nhiều rào cản cản trở việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, trợ giúp pháp lý, tham gia giao thông, tiếp các công trình công cộng, tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ...
Những người khuyết tật Việt Nam đều có nguyện vọng Nhà nước Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật như 150 nước trên thế giới đã phê chuẩn công ước này. Mong rằng, trên thế giới sẽ không còn bất cứ rào cản nào ngăn trở những người mang khiếm khuyết được tham gia và góp phần phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét việc thiết lập một ủy ban Điều phối của Chính phủ nhằm thúc đẩy, bảo vệ và giám sát việc thực thi Công ước, tạo điều kiện cho các hoạt động có liên quan đến hòa nhập khuyết tật trong các ban ngành khác nhau và các cấp khác nhau, trong đó có sự tham gia của người khuyết tật. Đồng thời hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến người khuyết tật phù hợp với Công ước, thực hiện cơ chế giám sát, đánh giá có hiệu quả việc thực hiện Công ước và Luật Người khuyết tật để quyền của người khuyết tật được thực thi có hiệu quả hơn trên thực tế.
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- VĐV khuyết tật Việt Nam lập kỷ lục thế giới - 22/10/2014 09:34
- Công ty Esoftflow: Chuyên nghiệp và bình đẳng trong sử dụng lao động là người khuyết tật - 21/10/2014 04:59
- Tổ chức CRS với công tác đào tạo công nghệ thông tin và tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật - 21/10/2014 04:56
- Danh bạ việc làm và người khuyết tật - 21/10/2014 04:54
- Trung tâm Dạy nghề cho NKT&TMC thành phố Hồ Chí Minh: Phát huy hiệu quả vốn đầu tư và tạo việc làm cho NKT - 21/10/2014 04:53
Các tin khác
- Tỉnh Hội Thanh Hóa: Trao 80 xe lăn cho người khuyết tật - 21/10/2014 02:59
- Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất – 2014 - 21/10/2014 02:47
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 770 bệnh nhân nghèo, cận nghèo - 21/10/2014 02:34
- Tỉnh Hội Thanh Hóa: Tập huấn nâng cao năng lực tư vấn pháp lý cho người khuyết tật năm 2014 - 21/10/2014 02:15
- Gian nan hành trình dạy trẻ tự kỷ - 13/10/2014 03:09