Khao khát được làm việc, khẳng định mình, nhiều NKT đã không ngừng nỗ lực trong học tập, phấn đấu. Thực tế đã chứng minh, họ không chỉ có khả năng trong các ngành nghề thủ công truyền thống, sản xuất kinh doanh giỏi, có kiến thức rộng mà còn thể hiện tốt trong lĩnh vực hành chính công, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của cơ quan, Nhà nước. Tạo điều kiện và cơ hội để NKT tham gia làm việc trong lĩnh vực này là niềm mong mỏi, cũng là điều kiện phát huy năng lực, phẩm chất của NKT.
Chính sách và nhu cầu của NKT
Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT khẳng định, Nhà nước ta “Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc”. Tại Khoản 2 Điều 13 quy định: “Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và người sử dụng lao động khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia thực hiện chương trình việc làm”, NKT cũng là công dân, là lực lượng lao động xã hội nên Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết việc làm cho họ.
Trước đây, do khả năng nhận thức về NKT còn hạn chế, nhiều người vẫn cho rằng, NKT trình độ học vấn thấp nên chỉ làm được những công việc phổ thông, thủ công truyền thống… Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, bằng ý chí và nghị lực của mình, rất nhiều NKT đã nỗ lực vươn lên trong học tập, trau dồi kiến thức, nhiều người thi đỗ cùng lúc hai, ba trường Đại học, thông thạo ngoại ngữ, có nhiều ý tưởng sáng tạo, khả năng ứng dụng cao…
Cùng với các chính sách dạy nghề, tạo việc làm theo các chương trình, Đề án vấn đề tạo việc làm cho NKT trong các cơ quan hành chính Nhà nước cũng được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện. Năm 2010, lần đầu tiên, UBND quận 1, thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn chi ngân sách địa phương và có chủ trương để Chi Cục Thuế quận 1 tuyển dụng gần 30 NKT có trình độ kỹ sư tin học vào làm việc. Đến nay, những thành viên này đã đóng góp không nhỏ cho việc xây dựng hệ thống thông tin cho Chi cục. Đặc biệt là nhiều phần mềm quản lý do các bạn viết đã được ứng dụng trong toàn ngành. Bước đột phá này không chỉ giúp cơ quan thuế giải quyết được bài toán quản lý bằng công nghệ thông tin trong bối cảnh kinh phí còn quá nhiều hạn chế mà còn giúp thay đổi niềm tin vào cuộc sống cho những trí thức khuyết tật.
Không chỉ trong ngành thuế, các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, tư pháp, hành chính, khoa học công nghệ… khi tuyển dụng lao động là NKT đều đã phát huy được khả năng của NKT. Bởi các ngành nghề này đều có những công việc phù hợp với khả năng của NKT như nhân viên nhập liệu, nhân viên văn phòng, đồ họa, thiết kế web, phần mềm ứng dụng, nghiên cứu khoa học kỹ thuật.… Nếu khai thác hợp lý, lao động khuyết tật hoàn toàn có thể đóng góp những thành quả quan trọng vào sự phát triển của cơ quan, của ngành.
Cơ hội và năng lực của NKT trong lĩnh vực công
Làm việc trong các cơ quan Nhà nước là một loại hình công việc còn khá mới trong lĩnh vực việc làm của NKT nhưng không phải NKT không có khả năng. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều NKT, đã học tập, lập nghiệp thành công trong lĩnh vực hành chính công, trở thành những cán bộ giỏi chuyên môn, nhiệt tình, tích cực thực hiện các phong trào đoàn thể, những “chiến sĩ thi đua”, những “Anh hùng lao động”…
Anh Nguyễn Thanh Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một NKT. Anh bị cháy mất hai tay và nửa bàn chân trái trong một tai nạn khi mới 10 tuổi. Nhưng sự cầu tiến và niềm khát khao trở thành người có ích cho gia đình và xã hội đã thôi thúc anh nỗ lực trên con đường học vấn để vượt khó khăn. Năm 2001, anh thi đậu vào 03 trường: Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt và Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại và chọn theo học trường Đại học Đà Lạt. Tốt nghiệp ra trường, trong 2 năm tìm kiếm, chờ đợi một công việc phù hợp, anh vẫn làm đủ việc vặt để nuôi sống bản thân như: dạy kèm, bán vé số... vừa đi gõ cửa nhiều Công ty, cơ quan.
Khuyết tật hai tay và bàn chân trái nhưng suốt 10 năm qua anh Nguyễn Thanh Lâm ở Bình Thuận vẫn luôn hoàn thành tốt công việc của mình, đạt nhiều thành tích trong công tác, sinh hoạt đoàn thể
Cho đến khi UBND xã Hòa Thắng nhận được hồ sơ và tiếp nhận anh vào công tác tại bộ phận văn phòng từ 8/2007 đến 8/2012, sau đó chuyển sang công tác tại Ban Tư pháp (giải quyết đơn thư và tuyên truyền pháp luật). Gần 10 năm công tác, anh Lâm không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao mà luôn thực hiện tốt các phong trào đoàn thể, đạt nhiều thành tích. Anh trở thành một biểu tượng về sự vượt khó, một tấm gương cán bộ nhà nước gương mẫu thể hiện qua nhiều hình thức khen thưởng đã được ghi nhận như “Thanh niên sống đẹp vì cộng đồng”, “Lao động tiên tiến”, “Đảng viên xuất sắc cấp cơ sở”, “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm Đông Nam bộ lần thứ XII”…
Khuyết tật bẩm sinh do di chứng của sốt bại liệt khiến ông Nguyễn Mạnh Tuấn ở Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhưng với ý thức vươn lên trong cuộc sống, không ngừng nỗ lực học tập, ông đã tốt nghiệp cấp III và theo học trường Đại học Tài chính Kế toán. Sau 5 năm học Đại học ra trường, ông Tuấn được phân công về nhận nhiệm vụ tại Sở Thương nghiệp tỉnh Cao Bằng năm 1982, sau đó chuyển nhiều đơn vị công tác như Cục Thuế tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh. Với nhiệm vụ được giao, dù ở vị trí công tác nào, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu khó học hỏi, trau dồi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và trình độ lý luận nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ đổi mới.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) đại diện BHXH tỉnh Cao Bằng nhận Cờ lưu niệm của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Cao Bằng
Từ năm 1997 - 2004, khi là Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, ông đã tham mưu cho lãnh đạo Sở triển khai thực hiện tốt các chế độ chính sách người có công, bảo trợ xã hội, xoá đói giảm nghèo, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành. Từ năm 2005 - 2007, ông là Giám đốc Sở LĐTBXH và từ 2008 đến nay là Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh. ở cương vị lãnh đạo đơn vị, ông đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công việc, đề xuất các giải pháp với tỉnh để tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, phấn đấu đưa Bảo hiểm xã hội tỉnh từ một đơn vị yếu kém vươn lên trở thành đơn vị xuất sắc, được ngành và địa phương đánh giá cao. Bởi thế hàng năm ông Tuấn đều được tặng thưởng Bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, UBND tỉnh và Huân chương Lao động hạng Ba giai đoạn 2007 - 2011.
Ông Tuấn, anh Lâm chỉ là hai trong hàng trăm NKT đang góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Niềm vui của họ không chỉ là một công việc phù hợp, ổn định mà qua đó đã góp phần khẳng định được vị thế và năng lực của NKT, khẳng định NKT có thể làm ở bất cứ đâu, công việc gì, miễn là được tạo điều kiện phù hợp. “Chúng tôi rất mong Nhà nước có nhiều biện pháp thiết thực hơn nữa để tạo điều kiện cho NKT hoà nhập cuộc sống tốt hơn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm giảm bớt sự mặc cảm, để NKT có cơ hội đóng góp, cống hiến, đảm bảo cuộc sống bình đẳng như mọi người trong xã hội”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Nâng cao kỹ năng sống cho NKT - 02/12/2016 03:25
- Truyền thông với vấn đề hòa nhập người khuyết tật - 21/11/2016 03:38
- Tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc - 21/11/2016 03:21
- Kiến trúc nào cho người khuyết tật? - 07/11/2016 03:15
- Cơ sở dữ liệu về người khuyết tật – Những vấn đề còn bất cập - 04/11/2016 03:51
Các tin khác
- Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 06:55
- Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 03:34
- Cấp Giấy xác nhận khuyết tật: Quy định và những vấn đề còn bất cập - 14/10/2016 03:22
- Tăng cường công tác giáo dục hòa nhập với trẻ khuyết tật - 05/10/2016 03:28
- Nâng cao nhận thức về năng lực và sự đóng góp của người khuyết tật - 05/10/2016 03:11