Trong những năm gần đây, Việt Nam tăng cường thực hiện các chính sách, chương trình và các biện pháp nhằm đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập có chất lượng đối với trẻ khuyết tật (TKT) và đạt được một số kết quả trong việc tiếp cận giáo dục và quyền được giáo dục. Để tiếp tục thực hiện giáo dục hòa nhập TKT, Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 70% TKT có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, đồng bộ hơn.
Một số kết quả của công tác giáo dục TKT
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được khung luật pháp trong việc hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề NKT nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng đã được ban hành và ngày càng hoàn thiện, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng giúp họ nhận được ngày càng nhiều sự hỗ trợ của xã hội trên cơ sở thực hiện quyền và cơ hội bình đẳng, không rào cản để hội nhập và phát triển.
Học sinh khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (ảnh tư liệu nhà trường)
Công tác quản lý giáo dục TKT được thực hiện có hiệu quả. Ban Chỉ đạo giáo dục TKT và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Bộ Giáo dục - Đào tạo và ở các địa phương được thành lập là dấu mốc quan trọng, đảm bảo viêc quản lý, chỉ đạo một cách đồng bộ, hệ thống trong giáo dục khuyết tật từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT cấp tỉnh được thành lập và phát triển với gần 20 Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên, cha mẹ học sinh, TKT, can thiệp sớm, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, cán bộ cộng đồng. Mạng lưới đội ngũ giáo viên cốt cán được hình thành và là nhân tốt quan trọng để triển khai các hoạt động giáo dục TKT tại các địa phương.
Công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong giáo dục TKT được khuyến khích nhằm thu hút đầu tư nguồn lực cho giáo dục hòa nhập, giúp TKT phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng. Nhiều năm qua, các lực lượng, tổ chức xã hội, cộng đồng, cá nhân đã tham gia và ủng hộ các hoạt động thúc đẩy giáo dục TKT. Sự ủng hộ đó không chỉ về kỹ thuật, tài chính mà còn là hoạt động vận động, xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động, đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục TKT.
Quy mô giáo dục TKT ngày càng được mở rộng, các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho TKT học tập và chất lượng giáo dục TKT ngày càng được nâng cao. Đã có ngày càng nhiều NKT đi học ở các cấp học cao như trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhiều hình thức tổ chức lớp học hòa nhập linh hoạt với các dạng tật khác nhau, việc cung cấp thiết bị, đồ dùng, phương tiện đảm bảo cho việc thực hiện giáo dục TKT cũng được quan tâm và đầu tư một cách hợp lý, thiết thực.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho công tác giáo dục TKT được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng; hệ thống giáo trình, tài liệu dạy và học về giáo dục khuyết tật được xuất bản và sử dụng rộng rãi hơn trong thực tiễn.
Những hạn chế trong công tác giáo dục TKT
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác giáo dục TKT ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là việc hoàn thành mục tiêu giáo dục của Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020.
Đó là sự hạn chế về nhận thức của cộng đồng về sự phát triển của TKT và tầm quan trọng của giáo dục TKT, trong đó có cả cha mẹ, cán bộ giáo dục và giáo viên. Nhiều cha mẹ không tin tưởng vào chất lượng giáo dục hòa nhập nên không gửi con đến trường, làm hạn chế hiệu quả của phương pháp giáo dục này đồng thời cản trở cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục của TKT.
Một giờ hoạt động góc cho trẻ khuyết tật học hòa nhập tại Trường Mầm non Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh vinhphuc.edu.vn)
Công tác xác nhận khuyết tật và thống kê số liệu về học sinh khuyết tật còn khó khăn. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã không có sự tham gia của ngành giáo dục, dẫn đến những dạng khuyết tật có liên quan đến khó khăn về học tập không được xác định chính xác. Nhiều gia đình không muốn thừa nhận con, em mình là người khuyết tật; nhiều địa phương chưa cấp giấy chứng nhận cho TKT… dẫn đến những khó khăn trong công tác thống kê cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục học sinh khuyết tật.
Hệ thống dịch vụ hỗ trợ chuyên môn còn yếu, chất lượng giáo dục TKT còn nhiều hạn chế. Ngân sách cho giáo dục TKT chưa tương xứng với yêu cầu; cơ sở vật chất còn kém về chất lượng và thiếu về số lượng, chủng loại; sách giáo khoa và đồ dùng dạy học đặc thù cho từng dạng tật thiếu thốn; phương tiện đi lại, cơ sở vật chất chưa hoặc thiếu tiếp cận
Mặc dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập người khuyết tật còn ít về số lượng, yếu về chất lượng. Cả nước mới có 7 cơ sở đào tạo có khoa, tổ giáo dục đặc biệt; số giáo viên được đào tạo trình độ Đại học về giáo dục TKT còn ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của gần 35 nghìn trường học từ mầm non đến THCS trong cả nước. Chương trình, giáo trình đào tạo còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn, hạn chế về số lượng, chất lượng… nên chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục TKT.
Một số giải pháp
Trước yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục làm tốt công tác huy động trẻ khuyết tật đến trường, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập; một số giải pháp đối với công tác giáo dục TKT đã được đặt ra trong thời gian tới. Đó là:
Áp dụng nguyên tắc đổi mới quan điểm xây dựng và thực hiện chính sách giáo dục người khuyết tật từ trợ giúp nhân đạo sang quan điểm bảo đảm quyền con người và nhìn nhận NKT là một bộ phận của nguồn nhân lực; sử dụng phương thức giáo dục hòa nhập là chủ yếu; thay các biện pháp hỗ trợ cá nhân bằng việc tạo môi trường, điều kiện, cơ hội tiếp cận bình đẳng, không rào cản với NKT.
Giáo dục hòa nhập giúp cho trẻ khuyết tật phát triển tốt các kỹ năng (ảnh VTV4)
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề giáo dục TKT. Xây dựng và tổ chức truyền thông một cách thiết thực, hiệu quả với hình thức, nội dung đa dạng: phát hành tờ rơi, áp phích, tranh ảnh tuyên truyền kiến thức cơ bản về giao tiếp, chăm sóc, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập TKT đến cộng đồng, xã hội; tổ chức biểu dương, nêu gương người tốt, việc tốt…
Hoàn thiện hệ thống văn bản và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục TKT. Rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp với Luật NKT, bổ sung thành phần giáo dục trong Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
Tăng cường ngân sách, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho giáo dục TKT, hàng năm Nhà nước bố trí ngân sách thích hợp để thực hiện chính sách đối với TKT và giáo viên trực tiếp dạy học TKT
Cùng với đó, cần quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ, hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục TKT; phát triển chương trình, tài liệu, thiết bị dạy học đặc thù; đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục TKT; tăng cương công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ giáo dục TKT tại các địa phương…
Bằng sự nỗ lực của ngành giáo dục, sự tham gia của toàn xã hội; công tác giáo dục TKT đã có những bước tiến tích cực trong thời gian qua. Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong thời gian tới, tin rằng mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 70% TKT có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục sẽ đạt được và không chỉ dừng ở số lượng TKT đến trường mà chất lượng giáo dục TKT cũng sẽ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phát triển, hòa nhập cộng đồng, xã hội của các em.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Cơ sở dữ liệu về người khuyết tật – Những vấn đề còn bất cập - 04/11/2016 03:51
- Làm việc trong lĩnh vực hành chính Nhà nước: Cơ hội khẳng định năng lực, phẩm chất của người khuyết tật - 04/11/2016 03:34
- Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 06:55
- Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 03:34
- Cấp Giấy xác nhận khuyết tật: Quy định và những vấn đề còn bất cập - 14/10/2016 03:22
Các tin khác
- Nâng cao nhận thức về năng lực và sự đóng góp của người khuyết tật - 05/10/2016 03:11
- Phòng, chống bạo lực với trẻ em và sự tham gia của các tổ chức xã hội - 16/09/2016 09:17
- Chính sách mới về khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ - 16/09/2016 08:55
- Triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT - 31/08/2016 02:50
- Cần xây dựng hệ thống thông tin về người khuyết tật và nạn nhân bom mìn - 12/08/2016 04:33