Thứ hai, 21 Tháng 11 2016 10:21

Trước khi có ngôn ngữ nói, ngôn ngữ ký hiệu xuất hiện như là bản năng của con người. Trong quá trình phát triển, trẻ nghe nói sẽ học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, còn với trẻ điếc, ngôn ngữ ký hiệu là cơ hội, phương tiện để các em giao tiếp, phá bỏ rào cản với thế giới xung quanh. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chính sách ưu đãi, đặc biệt là chính sách về giáo dục, tiếp cận thể hiện trong Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, việc tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu của trẻ điếc đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ hòa nhập cộng đồng.

Ngôn ngữ ký hiệu – ngôn ngữ của người điếc

Theo các chuyên gia, tỷ lệ trẻ sơ sinh khiếm thính nặng và sâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay khoảng 0,1% đến 0,2%, trong khi trẻ khiếm thính nhẹ và vừa là 0,3% đến 0,4%. Nghĩa là, cứ 1.000 trẻ sinh ra có khoảng 4 đến 5 trẻ khiếm thính, trong đó trẻ khiếm thính nặng và sâu (điếc) là 1 đến 2 em. Với trẻ nghe nói, ngôn ngữ nói là phương tiện chính để giao tiếp với xung quanh, với trẻ điếc, ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ “bản năng - tự nhiên” của các em. Do đó, trẻ điếc cần được học bằng ngôn ngữ ký hiệu của “nhóm cộng đồng thiểu số về ngôn ngữ” trước khi học đọc, viết và giao tiếp bằng ngôn ngữ nói. Đây cũng là phương tiện tối ưu của trẻ điếc để tiếp nhận tri thức xã hội.

Số liệu thống kê năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổng số trẻ em trong toàn quốc lứa tuổi nhà trẻ là 3.494.766 và tuổi mẫu giáo là 4.376.488 em. Như vậy, tổng số trẻ lứa tuổi từ 0-6 tuổi là 7.871.254 em. Tương ứng, có trên 39 nghìn trẻ khiếm thính, trong đó có hơn 16 nghìn trẻ (mỗi năm có 2,7 nghìn trẻ) điếc nặng bẩm sinh có nhu cầu sử dụng ngôn ngữ kí hiệu và hơn 36 nghìn trẻ 0 đến 6 tuổi khiếm thính bẩm sinh mức nhẹ vừa có nhu cầu sử dụng ngôn ngữ kí hiệu và học nói.

De an Anh 2 bai Tiep can ngon ngu ky hieu

Người điếc và trẻ điếc là nhóm người thiểu số về ngôn ngữ, có khả năng phát triển triển đầy đủ, toàn diện như người nghe nói, trong đó, ngôn ngữ ký hiệu là phương tiện bổ sung cho lời nói, đảm bảo sự tương tác với trẻ điếc không bị ngăn trở bởi những khó khăn giao tiếp. Bên cạnh ngôn ngữ ký hiệu, trẻ điếc vẫn cần được học ngôn ngữ nói, tuy nhiên về thứ tự ưu tiên, ngôn ngữ ký hiệu vẫn là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ nói là ngôn ngữ thứ hai. Theo bà Lê Thị Kim Cúc, quản lý Dự án IDEO (Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường) thì nếu: “Bỏ lỡ việc dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ điếc trong 6 năm đầu đời sẽ cản trở khả năng phát triển của trẻ và gây cho trẻ những khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội học tập và hòa nhập sau này”.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận ngôn ngữ ký hiệu như một công cụ để giáo dục hoà nhập. Luật NKT khẳng định “Nhà nước tạo điều kiện để NKT được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của NKT”… “NKT được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết. NKT nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu…”, Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 nêu rõ cần “Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phổ thông sử dụng thống nhất trong toàn quốc, xây dựng tài liệu ký hiệu ngôn ngữ cho các cấp học Phổ thông”.

Nâng cao nhận thức về ngôn ngữ ký hiệu

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ ký hiệu với người điếc, việc xây dựng hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phổ thông sử dụng thống nhất trong toàn quốc là hoạt động rất quan trọng mà Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 đề ra nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2020 có 70% trẻ khuyết tật (trong đó có trẻ điếc) có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục. Theo đó, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về giáo dục trẻ khiếm thính được hình thành và không ngừng đẩy mạnh hoạt động như Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Đồng Nai, Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang…

Dự án IDEO, do quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản tài trợ ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới, được thực hiện bởi tổ chức Quan tâm Thế giới và Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2011 đến 2016, là Dự án đầu tiên tập trung vào nhóm đối tượng trẻ Điếc trước tuổi đến trường. Dự án đã giúp cho 255 trẻ Điếc dưới 6 tuổi tại 4 tỉnh/thành phố cua Việt Nam gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Bình và thành phố Hồ Chí Minh được học ngôn ngữ ký hiệu tại nhà, qua đó, trẻ Điếc được chuẩn bị sẵn sàng để bước vào môi trường học tập. Trong mô hình này ngôn ngữ ký hiệu được sử dụng làm phương thức giao tiếp chính giúp trẻ điếc kết nối với gia đình và với thế giới bên ngoài; Những giáo viên điếc trở thành hình mẫu, người ủng hộ và người giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu, vì họ là “người trong cuộc” thấu hiểu việc lớn lên bị điếc; Gia đình tham gia vào quá trình học tập và phát triển của trẻ. Mô hình gắn kết người điếc trưởng thành, trẻ em điếc và gia đình với nhau. Phương pháp tiếp cận “gia đình làm trung tâm, thân thiện với người học” góp phần cải thiện môi trường giao tiếp, giúp trẻ điếc nhận thức đầy đủ tiềm năng của mình.

De an Anh 1 bai Tiep can ngon ngu ky hieu11

Người điếc hai miền Bắc – Nam trao đổi thông tin bằng ngôn ngữ ký hiệu

 

Để xã hội hóa ngôn ngữ ký hiệu giúp mọi người dân đều biết, ủng hộ ngôn ngữ kí hiệu, các cơ quan thông tin đại chúng, cộng đồng người điếc đã tổ chức các lớp học về ngôn ngữ ký hiệu cho cộng đồng. Trong đó có chương trình “Dạy ngôn ngữ ký hiệu” trên truyền hình được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện từ năm 2012, các lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu được mở bởi Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính, Câu lạc bộ Văn hóa Điếc, cộng đồng người điếc dành cho các bạn trẻ và những người quan tâm đến ngôn ngữ ký hiệu, đến vấn đề hòa nhập người khiếm thính… đã cung cấp cho cộng đồng những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ ký hiệu để có thể hiểu và giao tiếp với người khiếm thính.

Cùng với đó, các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở thanh thính học đo khám và cung cấp thiết bị, dụng cụ trợ thính được tuyên truyền để nhận thức được rằng: ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ thứ nhất của trẻ điếc, việc học và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu sẽ giúp trẻ điếc phát triển nhận thức và các lĩnh khác, tạo cơ hội và hỗ trợ cho phát triển ngôn ngữ nói. Các hội, nhóm, Câu lạc bộ cha mẹ trẻ khiếm thính ở các địa phương được xây dựng và phát triển, qua đó, các phụ huynh có điều kiện chia sẻ kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm giáo dục con em điếc của mình. Hoạt động của chi Hội Người điếc Hà Nội, Cộng đồng Người điếc câm thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại một số địa phương khác đã góp phần chia sẻ, nâng cao nhận thức và vị thế của người khiếm thính.

Tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình hòa nhập của người điếc nói chung, trẻ điếc nói riêng. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng người điếc cũng như các phụ huynh có con em bị khiếm thính, nhận thức của xã hội về ngôn ngữ ký hiệu và khả năng tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu của trẻ điếc đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn rất khiêm tốn. Việc tổ chức dạy, phổ biến ngôn ngữ kí hiệu tại các cơ sở cho giáo viên, phụ huynh trẻ điếc và những người quan tâm, duy trì các khóa tập huấn, sinh hoạt Câu lạc bộ người điếc nhằm sử dụng ngôn ngữ ký hiệu vẫn cần được tăng cường hơn nữa, góp phần tăng cường sự tham gia của người điếc vào tiến trình hòa nhập.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE ngôn ngữ ký hiệu , ngườu khiếm thính

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi