Thứ sáu, 14 Tháng 10 2016 10:22

Giấy xác nhận khuyết tật được ví như một tấm “thẻ căn cước” của người khuyết tật. Tấm thẻ này sẽ hỗ trợ người khuyết tật trong việc hòa nhập cộng đồng cũng như thụ hưởng các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Quy định về việc xác định khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật đã được nêu cụ thể trong Luật Người khuyết tật năm 2010, các văn bản liên quan và đã được triển khai thực hiện đồng bộ trong cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay, trong hơn 6,7 triệu người khuyết tật, cả nước mới có hơn 1,3 triệu người được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Việc xác định dạng tật, mức độ khuyết tật cũng như cấp giấy xác nhận khuyết tật sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật vẫn bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại cần quan tâm, giải quyết.

Quy định về xác nhận khuyết tật

Theo quy định của Luật Người khuyết tật và các văn bản dưới Luật thì việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật được giao về Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tại địa phương. Khi Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật, khi NKT hoặc đại diện hợp pháp của NKT không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và khi có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác thì việc xác định mức độ khuyết tật sẽ do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện.

CVDXH Anh 1

Theo đó, tại Điều 16 của Luật NKT, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thành lập. Các thành viên của Hội đồng bao gồm: Chủ tịch UBND cấp xã là Chủ tịch Hội đồng; Trạm trưởng Trạm Y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; Người đứng đầu hoặc cấp phó của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

Cũng theo quy định của Luật NKT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NKT, có 6 dạng tật (khuyết tật vận động, khuyết tật nghe nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh, tâm thần, khuyết tật trí tuệ và khuyết tật khác) và 3 mức độ khuyết tật (đặc biệt nặng, nặng và nhẹ). Để xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật sử dụng phương pháp quan sát trực tiếp NKT thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác theo quy định. Sau khi hoàn tất các thủ tục, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật. Đây là cơ sở để NKT hưởng trợ cấp xã hội cũng như thụ hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

CVDXH Anh 4

Theo Khoản 1, Điều 19 Luật NKT, giấy xác nhận khuyết tật sẽ gồm các nội dung cơ bản như: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính của NKT, địa chỉ nơi cư trú của NKT, dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật. Giấy xác nhận khuyết tật có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ký.

Nhiều vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân

Triển khai thực hiện Luật NKT và các văn bản liên quan, các địa phương trong cả nước đã thành lập các Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và tổ chức cấp giấy xác nhận khuyết tật cho NKT. Tuy nhiên, đến nay hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập, trong đó, có một số vấn đề như:

+ Số người được cấp giấy chứng nhận khuyết tật còn thấp:

Số người được cấp Giấy xác nhận khuyết tật đa số là trường hợp NKT nặng, đặc biệt nặng. Việc chưa được xác định mức độ khuyết tật, chưa được cấp giấy xác nhận khuyết tật cũng đồng nghĩa với việc nhiều NKT gặp khó khăn trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong các lĩnh vực từ y tế, giáo dục, việc làm, trợ cấp xã hội hàng tháng…. Một người khiếm thính ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: là người điếc câm nên anh bị hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cá nhân trong tham gia giao thông. Vì vậy, phương tiện giao thông công cộng như xe buýt là lựa chọn hàng đầu. Theo quy định của pháp luật, anh sẽ được miễn phí vé xe buýt nhưng vì chưa được cấp giấy xác nhận khuyết tật nên đến nay, anh vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.

+ Cấp giấy xác nhận khuyết tật chưa đúng đối tượng, dạng tật, mức độ khuyết tật

Trong số hơn 1,3 triệu Giấy xác nhận khuyết tật được cấp cũng nảy sinh nhiều vấn đề như: cấp không đúng đối tượng, không đúng dạng tật, mức độ khuyết tật, người được cấp giấy xác nhận nhưng không được hưởng chế độ ưu đãi, cấp xong lại thu hồi vì những lý do khác nhau... Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Đào ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Trong một bài viết được phản ánh trên báo Pháp luật online, chị Đào được UBND xã Hồng Hà cấp giấy xác nhận khuyết tật số 04/DDPHH với dạng khuyết tật thấp còi (vận động), mức độ khuyết tật nặng. Tuy nhiên, trong suốt quá trình được cấp giấy từ năm 2013 đến nay, chị Đào lại không nhận được bất kỳ một khoản trợ cấp hàng tháng nào và danh sách hưởng trợ cấp của xã lại không có tên chị. Sau khi gia đình chị liên tục có đơn thư phản ánh thì nhận được thông báo của UBND xã với nội dung “Qua 3 năm thực hiện, UBND xã Hồng Hà tổ chức xác nhận và cấp giấy cho NKT trên địa bàn xã chưa đúng với các văn bản hướng dẫn… Vậy UBND xã Hồng Hà thông báo các đối tượng có nhu cầu xác định lại dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật về khám để cấp giấy…”.

CVDXH Anh 3

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên, theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống pháp luật liên quan đến NKT nói chung, vấn đề xác định mức độ khuyết tật nói riêng ở nước ta tương đối hoàn chỉnh, các chính sách rất rõ ràng, cụ thể, nhưng do việc triển khai thực hiện còn bộc lộ nhiều vấn đề tắc trách, là do một số cán bộ ở cấp cơ sở không am hiểu cụ thể luật việc kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện còn hạn chế.

Giải pháp hoàn thiện

Để khắc phục những tồn tại làm ảnh hưởng đến quyền lợi NKT, cần thực hiện một số giải pháp sau:

+ Theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NKT, việc xác định mức độ khuyết tật cho NKT sẽ do hội đồng giám định khuyết tật của địa phương (phường xã) đánh giá thông qua các bảng hỏi, sau khi có đơn đề nghị của gia đình hoặc người khuyết tật. Và tùy thuộc vào số câu được trả lời này mà tính điểm để xếp hạng mức độ khuyết tật nặng hay nhẹ, có được nhận trợ cấp xã hội hay không. Tuy nhiên, đối với những trường hợp khuyết tật về vận động thì hội đồng xác định mức độ khuyết tật có thể đánh giá được, còn chỉ bằng những câu hỏi và mắt thường thì không thể nào xác định một người có tâm thần hay không, mức độ nặng hay nhẹ khi các cán bộ của Hội đồng chỉ có thành viên là trạm trưởng trạm y tế là có chuyên môn về y khoa. Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng này, cần bổ sung thêm thành phần Hội đồng xác định mức độ khuyết tật những cán bộ có chuyên môn sâu về y tế, giáo dục… cũng như giám sát chặt chẽ việc giám định, cấp giấy xác nhận khuyết tật tại cơ sở để đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng đối tượng.

+ Đối với một số dạng tật khó xác định (như tự kỷ) vì chưa đưa vào danh mục dạng tật cũng gây không ít khó khăn cho các thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật. Tự kỷ là một dạng khuyết tật, nhưng không được gọi tên một dạng tật cụ thể mà nằm trong nhóm “khuyết tật khác”. Theo quy định, để được hưởng chính sách, trẻ tự kỷ phải được xếp vào nhóm khuyết tật được định danh, vì vậy, việc xác định dạng tật cũng như mức độ khuyết tật tự kỷ chưa bao giờ có tên trong văn bản pháp lý của Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, theo ý kiến của các chuyên gia cũng như đại diện Bộ LĐ-TB&XH, cần phải xếp tự kỷ vào một nhóm riêng được định danh giống như các nhóm khuyết tật vận động, khuyết tật thần kinh, khuyết tật thị giác, khuyết tật thính giác… Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng đề xuất với Quốc hội về vấn đề này. Trong khi luật chưa được sửa đổi, bổ sung thì rất cần có những giải pháp quy định về chính sách cho người tự kỷ….

NKT là những người thiệt thòi trong xã hội, phần lớn trong số họ đều có sức khỏe, tuổi thọ kém hơn người bình thường. Giấy xác nhận khuyết tật là một trong những phương tiện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật. Để NKT có thể thụ hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, bình đẳng và hòa nhập xã hội, việc xác nhận khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật cần được đẩy mạnh, triển khai rộng khắp và có hiệu quả trên khắp các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, vai trò quản lý, giám sát cũng như đôn đốc của các cơ quan chức năng cần được phát huy tích cực để đảm bảo việc thực thi pháp luật được chính xác, đúng người, đúng mức độ.  

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi