Với bất kỳ ai, dù khuyết tật hay không, kỹ năng sống đều có vai trò quan trọng trong giao tiếp, tư duy, trong giáo dục, việc làm… Riêng đối với NKT, quá trình hòa nhập họ thường gặp biết bao khó khăn từ vật chất, khiếm khuyết cơ thể và đặc biệt là mặc cảm bản thân. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng sống là cách để NKT đối diện, vượt qua những thách thức của cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Vai trò của kỹ năng sống với NKT
Kỹ năng sống được hiểu là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kỹ năng sống được chia thành 2 loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy với 10 yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận và phê phán, cách quyết định, giao tiếp hiệu quả và cách thương thuyết.
Kỹ năng sống cũng giống như “kinh nghiệm”, “nguồn vốn” của mỗi người khi tham gia đời sống xã hội. Người nào có càng nhiều “vốn” thì có thể tham gia được càng nhiều hoạt động, lĩnh vực, khả năng kết nối càng được mở rộng. Đối với NKT, vốn là những người yếu thế, do mặc cảm về khiếm khuyết của mình nên họ thường sống khép kín, ít giao tiếp, va chạm với cuộc sống bên ngoài, việc trang bị kỹ năng sống lại càng có vai trò quan trọng, đặc biệt trong thời đại công nghệ và hội nhập quốc tế như hiện nay. Với nguồn “vốn” được trang bị phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nhu cầu… NKT sẽ thêm tự tin vào bản thân mình, tìm tự tin tìm kiếm cơ hội học tập, việc làm, giao lưu, kết bạn từ đó dễ dàng hòa nhập cộng đồng…
Đối với NKT đang trong tuổi học sinh, kỹ năng sống là hành trang quan trọng để các em tham gia giáo dục hòa nhập, tự tin hòa nhập cộng đồng
Nhận thức rõ vaitrò của kỹ năng sống đối với NKT trong quá trình hòa nhập cộng đồng, bên cạnh các chính sách về y tế, giáo dục, việc làm, giao thông, tiếp cận…. những năm qua, Đảng, nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện để NKT được học tập, giáo dục kỹ năng sống. Kể từ khi Luật NKT và các văn bản dưới Luật được ban hành, NKT Việt Nam đã được quan tâm, tạo điều kiện để hòa nhập và phát triển. Đặc biệt, vấn đề trang bị kỹ năng sống cho NKT cũng đã được đưa vào các văn bản pháp luật với các mục tiêu cụ thể. Trong đó, Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 – 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% người khuyết tật được tập huấn các kỹ năng sống.
Thực hiện Đề án, với tinh thần tương thân tương ái và sự cảm thông sâu sắc với những khó khăn của NKT trong việc hòa nhập với cuộc sống, và với mục đích hướng tới sự phát triển khỏe mạnh về tâm lý và xã hội của cộng đồng yếu thế, các tổ chức xã hội, tổ chức của NKT và vì NKT và các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật và NKT trưởng thành. Trong đó, các kỹ năng sống độc lập, phục vụ cho cuộc sống bản thân người khuyết tật như: kỹ năng chấp nhận sự khuyết tật và xác định giá trị bản thân, tự nhận thức bản thân và xây dựng lòng tự trọng, kỹ năng tìm kiếm việc làm… được quan tâm, chú trọng.
Các kỹ năng cần thiết để NKT hòa nhập cộng đồng
Đối với NKT còn trong độ tuổi học sinh, nhất là các em được học tập trong các trường chuyên biệt, hầu hết các em đều học nội trú xa gia đình, các em phải học cách tự chăm sóc bản thân, làm quen và tự tin trong môi trường học tập hòa nhập. Học sinh khiếm thị được học kỹ năng định hướng di chuyển, cách xác định phương hướng, vị trí của các vật khi di chuyển trong không gian để có thể tự đi lại một mình. Đặc biệt, việc giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật cần được chú trọng, có sự tham gia hướng dẫn, giảng dạy của các chuyên gia tư vấn tâm lý, giáo viên sinh học, phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu… nhằm cung cấp cho các em những thông tin đầy đủ, chính xác về giới tính, sức khỏe sinh sản, về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Bởi các em đang trong độ tuổi “lỡ cỡ”, việc nảy sinh tình cảm giữa các học sinh khác giới là không thể tránh khỏi, trang bị kỹ năng giúp các em nhận thức đúng vấn đề, giữ được giới hạn trong chuyện tình cảm.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội tập huấn kỹ năng sống theo pháp luật cho NKT và cán bộ Hội
Với NKT trưởng thành, kỹ năng sống là điều kiện cần và đủ để họ lựa chọn, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về những vấn đề có liên quan tới cuộc sống của chính mình và phục vụ cộng đồng như các công dân khác trong xã hội. Các kỹ năng xác định các giá trị và tự nhận thức, kỹ năng tư duy tích cực, quản lý cảm xúc, quản lý thời gian, kỹ năng xác định mục tiêu và hướng nghiệp, kỹ năng lập kế hoạch, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới tính để tránh bị lạm dụng tình dục…
Kỹ năng làm chủ bản thân giúp NKT trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng giữ được thái độ bình tĩnh, tự tin. Trong cuộc sống, với khiếm khuyết trên cơ thể, không ít NKT gặp phải sự bất tiện, có lúc là thái độ không thiện cảm của những người xung quanh. Nếu như lúc đó, NKT không làm chủ được bản thân, để cảm xúc nhất thời lấn át, họ có thể sẽ khó chịu, tức giận và phản kháng thái quá hoặc chấp nhận sự kỳ thị, từ đó càng thêm mặc cảm, thu mình lại. Nhưng khi có kỹ năng kiềm chế bản thân, họ sẽ biết cách xử lý sự việc một cách hợp lý, vừa hài hòa mối quan hệ, vừa giữ vững được vị thế của mình.
Hiện nay, phong trào sống độc lập trong cộng đồng NKT tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, các Trung tâm Sống độc lập được xây dựng tại một số thành phố lớn trong cả nước đã góp phần tích cực trang bị kỹ năng để NKT có thể sống độc lập mà khi sống cùng gia đình hoặc tại các cơ sở chăm sóc họ không được trải nghiệm. Thông qua các buổi tham vấn đồng cảnh, chính NKT tại các Trung tâm đã giúp cho nhiều NKT khác lấy lại sự tự tin và ý thức về khả năng và giá trị của mình, tự lập ra được kế hoạch tài chính, cách giao tiếp, nấu ăn, nâng cao năng lực (kỹ năng quản lý, lập kế hoạch, điều phối, làm việc theo nhóm, vận động ủng hộ, tổ chức sự kiện…). Từ đó, giúp NKT nỗ lực vượt qua mặc cảm để khẳng định mình, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Phát huy vai trò tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề - 27/02/2017 07:06
- Một số kỹ năng công tác xã hội nhóm với NKT tại cộng đồng - 04/01/2017 07:28
- Thực hiện quyền của phụ nữ khuyết tật trên cơ sở bình đẳng giới - 04/01/2017 03:37
- Nhu cầu và cơ hội tiếp cận thông tin của người khiếm thị - 22/12/2016 04:18
- Mạng xã hội - Phương tiện hữu ích trong quá trình hòa nhập của NKT - 02/12/2016 04:17
Các tin khác
- Truyền thông với vấn đề hòa nhập người khuyết tật - 21/11/2016 03:38
- Tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc - 21/11/2016 03:21
- Kiến trúc nào cho người khuyết tật? - 07/11/2016 03:15
- Cơ sở dữ liệu về người khuyết tật – Những vấn đề còn bất cập - 04/11/2016 03:51
- Làm việc trong lĩnh vực hành chính Nhà nước: Cơ hội khẳng định năng lực, phẩm chất của người khuyết tật - 04/11/2016 03:34