Gần 25 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo trợ, chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam luôn nỗ lực, sáng tạo, tìm ra những phương thức hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích tối đa cho đối tượng. Cùng với sự chuyển hướng tiếp cận dựa trên quyền của người khuyết tật, Hội đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, các phong trào của MTTQ Việt Nam, từ đó tranh thủ được nhiều sự động viên, hỗ trợ từ mọi thành phần trong xã hội, cùng góp phần tích cực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của NKT, TMC. Trong đó, việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới, hình thành các mô hình trợ giúp mang tính hiệu quả, bền vững của Hội được đánh giá cao.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Năm 2008, lần đầu tiên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thí điểm mô hình “Hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế đối với NKT, TMC thực hiện đồng bộ: bản thân, gia đình và cộng đồng”. Mô hình này đã được triển khai trong 03 năm (2008 - 2010) tại 22 xã thuộc đồng bằng Bắc bộ (Hà Nội, Hải Dương), Nam bộ (Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước), Miền trung và Tây nguyên (Phú Yên, Kon Tum). Năm 2011, mô hình được áp dụng thí điểm ở 38 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới thuộc 28 tỉnh, thành phố (trong đó có 6 xã chỉ đạo điểm của Ban Bí thư Trung ương Đảng và 32 xã thí điểm của 22 tỉnh, thành phố).
Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ gia đình NKT tại xã xây dựng nông thôn mới của Trà Vinh
Hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ cuối năm 2011 Hội đã hình thành mô hình “Hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới”, đồng thời triển khai, đưa mô hình này trở thành chương trình hoạt động thứ 6 của Hội.
Trên cơ sở các nội dung hỗ trợ mà Trung ương Hội định hướng, các tỉnh thành Hội đã không ngừng sáng tạo, đổi mới, xây dựng nên các mô hình trợ giúp hiệu quả, được đối tượng, người dân hưởng ứng nhiệt tình, Trung ương Hội, chính quyền địa phương đánh giá cao như mô hình hỗ trợ vốn làm kinh tế, giống vật nuôi, cây trồng, mô hình dạy nghề, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch, xe lăn và đường tiếp cận…
Nếu trong mô hình thí điểm, việc hỗ trợ để các hộ gia đình NKT, TMC phát triển chăn nuôi chỉ đơn thuần là cấp vốn hoặc cấp sẵn bò sinh sản, thì khi triển khai tại xã xây dựng nông thôn mới, phương thức này được thực hiện hết sức linh hoạt. Tại Tây Ninh bò giống để hỗ trợ cho các gia đình NKT, TMC được huy động từ nhiều nguồn: từ Dự án Ngân hàng bò và phát triển cộng đồng tỉnh Tây Ninh (Dự án CBCD), từ Trung ương Hội, CLB Phụ nữ từ thiện, từ Tổ chức DAI….
Ngoài ra, để các hộ gia đình có kinh phí phát triển sản xuất, tỉnh Hội huy động các tổ chức DAI, Tổ chức ADRA, chi Hội Chùa Cẩm Phong cấp vốn không hoàn lại cho hàng chục hộ gia đình với số tiền hàng trăm triệu đồng. Tại Thanh Hoá, tỉnh Hội xây dựng thành chương trình “Bò vàng sinh kế”, hỗ trợ cho 45 hộ gia đình có NKT, TMC tại 2 xã xây dựng nông thôn mới Trường Sơn (huyện Nông Cống) và Quý Lộc (huyện Yên Định) 45 con bò, sau 5 năm triển khai thực hiện đến nay đã có 42 hộ thoát nghèo. Ngoài bò sinh sản, tỉnh Hội còn hỗ trợ vốn chăn nuôi lợn sinh sản, gia cầm cho NKT hiệu quả khá cao.
Riêng Vĩnh Phúc, phương thức hoạt động của tỉnh Hội là hỗ trợ vốn không lãi suất để các hộ gia đình NKT, TMC chăn nuôi bò sinh sản, nuôi ong lấy mật, nuôi chim bồ câu.. chu kỳ 3 năm. Nếu hộ thoát nghèo thì hoàn vốn cho UBND xã để cùng với Hội tiếp tục xét hỗ trợ vốn cho hộ NKT khác trong xã. UBND xã cam kết với Hội về việc bảo toàn nguồn vốn do ngân sách của tỉnh và Hội hỗ trợ cho các hộ gia đình. Đến khi địa phương không còn hộ gia đình có NKT, TMC nghèo thì nguồn vốn này được nhập vào quỹ an sinh xã hội của xã. Mô hình này mang tính xã hội hoá cao, khuyến khích được tinh thần trách nhiệm, chủ động của chính quyền cơ sở do đó hiệu quả hoạt động cũng được đảm bảo.
Sau 5 năm triển khai, đàn bò của 538 hộ gia đình thuộc 86 xã xây dựng nông thôn mới của Vĩnh Phúc tăng từ 538 lên 895 con (tăng 357 con)… Để khích lệ NKT tham gia phát triển kinh tế, thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, tỉnh Hội Vĩnh Phúc còn tổ chức Hội thi NKT chăn nuôi bò sinh sản giỏi thu hút hàng chục hộ gia đình NKT tham gia.
Ngoài chăn nuôi bò, lợn, chim… việc hỗ trợ cho các gia đình NKT, TMC có cơ hội thoát nghèo còn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác như hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm (Thanh Hoá, Vĩnh Long…), hỗ trợ vốn trồng rau (Phú Yên), cải tạo vườn tạp, nuôi tôm sú, trồng hoa màu (Cà Mau), trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ (Thanh Hoá), hỗ trợ vốn phát triển dịch vụ (cắt tóc, may mặc, sửa chữa điện tử, điện thoại…). Hay như Đồng Tháp, tập trung mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2.000 người nghèo, cận nghèo ở 2 xã xây dựng nông thôn mới là Phú Cường (huyện Tam Nông) và Tân Công Chí (huyện Tân Hồng)…
Tăng cường gắn kết cộng đồng
Có thể nói, việc các cấp Hội tham gia hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực thay đổi đời sống của đối tượng một cách rõ rệt. Hội đã nhìn ra những nhu cầu, mong muốn thiết thực nhất của các gia đình có NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới để từ đó xây dựng các chương trình trợ giúp phù hợp, tạo cơ hội cho bà con được thụ hưởng những thành quả to lớn của chương trình xây dựng nông thôn mới. Hội đã nhận ra nguy cơ bỏ học của các em học sinh khuyêt tật, mồ côi để từ đó cấp cho các em 16.026 suất học bổng. Hiểu rõ nỗi thống khổ của bà con vùng ven biển thiếu nước ngọt, những gia đình khó khăn về nhà ở, nước sạch, Hội đã vận động xây dựng 2.199 nhà tắm, nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 1.275 công trình vệ sinh đạt chuẩn, sửa chữa làm mới 1.862 nhà… Trong đó, tỉnh Hội Cà Mau thực hiện hỗ trợ tại 10 xã xây dựng nông thôn mới đã xây dựng công trình nước sạch, khoan cây nước ngầm, cung cấp nước ngọt cho 243 hộ gia đình có NKT ven biển, hỗ trợ xây dựng 346 công trình vệ sinh tại nhà…
Đường tiếp cận tại cộng đồng của tỉnh Hội Hà Tĩnh
Riêng việc hỗ trợ phương tiện đi lại cho NKT, từ “Mô hình đường tiếp cận cho NKT trên địa bàn xã” Hội đã hình thành và phát triển thành mô hình “Xe lăn và đường tiếp cận” triển khai trên khắp cả nước. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đề ra chương trình xe lăn cho NKT từ năm 2006. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội đã xây dựng Dự án “Mô hình đường tiếp cận cho NKT trên địa bàn xã” mô hình được thực hiện tại 2 xã xây dựng nông thôn mới là xã Cẩm Thành, xã Cẩm Lĩnh huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh với kinh phí được hỗ trợ từ nguồn bảo đảm xã hội và huy động sự ủng hộ, đóng góp của xã hội, gia đình. 100% NKT có nhu cầu đã được hỗ trợ làm đường tiếp cận tại nhà ở, dự án còn hỗ trợ đường tiếp cận tại trường học, trạm xá, bưu điện, quỹ tín dụng nhân dân, nhà văn hóa xã, thôn giúp NKT có thêm cơ hội tham gia các hoạt động, thụ hưởng thành quả của nông thôn mới, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, góp phần giải phóng sức lao động của người thân trong gia đình.
Mô hình này được triển khai hiệu quả, đến nay hầu khắp các xã xây dựng nông thôn mới, gia đình có NKT vận động, có nhu cầu xe lăn đều được hỗ trợ xe và xây dựng đường tiếp cận. Một số tỉnh thành Hội đóng góp tích cực trong hoạt động này như Thanh Hóa, Cà Mau, Hà Tĩnh,…
Cũng trong quá trình thực hiện mô hình này, những NKT, gia đình NKT đã có sự gắn kết với cộng đồng, cùng nhau chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất thông qua việc hình thành các tổ, nhóm sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp. Như ở Vĩnh Long hình thành 5 tổ,nhóm, ở Phú Yên có 3 tổ, nhóm, Trà Vinh hình thành 7 nhóm và 96 tổ sản xuất tại 2 xã xây dựng nông thôn mới Hưng Long Mỹ huyện Châu Thành và Phước Hưng, huyện Trà Cú… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo cơ hội cho đối tượng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đồng lòng, gắng sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 2016 - 03/02/2016 00:37
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội - 03/02/2016 00:26
- Phát huy tính bền vững trong công tác trợ giúp đối tượng - 03/02/2016 00:19
- Hỗ trợ đối tượng đón Xuân ấm áp, vui tươi - 03/02/2016 00:12
- Lồng ghép hoạt động Hội trong văn hóa truyền thống của dân tộc - 02/02/2016 12:27
Các tin khác
- Phát huy thế mạnh của tổ chức Hội cơ sở - 02/02/2016 12:09
- Hỗ trợ trẻ khuyết tật, mồ côi: Hướng đến một mô hình hiệu quả, bền vững - 02/02/2016 12:02
- Thành Hội Hà Nội: Mở rộng hoạt động, tăng cường tình đoàn kết với các tỉnh Hội bạn - 02/02/2016 11:55
- Thành Hội thành phố Hồ Chí Minh: Cây mùa xuân thắp sáng lòng nhân ái - 02/02/2016 11:49
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: Mái ấm cho người nghèo - 02/02/2016 11:44