Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội đối với vấn đề NKT và có tác động tích cực đến quá trình hòa nhập của NKT. Hình thức và nội dung mà các phương tiện truyền thông tuyên truyền có tác dụng làm cho xã hội hiểu rõ hơn những khó khăn trong thực tế mà NKT, phải đối mặt, từ đó làm thay đổi suy nghĩ, định kiến và cách hành xử gây ảnh hưởng không tốt cho NKT đồng thời nhận thức đúng đắn về khả năng, đóng góp của NKT cho xã hội, tạo điều kiện cho NKT tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Vai trò của truyền thông với hòa nhập NKT
Truyền thông - Truyền hình, Phát thanh, báo giấy, tạp chí, mạng internet, các mạng truyền thông xã hội và các hình thức truyền thông khác – có vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức xã hội và tạo ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của công chúng. Việc lựa chọn ngôn từ, hình ảnh và thông điệp trong truyền thông có thể giúp hình thành, định hướng nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi thành viên trong xã hội đối với mỗi vấn đề, sự kiện, sự việc.
Đối với NKT, cách thức các phương tiện truyền thông đưa tin có thể giúp xã hội nâng cao nhận thức về những thách thức, khó khăn NKT phải đối mặt, những vấn đề xoay quanh chủ đề hòa nhập của NKT, những yếu tố dẫn đến khó khăn và sự kỳ thị với NKT. Thời điểm và tần suất đăng tải tin bài về chủ đề hòa nhập NKT, ngôn từ để nói về NKT có thể mang lại cái nhìn tích cực, tăng cường sự tôn trọng đối với quyền và nhân phẩm của NKT, thúc đẩy và nâng cao nhận thức về xã hội hòa nhập. Việc đưa hình ảnh NKT có nhân phẩm và được tôn trọng lên các phương tiện truyền thông có tác dụng quảng bá cho một xã hội hòa nhập và chấp nhận sự khác biệt giữa các thành viên của xã hội.
Thông qua truyền thông, nhiều hình ảnh tích cực, tiêu biểu của NKT đã được xây dựng; giúp xã hội nhìn thấy hình ảnh người khuyết tật là những người có chuyên môn, năng lực, không chỉ tự giúp mình mà còn đóng góp trở lại cho gia đình, xã hội. Qua đó, quảng bá mạnh mẽ thông điệp: NKT có sự hiện diện và đóng góp ở mọi lĩnh vực của đời sống, mọi cộng đồng, mọi vùng miền… Theo ông Juan Somavia - Tổng Giám đốc tổ chức Lao động quốc tế ILO: “Khi chúng ta quảng bá cho quyền và phẩm giá của NKT tức là chúng ta đang nâng cao vị thế của những con người, đang thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và làm giàu cho toàn xã hội nói chung”.
Truyền thông đã tham gia huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề NKT chưa được hoà nhập vào đời sống xã hội, kinh tế, chính trị nói chung, đồng thời giải quyết những khó khăn về tiếp cận đối với các lĩnh vực phát triển như y tế, giáo dục, lương thực, nhà ở, việc làm và đất đai. Truyền thông cũng góp phần phổ biến về các dịch vụ hỗ trợ, các nguồn trợ giúp, mang đến những thông tin cần thiết, thiết thực về các chương trình, chính sách đối với NKT.
Phát huy thế mạnh của truyền thông trong hòa nhập NKT
Hiện nay, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí với 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Chưa kể hàng ngàn trang tin điện tử cũng tham gia vào việc cung cấp thông tin, truyền thông cho công chúng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống, các địa phương, các ngành nghề, tổ chức xã hội… Về phương diện cung cấp thông tin cho xã hội, báo chí phục vụ tất cả mọi lứa tuổi (từ thiếu nhi học mẫu giáo đến người cao tuổi), tất cả các thành phần (mọi ngành nghề, khu vực sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội… ), mọi nơi (tất cả các vùng, miền trong cả nước), mọi lúc (báo chí cập nhật thông tin liên tục 24 giờ trong ngày)…
Chị Đinh Việt Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Đời mới chia sẻ về phương pháp truyền thông về NKT
Về lực lượng lao động báo chí, cả nước có gần 40 nghìn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có hơn 17 nghìn người được cấp thẻ Nhà báo để hành nghề. Về tổ chức Hội Nhà báo, có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi Hội và gần 200 chi Hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, quản lý hơn 23 nghìn hội viên hoạt động trong tất cả các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí, chỉ đạo báo chí, cơ quan đào tạo, nghiên cứu báo chí… Đây là lực lượng hùng hậu và là cơ hội lớn ít có ngành nghề nào có được trong việc tham gia bảo vệ quyền của NKT góp phần vào quá trình hòa nhập của NKT.
Báo chí góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về NKT, phản ánh, giám sát, phản biện hoạt động của các địa phương, tổ chức cơ quan trong việc tham gia bảo vệ quyền của NKT. Báo chí góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng cho NKT, các thành viên trong xã hội về vấn đề hòa nhập NKT… Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hàng loạt các chính sách pháp luật liên quan đến NKT được ban hành tạo nên một hành lang pháp lý cho quá trình hòa nhập và đảm bảo quyền của NKT… Thống kê của ủy ban quốc gia về NKT, ngoài các Luật và Đề án chung, trong hệ thống các văn bản quy định hiện hành về NKT có 7 văn bản quy định về việc xác định mức độ khuyết tật và trợ giúp về y tế, phục hồi chức năng, 8 văn bản quy định chính sách trợ cấp, trợ giúp xã hội, 10 văn bản quy định chính sách giáo dục, 12 văn bản quy định chính sách về việc làm…. Đặc biệt, sau khi quốc hội nước ta phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của NKT, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1100/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT…
Tọa đàm với NKT
Những chính sách này đã từng bước nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với NKT, tháo gỡ những rào cản với NKT trong quá trình hòa nhập. Để các chính sách này đến được với công chúng và NKT, hàng ngàn bài viết, chuyên trang, chuyên đề được thực hiện trên tất cả các loại hình báo chí đã thông tin, giải đáp những thắc mắc liên quan, góp phần đưa các chính sách này đi vào thực tiễn, tăng cường sự hiểu biết của mọi tầng lớp nhân dân về vấn đề hòa nhập của NKT. Nhờ đó, NKT được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục, việc làm…
Báo chí tham gia biểu dương những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, gương điển hình của NKT. Qua các bài viết cập nhật liên tục trong những ngày diễn ra Paralympic 2016, không chỉ cộng đồng NKT mà tất cả những người dân Việt Nam đều hết sức phấn khởi, tự hào khi các vận động viên khuyết tật mang vinh quang về cho tổ quốc với những tấm Huy chương danh giá. Trong các cuộc thi sắc đẹp, NKT Việt Nam cũng đã ghi danh trên đấu trường quốc tế như danh hiệu á hậu 2 do Hoa khôi Điếc Việt Nam 2015 Bùi Thị Lan Anh đem về từ cuộc thi Miss and Mister Deaf International 2016 - cuộc thi nhan sắc mang tầm vóc quốc tế dành cho người Điếc diễn ra tại Mỹ… Việc báo chí tuyên truyền, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của NKT cho thấy khả năng và sự đóng góp của NKT, đồng thời góp phần cổ vũ, động viên tinh thần NKT không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Không chỉ phản ánh, nêu gương, báo chí còn phát hiện và phê phán những yếu kém, bất cập trong quá trình hòa nhập của NKT như rào cản trong tiếp cận công trình giao thông, công cộng, tiếp cận giáo dục, học nghề, khó khăn trong tìm kiếm việc làm, chế độ, chính sách hoạt động sản xuất kinh doanh của NKT… Có thể nhận thấy, sau khi Luật NKT ra đời, được sự quan tâm của Nhà nước, sự hoạt động tích cực của các tổ chức hội, nhóm của NKT và vì NKT kết hợp với sự tập trung phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng đã thay đổi nhận thức và bộ mặt của xã hội một cách rõ rệt. Nếu cách đây độ chục năm, NKT rất ít khi ra đường do mặc cảm, do bị kỳ thị và không có điều kiện tiếp cận thì hiện nay, không khó gặp hình ảnh NKT tự tin trên đường, tham gia giao thông, đi máy bay, làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, cùng với đó là sự sẵn sàng chào đón, giúp đỡ của những người bình thường khi thấy NKT gặp khó khăn…
Báo chí là diễn đàn về các sáng kiến, cơ hội, lộ trình tham gia hòa nhập của NKT đồng thời giới thiệu các mô hình, phương hướng hỗ trợ NKT hiệu quả mà sự ra đời và đi vào hoạt động của các mô hình này đã trở thành điểm đến cho NKT, góp phần tích cực khẳng định năng lực, vị thế của NKT trong cộng đồng. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT, mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Mô hình trợ giúp pháp lý miễn phí cho NKT của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC); Mô hình Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh…
Những vấn đề cần lưu ý
Trong thời gian qua, công tác truyền thông đã đóng vai trò rất quan trong đối với vấn đề hòa nhập của NKT. Sự tham gia của báo chí và các phương tiện truyền thông đã tạo nên môi trường thuận lợi hơn cho quá trình hòa nhập của NKT. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò định hướng dư luận, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của xã hội, việc thông tin về các vấn đề của NKT trên báo chí, truyền thông cần tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản như: Phản ánh đúng sự thật, không bi kịch quá số phận, cũng không anh hùng hóa NKT; Khi phân tích, bình luận các vấn đề liên quan đến NKT cần có cái nhìn đa chiều, đứng trên nhiều góc độ để có sự phản ánh khách quan nhất. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngôn ngữ trên báo chí khi viết về vấn đề khuyết tật cần có sự chọn lọc và chuẩn xác theo quy định của pháp luật và mang tính phổ thông nhất.
NKT là những người yếu thế trong xã hội, nhưng điều họ cần ở xã hội là sự nhìn nhận, cảm thông và tạo cơ hội cho họ được thể hiện, khẳng định năng lực và sự đóng góp của mình chứ không phải sự thương hại, ban ơn. Việc thông tin, phản ánh về vấn đề NKT trên báo chí cần thể hiện được tính chất công bằng, văn minh của xã hội trong xu thế hội nhập và phát triển, làm sao để tất cả mọi người đều có cơ hội thụ hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời có trách nhiệm đóng góp sức mình cho sự vững bước đi lên của đất nước.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Một số kỹ năng công tác xã hội nhóm với NKT tại cộng đồng - 04/01/2017 07:28
- Thực hiện quyền của phụ nữ khuyết tật trên cơ sở bình đẳng giới - 04/01/2017 03:37
- Nhu cầu và cơ hội tiếp cận thông tin của người khiếm thị - 22/12/2016 04:18
- Mạng xã hội - Phương tiện hữu ích trong quá trình hòa nhập của NKT - 02/12/2016 04:17
- Nâng cao kỹ năng sống cho NKT - 02/12/2016 03:25
Các tin khác
- Tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc - 21/11/2016 03:21
- Kiến trúc nào cho người khuyết tật? - 07/11/2016 03:15
- Cơ sở dữ liệu về người khuyết tật – Những vấn đề còn bất cập - 04/11/2016 03:51
- Làm việc trong lĩnh vực hành chính Nhà nước: Cơ hội khẳng định năng lực, phẩm chất của người khuyết tật - 04/11/2016 03:34
- Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 06:55