Thứ sáu, 14 Tháng 10 2016 13:55

Các hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý đều vì mục đích phục vụ nhân dân, hướng về cơ sở, vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Trợ giúp viên pháp lý vừa là tuyên truyền viên, vừa là tư vấn viên, vừa là hòa giải viên, đồng thời là một “luật sư công” để làm cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống với vai trò là người thi hành công vụ, được Nhà nước giao nhiệm vụ. Riêng đối với NKT, do những khó khăn về thể chất, đặc điểm tâm lý đặc thù nên cần có cách tiếp cận, kỹ năng hỗ trợ, tư vấn pháp luật phù hợp mới có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ một cách tốt nhất.

Một số kỹ năng trợ giúp pháp lý cho NKT

Để Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý miễn phí cho NKT có hiệu quả, tổ chức và người thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý cần phải:

- Thực sự cảm thông với hoàn cảnh của người NKT. Muốn như thế tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý cần có “Tâm” trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý, cần có chuyên môn giỏi, nhiệt tình trong công việc, thấu hiểu tâm lý, tâm trạng của người được trợ giúp pháp lý. Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thấy rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình không phải bố thí ban ơn, tận tâm với công việc tôn trọng người được trợ giúp pháp lý.

- Nắm bắt được tâm lý của đối tượng: NKT thuộc đối tượng yếu thế trong xã hội cho nên thường tự kỳ thị với chính bản thân họ, sống xa lánh mọi người, dễ bị tổn thương, dễ xúc động…. Họ thường là những người nghèo, tự ti trong cuộc sống nên thường ngại tiếp xúc với người khác

- Có kỹ năng thu thập thông tin, xử lý thông tin: Do đặc điểm tâm sinh lý nên NKT không dễ mở lòng mình hoặc do trình độ nhận thức, khả năng diễn đạt nên khó khăn trong việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính xác cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Khi đó, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải biết gợi mở, nắm bắt, đánh giá, xác nhận và xử lý thông tin để thu thập một cách đầy đủ và chính xác nhất nội dung cần trợ giúp.

Ky nang tro giup PL cho NKT 1111

Cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Phú Yên đến tư vấn, TGPL trực tiếp cho NKT tại các xã, phường, thị trấn (phuyen.info.vn)

 

Đặc biệt với những người bị các dạng tật phức tạp (như điếc thường đi kèm với câm) và cũng do họ chỉ thường sống ở môi trường hạn hẹp, giao tiếp ở mức tối thiểu với người xung quanh nên rất khó để giao tiếp, thu thập thông tin giúp đỡ pháp lý cho họ. Nếu người khiếm thị có sách nói, được học chữ nổi, những người khuyết tật chân, tay vẫn có thể giao tiếp bình thường với cộng đồng, có nhiều cơ hội học hỏi, tìm hiểu, nâng cao hiểu biết thì với người câm điếc chỉ có cách chuyển tải bằng cử chỉ, hình ảnh nhưng cách làm này cũng có rất nhiều hạn chế, cản trở khả năng hoà nhập cộng đồng của họ. Ngay những người được học ngôn ngữ của người khiếm thính cũng không thể chuyển tải hết nội dung muốn nói vì hiện tại, kho ký hiệu giao tiếp cho đối tượng này còn hạn chế.

- Nắm vững các qui định của pháp luật

- Có kỹ năng giao tiếp với từng dạng tật của khách hàng: Ví dụ như: khi tiếp xúc với người khiếm thính, cán bộ trợ giúp pháp lý nên nói với âm lượng bình thường, họ sẽ đọc được khẩu hình của chúng ta hoặc ngôn ngữ cơ thể, tránh một số từ nhạy cảm: què, cụt, điên…; luôn tôn trọng không gian cá nhân và các vật dụng của người khuyết tật. Khi tiếp xúc với người khuyết tật vận động, cán bộ trợ giúp pháp lý nên tìm địa điểm tiếp cận, khi ngồi nói chuyện với người đi xe lăn, các cán bộ trợ giúp pháp lý nên đề tầm mắt của mình ngang với họ…

- Phải chủ động tìm đến NKT: Do có những khiếm khuyết về thể chất và tinh thần nên người khuyết tật thường mặc cảm, không dám tự tin xuất hiện trước mọi người, đồng thời họ không thể vận động bình thường như những người khác nên nhiều trường hợp họ không thể thực hiện các thủ tục pháp lý. Vì vậy, việc trợ giúp pháp lý không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn, tư vấn mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đến tận nơi ở (gia đình, trung tâm bảo trợ...) của người khuyết tật (đối với người khuyết tật nặng không thể đi lại) để giúp đỡ họ hoàn thành hồ sơ, tìm hiểu, thực hiện tư vấn.

- Cần cộng tác và sự trợ giúp của các thành viên của tổ chức, hội, nhóm NKT

- Phải có mối liên hệ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội trong việc tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho NKT

Nâng cao kỹ năng tư vấn pháp luật cho cán bộ Hội

Luật Trợ giúp pháp lý quy định công dân Việt Nam đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định; có bằng cử nhân luật hoặc bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sẽ được Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Cộng tác viên không phải là Luật sư chỉ tham gia trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật và tham gia trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước. Tổ chức Hội cần liên hệ, đề xuất với ngành tư pháp và trung tâm trợ giúp pháp lý để phân công cán bộ tham gia trợ giúp pháp lý cho đối tượng bảo trợ của mình bằng hình thức tư vấn pháp luật theo quy định trên đây.

Luật Trợ giúp pháp lý quy định các hình thức trợ giúp pháp lý gồm: Tư vấn pháp luật; Tham gia tố tụng; Đại diện ngoài tố tụng; Các hình thức trợ giúp pháp lý khác. Chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý hiện chưa tính đến vai trò, khả năng trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội trong khi thực tiễn hoạt động của các tổ chức xã hội vẫn tham gia đóng góp cho hoạt động này. Vì thế, hoạt động hỗ trợ pháp lý đối với NKT của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên hiện chỉ tập trung ở phần việc tư vấn, tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật cho đối tượng và hỗ trợ một số thủ tục hành chính. Những hoạt động hỗ trợ này cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của Hội.

Ky nang tro giup PL cho NKT 2

Tư vấn pháp luật cho NKT tại Cần Thơ (moj.gov.vn)

 

* Hoạt động tư vấn pháp luật cho NKT bao gồm: Giải đáp pháp luật, hướng dẫn soạn thảo, góp ý kiến cho đơn từ, văn bản có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của NKT, hướng dẫn những thủ tục cần thiết, cung cấp địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, cung cấp những thông tin pháp lý, đưa ra những lời khuyên về những vấn đề có liên quan đến pháp luật và hướng dẫn đối tượng ứng xử phù hợp với pháp luật nhằm giúp cho người yêu cầu tư vấn nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức pháp luật để họ thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

* Kỹ năng tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý gồm:

+ Kỹ năng thụ lý vụ việc;

+ Kỹ năng tiếp đối tượng và nghe đối tượng trình bày;

+ Kỹ năng yêu cầu đối tượng cung cấp giấy tờ liên quan đến vụ việc; xem xét, xác minh, thu thập chứng cứ (nếu thấy cần thiết) để hiểu rõ bản chất vụ việc và vướng mắc của đối tượng;

+ Kỹ năng tra cứu tài liệu pháp luật, tìm cơ sở pháp lý để giải thích, hướng dẫn phù hợp với pháp luật;

+ Kỹ năng soạn thảo văn bản tư vấn cho đối tượng;

+ Kỹ năng vận dụng kiến thức pháp luật, đạo đức xã hội để tư vấn, giải đáp, hướng dẫn, đưa ra lời khuyên, đưa ra giải pháp, định hướng cho đối tượng tháo gỡ vướng mắc pháp luật, xử sự phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội;

+ Kỹ năng lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ tư vấn pháp luật.  

Các kỹ năng tư vấn pháp luật cơ bản trên đây có quan hệ mật thiết, biện chứng, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau và được sử dụng trong suốt quá trình tư vấn một vụ việc cụ thể với một đối tượng cụ thể. Thông thường, để tiến hành tư vấn một vụ việc, người tư vấn phải tiếp đối tượng (nghiên cứu hồ sơ vụ việc); nghe các bên tranh chấp trình bày, yêu cầu đưa ra tài liệu có liên quan đến yêu cầu tư vấn. Trong trường hợp cần thiết phải tiến hành xem xét, xác minh vụ việc; tra cứu tài liệu pháp luật, tham khảo các nhà chuyên môn và vận dụng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm cuộc sống để tư vấn, giải thích, hướng dẫn đối tượng úng xử phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

* Tư vấn pháp luật không phải là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách chung chung hoặc chuyển tải thông tin về các văn bản pháp luật mới, bởi đối tượng của hoạt động tư vấn pháp luật là một tổ chức hoặc cá nhân cụ thể; nội dung tư vấn có liên quan đến một vụ việc cụ thể theo yêu cầu của đối tượng. Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, người tư vấn tuyền truyền, phổ biến pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc cụ thể đó nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng. Hoạt động tư vấn pháp luật cũng giúp cho người được tư vấn hiểu được đúng bản chất về quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện pháp luật và ứng xử phù hợp với pháp luật, ngăn ngừa vi phạm pháp luật.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi