Thứ tư, 31 Tháng 8 2016 09:50

Thực hiện Quyết định số 1100/QD-TTg ngày 21/6/.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về quyền NKT, trong hai ngày 25 và 26/8, Cục Bảo trợ - Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo nhằm đánh giá lại tình hình thực hiện luật pháp, chính sách và các Chương trình dự án có liên quan đến quyền NKT, đồng thời đề xuất giải pháp, kiến nghị để thực hiện có hiệu quả chính sách đó đối với NKT. Đến dự, về phía Bộ Lao động - TB & XH có ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ - Xã hội chủ trì Hội thảo; đại diện Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF); một số Bộ, ban, ngành; Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế trở ra, các tổ chức xã hội vì và của NKT ở Trung ương và địa phương. Đại diện Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội thảo.

TDTS 290 - Hoi thao trien khai Ke hoach thuc hien Cong uoc  21

Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu phát biểu tại Hội thảo

Chính sách về NKT ngày càng được hoàn thiện

 

Phát biểu khai mạc, ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Việt Nam hiện có số lượng NKT lớn, hầu hết sống ở vùng nông thôn và điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến công tác trợ giúp NKT, quyền của NKT được thể hiện qua hệ thống chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện. Năm 2007, Việt Nam đã tham gia ký Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT. Năm 2010, Quốc hội thông qua Luật NKT. Để thực hiện Luật này, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện và hướng dẫn thực hiện Luật. Theo đó, số lượng NKT được tiếp cận các chính sách trợ giúp ngày càng tăng; mạng lưới các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng được kiện toàn phát triển; các tổ chức của và vì NKT được thành lập và phát triển ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thực hiện Luật NKT và các văn bản hướng dẫn thì vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết trong quá trình thực hiện những cơ chế chính sách, chương trình trợ giúp đối với NKT, đặc biệt trong vấn đề rào cản tiếp cận công trình giao thông, xây dựng; tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, thể thao du lịch, công nghệ thông tin.

Nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền của NKT được thực hiện tốt hơn, tháng 10 năm 2014, Quốc hội phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT; tháng 10/2015, Chính phủ có Quyết định thành lập ủy ban Quốc gia về NKT và đến tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1100/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT. Những văn bản này nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện Công ước; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác NKT.

Hội thảo triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT đã đánh giá một số kết quả, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện chính sách về NKT trong thời gian qua; tập trung thảo luận, đề xuất kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn, thống nhất giải pháp triển khai Công ước để hỗ trợ NKT hiệu quả và bền vững hơn theo hướng gia tăng số lượng NKT được tiếp cận, thụ hưởng chính sách trợ giúp của nhà nước, được đảm bảo quyền.

Đại diện Liên Hợp Quốc – ông Vijaya Ratnam Raman, Quyền Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (UNICEF) cho rằng: Những nỗ lực tích cực của Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ban, ngành liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch thể hiện cam kết mạnh mẽ, trách nhiệm giải trình và nghĩa vụ thực hiện Công ước của Chính phủ Việt Nam. Kế hoạch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và giáo dục nâng cao hiểu biết của công chúng về quyền của NKT và những văn bản pháp luật liên quan; chỉ ra ưu tiên trong việc rà soát và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp hơn với Công ước đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện có hiệu quả các chương trình và chính sách liên quan đến NKT. Liên Hợp Quốc cùng các đối tác khác tại Việt Nam đã cam kết hợp tác và hỗ trợ hiện thực hóa Kế hoạch này, trong đó tập trung vào các nội dung: chuyển biến nhận thức của NKT từ chỗ là “đối tượng của từ thiện” trở thành những người có quyền, đưa ra quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ; hỗ trợ kỹ thuật cải thiện giáo dục hòa nhập. dịch vụ y tế, bảo trợ xã hội cho NKT; hợp tác với ủy ban Quốc gia vì NKT để nâng cao hơn nữa vai trò điều phối của ủy ban.

Cùng quan điểm đó, ông Christopher Abrams - Giám đốc phòng Môi trường và Phát triển xã hội thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhận định, Kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về NKT chính là thành quả của nỗ lực và hợp tác hiệu quả của Uy ban Quốc gia về NKT, Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành, các tổ chức của và vì NKT, các đối tác phát triển và bản thân NKT. Đây là minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa các cam kết đã nêu trong Luật NKT, Công ước LHQ về Quyền NKT. Ông Christopher Abrams cho rằng, cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân bổ ngân sách để thúc đẩy việc thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách và chương trình trợ giúp NKT. USAID đã và sẽ tiếp tục hợp tác hỗ trợ việc thực thi Công ước thông qua nâng cao năng lực cho các thành viên của ủy ban Quốc gia về NKT để thực hiện và giám sát các chính sách liên quan tới NKT.

Nội dung Kế hoạch thực hiện Công ước

Trong thời gian tới, Kế hoạch thực hiện Công ước tập trung vào 5 nội dung đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 1100/QĐ-TTg. Đó là: Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước và pháp luật về người khuyết tật; Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, thểdục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông và trợ giúp pháp lý bảo đảm phù hợp với Công ước; Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về người khuyết tật; Hợp tác quốc tế;Xây dựng cơ sở dữ liệu, giám sát, đánh giá và báo cáo

Kinh phí để thực hiện các nội dung của Kế hoạch sẽ được lấy từ Ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam có trách nhiệm đôn đốc và phối hợp với các bộ, ngành liên quan và ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước. Thủ tướng Chính phủ cũng phân công trách nhiệm các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội, một số tổ chức xã hội, trong đó có Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

Được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận nhất là nội dung thứ ba của Kế hoạch về “Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về NKT”. Nội dung này của Kế hoạch nhấn mạnh 9 hoạt động chủ yếu đã nêu trong Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 đồng thời có bổ sung nội dung “Phòng chống thiên tai và hỗ trợ sinh kế đối với NKT”. Kinh phí dành cho việc triển khai hỗ trợ sinh kế đối với NKT và gia đình có NKT sẽ được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đây là kết quả của một quá trình thực tiễn hoạt động và vận động chính sách mà Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam là đơn vị tích cực tham gia, góp phần thực hiện từ năm 2008 đến nay.

Đưa hỗ trợ sinh kế vào nội dung trợ giúp NKT

Về nội dung hỗ trợ sinh kế cho NKT, trong bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế đối với NKT, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu đã nhấn mạnh việc nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách, cơ chế của Đảng, Nhà nước để gắn hoạt động Hội với nhiệm vụ Nhà nước, sự thống nhất và đồng thuận cao trong các tổ chức Hội thành viên. Đây cũng là bước đi mới, sáng tạo của Hội khi giải quyết các vấn đề sinh kế, cải thiện sinh hoạt cho NKT tại xã gắn với tiêu chí xây dựng NTM, huy động đa dạng khả năng, nguồn lực của Nhà nước, xã hội và gia đình. Quá trình thực hiện chương trình, Hội coi trọng tính dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời, đặc biệt có sự tham gia, quyết định của đối tượng và gia đình, chính việc tôn trọng quyền tự quyết của đối tượng nên đã đạt hiệu quả trợ giúp cao và bền vững.

Nhân dịp này, Hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH cùng các Bộ, ngành có liên quan quan tâm, bố trí ngân sách tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT. Từ những hoạt động, kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống NKT; Hội cũng đề nghị Nhà nước dành kinh phí từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giao cho Hội tiếp tục thực hiện hỗ trợ sinh kế đối với NKT, gia đình có NKT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi