Thứ sáu, 16 Tháng 9 2016 16:17

Bạo lực trẻ em để lại những hậu quả nặng nề trong quá trình trưởng thành của các em và không ít những trường hợp các em phải mang thương tật suốt đời. Vì vậy, phòng, chống bạo lực với trẻ em không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà là chung của toàn xã hội - trong đó các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng.

1. Thực trạng bạo lực trẻ em

Bạo lực đối với trẻ em (BLVTE) không chỉ là vấn đề riêng của từng quốc gia mà là vấn đề toàn cầu. Theo Điều 19 của Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc thì BLVTE là “tất cả các hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, chấn thương và lạm dụng, bỏ bê hoặc đối xử cẩu thả, ngược đãi, bóc lột bao gồm cả lạm dụng tình dục”. BLVTE xảy ra ở khắp mọi nơi, nhưng trong các xã hội khác nhau thì biểu hiện khác nhau. Tại Việt Nam theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng từ 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, khoảng 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì quá nửa trẻ em đã từng bị bạo hành về thể chất hoặc tinh thần ở gia đình hay trong trường học.

CVDXH Anh 1

Nhiều trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo, người sử dụng lao động và những người có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em có hành vi bạo lực trẻ em. Điển hình là các vụ việc được phát hiện từng gây rúng động dư luận: Cháu Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ngược đãi, đánh đập hành hạ suốt 13 năm (năm 2007). Vụ Quản Thị Kim Hoa đánh đập trẻ em tại nhóm trẻ gia đình tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (năm 2008). Vụ cháu Nguyễn Hào Anh 14 tuổi (Cà Mau) bị vợ chồng chủ trại nuôi tôm Minh Đức hành hạ dã man trong suốt một thời gian dài (2010). Vụ việc bắt cóc, tống tiền không thành dẫn đến việc sát hại 2 trẻ em ở Đắk Lắk (năm 2010). Vụ hai bảo mẫu đánh đập, hành hạ các cháu nhỏ tại Trường mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức, TP.HCM (năm 2013)…

Về hậu quả: bạo lực và xâm hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Nó làm giảm khả năng học tập và hòa nhập xã hội của các em, tác động tới quá trình trưởng thành và để lại những hệ quả tiêu cực lâu dài trong cuộc sống của trẻ.

CVDXH anh 2

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực nêu trên, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như đánh con là việc ”bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác.

2. Các giải pháp phòng, chống bạo lực đối với trẻ em

Để giảm thiểu và tiến tới chấm dứt nạn bạo lực với trẻ em trước tiên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

a. Tăng cường công tác truyền thông: truyền thông kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân và những tác động xấu mà đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng khi phải chịu bạo lực. Các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương cần có biện pháp can thiệp kịp thời, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em khi phát hiện có nguy cơ và hành động bạo lực với trẻ em trên địa bàn. Cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông xuống tới cộng đồng với nhiều hình thức sinh động.

CVDXH Anh 3

b. Hoàn thiện về cơ chế chính sách phòng chống bạo lực với trẻ em: Việt Nam đã rất quan tâm trong việc ngăn ngừa và tiến tới chấm dứt bạo lực trẻ em. Trong nhiều năm qua Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều luật, nghị định và kế hoạch hành động và đầu tư nguồn lực cho chăm sóc, bảo vệ và ngăn chặn bạo hành trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1555/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020, trong đó có chỉ tiêu: “số trẻ em bị bạo lực giảm 20% vào năm 2015 và giảm 40% vào năm 2020”. Trong Quyết định này, Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực đối với trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Luật Phòng chống bạo lực gia đình được ban hành năm 2007. Ngày 22/12/2015, tại Quyết định số 2361/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu “giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại”. Đặc biệt Luật Trẻ em mới được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong giải quyết vấn đề này và đã được cụ thể hóa trong các Điều 25 “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”, Điều 26 “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”, Điều 27 “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em” Và Điều 28 “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt”.

Trong thời gian tới, cần rà soát hoàn thiện lại các chính sách đã ban hành cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

c. Thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách: việc phòng, chống bạo lực đối với trẻ em đã và đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế, tình trạng bạo lực đối với trẻ em vẫn xảy ra bởi các nguyên nhân nảy sinh trong quá trình phát triển và chuyển đổi về kinh tế - xã hội, một số nguyên nhân trong công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả; hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực; hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí chi trực tiếp cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn hẹp.

Để đạt được mục tiêu toàn cầu về chấm dứt bạo lực với trẻ em đến năm 2030, bên cạnh vai trò chủ quản của Nhà nước rất cần sự chung tay, phối hợp, đoàn kết sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội tại Việt Nam để tạo nên sức mạnh tổng thể giải quyết vấn đề này. Với tiềm lực về kiến thức và kỹ năng, nguồn lực, trong những năm qua thực tế đã chứng minh các tổ chức xã hội đã có sự đóng góp không nhỏ cùng với Nhà nước bảo vệ chăm sóc trẻ em.

3. Đóng góp của các tổ chức xã hội trong phòng chống bạo lực với trẻ em

Trong việc phòng chống bạo lực với trẻ em, bên cạnh những nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương; các tổ chức xã hội (các hội, hiệp hội, tổ chức cộng đồng, nhóm tình nguyện, tổ chức phi chính phủ….) Việt Nam ở Trung ương cho đến khắp các địa phương cũng đã và đang có nhiều đóng góp tích cực.

Các tổ chức xã hội Việt Nam có lợi thế về mạng lưới tổ chức phát triển rộng khắp, hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ về kỹ thuật, truyền thông nâng cao kiến thức, năng lực về phòng chống bạo lực trẻ em của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như Plan International, Save the Children, World Vision, Child Fund, SAGA… và các cơ quan của Liên Hợp Quốc: UNFPA, UNWOMEN, ILO, UNESCO, UNICEF, UNAIDS, UNODC, Nhóm hành động vì quyền trẻ em, Nhóm công tác vì người dân tộc thiểu số, Nhóm công tác giới, các tổ chức phi chính phủ quốc tế… Nhờ đó, các tổ chức xã hội Việt Nam đã có nhiều hình thức, nhiều mô hình dịch vụ ở cả 3 cấp độ, nhiều mô hình biện pháp tham gia ở cấp độ vĩ mô cũng như cộng đồng từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp thông qua các hình thức truyền thông, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn, phát hiện sớm, kết nói các tổ chức, hỗ trợ pháp lý, có chuyên gia bảo vệ trẻ em trước toà…

Trong các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là tổ chức đã phát huy tốt vai trò đầu mối kết nối, nghiên cứu tham gia vận động chính sách, thúc đẩy thực hiện và giám sát thực thi quyền trẻ em. Trong những năm qua, Hội đã phát triển cơ sở Hội ở 25 tỉnh, thành, phát triển được 6 Hội cấp tỉnh với 600 chi Hội, 01 Câu lạc bộ Nhà báo bảo vệ quyền trẻ em, Câu lạc bộ Kết nối trẻ em, 20 Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, thu hút sự tham gia của hơn 20.000 hội viên. Một mạng lưới luật sư, luật gia gồm 47 người tại 9 tỉnh, thành phố là lực lượng tích cực tư vấn pháp luật, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em về mặt tư pháp có hiệu quả trong việc phòng, chống bạo lực với trẻ em.

Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp chặt chẽ với Mạng Quyền trẻ em (CRnet) trong nghiên cứu và phản biện các chính sách với ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để tham gia giám sát, đánh giá về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 – 2010; Tham gia xây dựng và giới thiệu với Uỷ ban quyền trẻ em (CRC) của Liên hợp quốc về “Báo cáo bổ sung về thực hiện Công ước Quyền trẻ em” cùng với Nhóm công tác về quyền trẻ em (CRWG) nhân Chính phủ trình Báo cáo thực hiện Công ước quyền trẻ em lần thứ 3 – 4 năm 2012, lần 5-6 năm 2017; góp ý kiến vào Đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên; góp ý tiêu chí để xác định Hội xã hội – nhân đạo, Hội xã hội – nghề nghiệp.

Hội đã triển khai một số mô hình dịch vụ bảo vệ quyền của các nhóm trẻ yếu thế cần bảo vệ trong đó có mô hình bảo vệ trẻ có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, trẻ em vi phạm pháp luật… Hội đã đưa ra các chính kiến đề xuất kiến nghị và tham gia xử lý khoảng 250 vụ việc bạo lực, vi phạm quyền trẻ em tiêu biểu như vụ cháu Hào Anh ở Cà Mau, vụ xâm hại tình dục trẻ em (cháu Y 12 tuổi) ở TP. HCM buộc kẻ xâm hại phải ra tòa và chịu hình phạt 12 năm tù… Thông qua đó được người dân, trẻ em tin cậy, gửi gắm những tâm tư và nguyện vọng trong việc giải quyết các yêu cầu, vướng mắc trong việc thực hiện quyền của mình.

Cùng với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, rất nhiều tổ chức xã hội tại Việt Nam khác như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin… đang nỗ lực tham gia thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em, từ quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ đến quyền được tham gia. Tuy nhiên, sự đóng góp của các tổ chức xã hội hiện hầu như chỉ được nhìn nhận ở phương diện nhân đạo, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, còn trên lĩnh vực vận động chính sách thì chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ. Thực tiễn đó đòi hỏi bản thân các tổ chức xã hội ngoài việc đẩy mạnh chuyển hướng tiếp cận hoạt động hỗ trợ trẻ em theo hướng dựa trên quyền còn cần tích cực tham gia hoạt động vận động và phản biện chính sách về quyền trẻ em. Qua đó, bằng thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động, các tổ chức sẽ tham gia với các cơ quan liên quan hoàn thiện pháp luật, chính sách về thực hiện quyền trẻ em; góp phần bảo vệ hạnh phúc của mỗi gia đình, bảo vệ quyền con người nói chung, quyền trẻ em nói riêng và cũng chính là bảo vệ “tương lai” của đất nước.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Bạo lực trẻ em

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi