Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau đã xây dựng cách đây 12 năm. Hoạt động của trường không chỉ chăm sóc, dạy dỗ, trang bị kiến thức cơ bản về nghề, dạy kèm văn hóa, học sinh còn được quan tâm, tạo cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Việc làm này của trường nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án 1019 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2016 - 2020, đó là có tới 30% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật.
Dạy nghề song hành với dạy văn hoá
Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 214 học sinh khuyết tật học hòa nhập ở các trường tiểu học, riêng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật cà Mau có 88 học sinh khuyết tật ở độ tuổi từ 6 -18 tuổi, chủ yếu là học sinh khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ. Trường đã thực hiện tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh khuyết tật, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và bố trí chỗ ở trong ký túc xá với phòng học khang trang, sạch sẽ và trang bị các vật dụng cần thiết.
Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau được thành lập năm 2004, ngần ấy năm ra đời, nhà trường luôn tạo cơ hội học tập cho trẻ khuyết tật, xây dựng đầy đủ các phòng chức năng, triển khai hiệu quả các chính sách về người khuyết tật và chủ động điều chỉnh linh hoạt về tổ chức dạy học, chương trình, phương pháp dạy, đánh giá, xếp loại học sinh khuyết tật trên cơ sở Chương trình giáo dục chuyên biệt, tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật được học tập bình đẳng trong môi trường giáo dục. Đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều tổ chức cá nhân đã ủng hộ kinh phí cho nhà trường để xây dựng cơ sở vật chất, nâng chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Phòng tin học của nhà trường được trang bị đầy đủ máy tính và cài đặt các phần mềm hỗ trợ cho học sinh khuyết tật
Đến học tại trường, học sinh khuyết tật được học kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng dạng tật. Bên cạnh đó, các em còn được học văn hóa và tham gia các lớp học hướng nghiệp dạy nghề như thêu máy, thêu tay, may công nghiệp, làm hoa voan, kết hạt cườm, tin học...
Hình thức giáo dục kết hợp dạy nghề song hành với dạy văn hóa cho học sinh khuyết tật, đã trở thành cách hỗ trợ thiết thực nhất cho trẻ khuyết tật của trường. Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, tận tình giúp đỡ các em từ sinh hoạt cá nhân đến học văn hóa, học nghề, khuyến khích học sinh khuyết tật cố gắng vươn lên trong học tập, xóa bớt mặc cảm, tự ti. Tuy nhiên, cách làm này hiện đang gặp không ít khó khăn, bởi độ tuổi các em không đều nhau, tâm sinh lý khác nhau nên việc truyền đạt kiến thức cho các em rất khó. Hơn nữa, khi bắt đầu nhập trường, mỗi em có một ngôn ngữ, ký hiệu riêng ở gia đình, do đó phải mất một thời gian dài để giúp các em đồng nhất các ký hiệu trước khi học văn hóa, học nghề.
Bà Nguyễn Nga - Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau cho biết: “Hầu hết học sinh khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, vì vậy giáo viên phải tận tình chỉ dạy cho các em. Nhiều em sau một thời gian đến trường đã tiến bộ rõ rệt, biết đọc và nói những câu đơn giản bằng ngôn ngữ kí hiệu, không cần phải có người phiên dịch. Trong các tiết học nghề, nếu giáo viên không có sự kiên trì, đồng cảm, chia sẻ với các em thì công tác dạy nghề cho học sinh khuyết tật của trường khó mang lại kết quả tốt. Đơn cử như dạy cắt may, các giáo viên phải đưa ra một sản phẩm làm mẫu, phân tích và chỉ dẫn ráp phần nào trước, phần nào sau một cách nhẹ nhàng, tỉ mẩn cho đến khi các em hiểu mới thôi. Hay với nghề tin học, nhà trường luôn chuẩn bị đầy đủ sách hướng dẫn, cài đặt các phần mềm hỗ trợ trên máy tính để các em vừa học, vừa thực hành trực tiếp, tạo nên sự thích thú, say sưa học”.
Giúp trẻ khuyết tật tự tin từ các hoạt động văn hóa nghệ thuật
Theo Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết Cà Mau, trong quá trình giáo dục trẻ khuyết tật, khó khăn lớn nhất là phải hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh, phải biết các em thích gì, hiểu gì cũng như khả năng tiếp thu đến đâu…, từ đó nhà trường sẽ đưa ra những biện pháp giáo dục hiệu quả. Phương pháp nhà trường chọn lựa chính là việc tổ chức đan xen các hoạt động văn hóa nghệ thuật, khơi dậy, khuyến khích năng khiếu của các em, giúp các em có thêm niềm vui, hứng thú học tập, rèn luyện, tự tin hoà nhập cộng đồng.
Cô giáo tận tình hướng dẫn học trò khiếm thính chuẩn bị đạo cụ trước mỗi đợt hội diễn văn nghệ
Thông qua các lớp dạy múa, đàn, hát, nhiều em đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật rất nổi trội. Chỉ qua một vài lần được giáo viên hướng dẫn, các em khiếm thính múa rất đúng nhạc, các động tác múa tập thể của các em khá đều nhau. Còn với các học sinh khiếm thị, các em lại bộc lộ được năng khiếu chơi đàn, hát.
Từ những lớp dạy năng khiếu, vào mỗi dịp nhà trường tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tết Thiếu nhi hay Rằm Trung thu, các thầy cô đều rất hãnh diện và phấn khởi khi những tiết mục múa hát, đệm đàn đều do chính các học sinh khuyết tật của nhà trường biểu diễn.
Các em cũng chính là những diễn viên không chuyên tham gia các hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau hay Sở Giáo dục - Đào tạo phát động. Những lần diễn ra hội thi, đội ngũ giáo viên và các em học sinh khuyết tật miệt mài tập luyện, dàn dựng những tiết mục đặc sắc để có dịp trổ tài với các trường bạn. Nhờ sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng về nội dung cũng như trang phục biểu diễn, các thầy cô giáo và các em học sinh khuyết tật của trường đã dành được nhiều giải cao và để lại ấn tượng sâu sắc cho Ban tổ chức và trong mỗi khán giả. Song song với các lớp bồi dưỡng năng khiếu, nhà trường còn tổ chức dạy vẽ tranh, luyện viết chữ đẹp để các em có thêm tự tin khi tham gia các cuộc thi dành cho học sinh khuyết tật.
Từ những sân chơi bổ ích, ý nghĩa này đã góp thêm niềm vui sống, tự tin cho mỗi học sinh khuyết tật, khích lệ các em hăng say học văn hóa, học nghề, sớm trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Đây cũng là việc làm thiết thực, phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội cho các học sinh khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (Viethealth): Mô hình phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật - 14/03/2017 07:44
- Xúc động bộ ảnh mẹ già đút cơm cho con và sự thật giai thoại ông Ôn - 07/03/2017 07:36
- Nhà chờ xe buýt sẽ được cải tạo như thế nào? - 21/02/2017 02:55
- Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị - 10/02/2017 03:12
- Cô giáo tật nguyền dạy học sinh thiểu năng - 05/12/2016 03:24
Các tin khác
- Ngày hội Hoa hướng dương 2016: Những đóa hoa đã nở - 24/11/2016 03:21
- Người khuyết tật được cấp thẻ BHYT miễn phí? - 21/11/2016 08:59
- Hội Người mù tỉnh Bình Dương: Giải quyết việc làm và tạo cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cho hội viên - 21/11/2016 03:07
- Lạ kỳ ba người “siêu nhỏ” cùng huyện - 14/11/2016 03:11
- Hôn lễ đặc biệt của 60 cặp đôi khuyết tật ở Sài Gòn - 21/10/2016 07:32