Thứ sáu, 12 Tháng 8 2016 11:33

Nhằm góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đầu tháng 8, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tổ chức Hội thảo để đánh giá thực trạng và kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin nhằm mục tiêu thu thập thông tin, kịp thời hỗ trợ cho người khuyết tật (NKT), trong đó có nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn.

Những kết quả tích cực

Đánh giá về công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn thời gian qua, đại diện Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung, gồm Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi đã có gần 23 nghìn NNBM, trong đó hơn 10 nghìn người chết và trên 12 nghìn người bị thương.

Để kịp thời hỗ trợ cho NKT nói chung và nạn nhân bị bom mìn nói riêng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn được lồng ghép với các chính sách trợ giúp NKT, đối tượng bảo trợ xã hội như Luật NKT, Quyết định 1019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, Nghị định số 28 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT… Các văn bản quy phạm pháp luật này đã đảm bảo cho các nạn nhân có quyền lợi tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, được tham gia các dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật. Đặc biệt, công tác hỗ trợ NNBM, tái hoà nhập cộng đồng do Bộ LĐ-TB&XH triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. NNBM là NKT nặng và đặc biệt nặng đã được hưởng trợ cấp hàng tháng; được cấp thẻ BHYT, miễn, giảm học phí; được tạo điều kiện có việc làm, ổn định cuộc sống...

Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ phương tiện đi lại cho NKT và NNBM tại một số tỉnh, thành phố như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Số hóa thông tin nạn nhân bom mìn

Tham gia ý kiến về công tác bảo trợ có hiệu quả cho NKT và nạn nhân bom mìn, các đại biểu đều cho rằng, đa số NNBM gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống, thu nhập thấp, không có nghề nghiệp ổn định, cơ hội tiếp cận việc làm và sản xuất kinh doanh hạn chế, nhất là đối với các nạn nhân là NKT. Trong khi đó, việc xác định mức độ khuyết tật nói chung và NNBM còn nhiều khó khăn; hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và trợ giúp cho NNBM yếu; thiếu kỹ năng đánh giá về các nhu cầu của nhóm đối tượng. Để trợ giúp có hiệu quả NNBM hòa nhập cộng đồng, cần tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp NNBM; hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn cũng như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị trợ giúp NNBM tại các Trung tâm hỗ trợ. Việc trợ giúp NNBM hòa nhập cộng đồng, cần tập trung vào các hoạt động chủ yếu như: phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên hỗ trợ và phục hồi chức năng cho NNBM; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; xây dựng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ và tăng cường hợp tác quốc tế về trợ giúp xã hội đối với các đối tượng này.

De an 289 - 111

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc Hội thảo

Các đại biểu cũng đã đề xuất một số ý kiến về việc cần thiết lập kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý và giám sát thông tin về NKT trong đó có NNBM; cần sớm thiết kế và vận hành một hệ thống quản lý thông tin chuyên nghiệp về NKT do Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì. Bộ cũng cần xây dựng hệ thống chính sách để duy trì, quản lý và bổ sung thường xuyên thông tin về NKT vào hệ thống từ trung ương xuống địa phương; có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng cho các cán bộ ngành LĐ-TB&XH, nhất là ở cấp xã trong việc áp dụng phần mềm thông tin về NKT và NNBM; xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý thông tin với NKT thống nhất chung trong phạm vi toàn quốc, có quy trình thu thập, cơ chế giám sát, thẩm định, cập nhật thông tin một cách cụ thể, phân rõ trách nhiệm của từng ban, ngành và các địa phương góp phần điều chỉnh chính sách ASXH tốt hơn…

 

De an 289 - 2

Ông Lê Văn Chương (Hội Khắc phục hậu quả bom mìn) phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác hỗ trợ NNBM thời gian qua, đồng thời đã chỉ ra những hạn chế trong công tác này, đặc biệt là việc chưa có hệ thống quản lý và giám sát thông tin về NKT, trong đó có NNBM ở cấp quốc gia, dẫn đến việc chưa nắm rõ, chưa điều tra một cách cơ bản về số lượng đối tượng NNBM, chưa phân tách riêng nhóm NNBM trong tổng số NKT để theo dõi, quản lý, nắm bắt nhu cầu của họ nhằm xây dựng chính sách cho phù hợp; hệ thống chăm sóc y tế, phục hồi chức năng chưa hoàn chỉnh. Việc cập nhật dữ liệu cũng chưa có khảo sát bài bản; công tác truyền thông nâng cao năng lực của người dân về phòng tránh tai nạn bom mìn cũng còn nhiều hạn chế.

Để triển khai tốt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh: “Trong thời gian tới phải: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về NKT và NNBM, đánh giá được thực trạng về tai nạn thương tích do bom mìn, vật liệu nổ cũng như tình hình đời sống, sinh hoạt, khả năng hòa nhập cộng đồng, xác định được những thách thức, rào cản của NNBM. Đồng thời rà soát, đánh giá nhằm thực hiện các chính sách hiện hành cho phù hợp, cũng như góp ý sửa đổi, bổ sung những chính sách chưa phù hợp, còn thiếu. Đồng thời, cần thiết xây dựng hệ thống thông tin thống nhất về NKT, trong đó NNBM là một hợp phần của hệ thống thông tin về an sinh xã hội với hệ thống phần mềm thống nhất trong toàn quốc; tính toán rõ nhu cầu về nguồn lực, kinh phí, cách làm phù hợp và tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu chung, không làm riêng lẻ tại các địa phương”.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

  

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE bom mìn , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi