Cũng như những người bình thường khác, người khuyết tật luôn mong muốn được đóng góp sức mình vào sự phát triển của xã hội, thực hiện các quyền lợi hợp pháp và nghĩa vụ bình đẳng với những người khác. Và thực tế, những đóng góp của họ trên các lĩnh vực về văn hóa, thể thao, giáo dục, việc làm… là không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử với người khuyết tật, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhận thức chưa đúng về năng lực của người khuyết tật nên đã tạo ra những rào cản đối với sự hòa nhập cộng đồng của họ. Vì vậy, nâng cao nhận thức về năng lực và sự đóng góp của người khuyết tật là một trong những biện pháp cần thiết.
Người khuyết tật - Một bộ phận của xã hội
Người khuyết tật (NKT) là một phần của xã hội. Dù mang khiếm khuyết, điều kiện thể chất không thể sánh bằng những người khỏe mạnh bình thường khác nhưng một bộ phận trong số họ luôn được biết đến là những người giàu nghị lực, giàu ý chí vươn lên và luôn khát khao được cống hiến sức mình cho xã hội. Thực tế đã cho thấy có rất nhiều NKT đã vượt lên hoàn cảnh, trở thành những người có tri thức, có sức sáng tạo, ham học hỏi và không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu công việc cũng như theo đuổi đến cùng đam mê của mình. Họ không chỉ giỏi lao động sản xuất, văn hóa, thể thao mà không ít người còn giỏi trong lĩnh vực quản lý, làm chủ doanh nghiệp, cơ sở, gây dựng được thương hiệu của riêng mình. Có thể kể tên một số cá nhân tiêu biểu như chị Thạch Thị Dân, người dân tộc Khơme, khuyết tật chân, là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh; Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Cao Bằng), dân tộc Tày, khuyết tật chân, tốt nghiệp Học viện Tài chính, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Cao Bằng, á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Khiếm thính quốc tế năm 2015 Lê Thị Thúy Đoan và gần đây là VĐV cử tạ Lê Văn Công (thành phố Hồ Chí Minh), người vừa giành Huy chương Vàng Paralympic Rio 2016… cùng với rất nhiều những tấm gương giàu nghị lực khác.
Nhiều người mù vẫn thành công trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật
Có thể khẳng định, nếu được các cấp, các ngành và xã hội thừa nhận và tạo điều kiện để thể hiện năng lực của mình thì những đóng góp cho xã hội của NKT là không hề nhỏ. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về năng lực và đóng góp của NKT là thực sự cần thiết và cần tập trung thực hiện. Vấn đề này đã được nhà nước ta hết sức quan tâm, thể hiện trong nhiều văn bản chính sách pháp luật liên quan đến NKT.
Ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 -2020. Trong 9 hoạt động chủ yếu của Đề án này thì hoạt động thứ 9 là “Nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT và giám sát đánh giá”. Nội dung chủ yếu của hoạt động này tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn về công tác chăm sóc, hỗ trợ, kỹ năng chăm sóc….
Đối tượng cần nâng cao nhận thức
Hiện nay, trong thực tế, trong nhiều rào cản mà người khuyết tật đang gặp phải, một rào cản vô hình khó vượt qua đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử khiến người khuyết tật luôn tự ti, mặc cảm, sống khép mình không muốn giao tiếp xã hội, khiến họ bị tách biệt khỏi xã hội. Nguyên nhân của rào cản đó lại là do nhận thức xã hội. Chính việc nhận thức của gia đình và cộng đồng chưa thật đầy đủ về khả năng, nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật dẫn đến tình trạng khuyết tật trở nên nặng nề hơn. Do đó, để người khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng, chính sách không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc phục hồi chức năng mà phải tiến tới xóa bỏ các rào cản đối với người khuyết tật để người khuyết tật được tham gia một cách bình đẳng vào hoạt động của xã hội.
Người khuyết tật khẳng định năng lực và sự đóng góp của mình trong lĩnh vực học nghề, việc làm
Nâng cao nhận thức về năng lực và đóng góp của NKT trước hết cần thực hiện tại gia đình NKT cho chính bản thân NKT và các thành viên trong gia đình. Điều 8, Chương I, Luật NKT quy định: “Gia đình có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật. Gia đình NKT có trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc NKT, tạo điều kiện để NKT được chăm sóc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; tôn trọng ý kiến của NKT trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân NKT và gia đình”.
Chỉ khi NKT hiểu rõ được quyền lợi, nghĩa vụ, khả năng của bản thân, họ mới có thể thuyết phục người khác tôn trọng, nhìn nhận năng lực của mình. Gia đình nhận thức đúng thì mới có thể hỗ trợ, khuyến khích NKT phát triển một cách tối đa năng lực của họ. Với sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, nguồn kinh phí và kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm của nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức Hội, nhóm của NKT và vì NKT tại Việt Nam không ngừng được mở rộng. Hoạt động của các tổ chức này thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn, chia sẻ thông tin… đã giúp cho NKT có dịp gặp gỡ, chia sẻ thông tin và xích lại gần nhau hơn, từ đó nâng cao nhận thức, tự tin hơn để thể hiện khả năng của mình, sẵn sàng hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
Để NKT khẳng định năng lực của mình còn rất cần đến cộng đồng, xã hội tạo ra cơ hội, môi trường thuận lợi cho họ thể hiện khả năng, đóng góp trí tuệ, tâm sức. Đó là cách nhìn nhận của cộng đồng nơi NKT sinh sống, cách giáo dục, ứng xử của thầy cô tại nhà trường, thái độ tiếp đón, đánh giá hồ sơ, năng lực của NKT của các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động… Các yếu tố xã hội này nếu được tác động, thay đổi và nâng cao nhận thức theo chiều hướng tích cực sẽ là động lực to lớn để NKT vượt qua những bất tiện của mình, phát huy thế mạnh, tham gia xây dựng, phát triển đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng.
Giải pháp nâng cao nhận thức về NKT
Để nâng cao nhận thức về NKT cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tăng cường nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò, năng lực của NKT và sự đóng góp của họ. Hiện nay, về cơ bản, Nhà nước đã quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, nhưng trong thực tế, sự hiểu biết, nhận thức của một bộ phận không nhỏ của xã hội còn hạn chế. Vì vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền là rất cần thiết. Bằng nhiều hình thức khác nhau, cần tuyên truyền rộng rãi cơ chế, chính sách đối với NKT, nhiệm vụ chăm sóc và tạo điều kiện của các ngành, các cấp để NKT phát huy năng lực, hòa nhập cộng đồng và tham gia nhiều hơn cho xã hội.
Những người đẹp khiếm thính của Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình tại các cuộc thi sắc đẹp dành cho người khuyết tật quốc tế
Thứ hai, để nâng cao nhận thức về vấn đề NKT trong bản thân đối tượng, gia đình, cộng đồng và xã hội, cần thực hiện có hiệu quả và thường xuyên các hoạt động truyền thông, giáo dục. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các quyền, nghĩa vụ của NKT, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về NKT; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình đối với NKT… Cần xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ NKT. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp NKT; tập huấn cho gia đình NKT về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng; tập huấn các kỹ năng sống cho NKT; tổ chức, duy trì các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề NKT… Qua đó, dần tác động vào nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử của xã hội với NKT, tạo điều kiện thuận lợi hơn để NKT thể hiện năng lực và sự đóng góp của mình.
Thứ ba, cần quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm trợ giúp NKT của các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực NKT thông qua các Dự án về nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực hoạt động và phát triển cơ hội học tập, việc làm cho NKT cũng góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về NKT.
Thứ tư, ngoài chính sách pháp luật của nhà nước, còn cần đến sự tham gia tích cực của cả xã hội, đặc biệt các tổ chức vì và của NKT. Cùng với việc đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức; còn phải thường xuyên có sự đánh giá, rút kinh nghiệm để xác định mục tiêu, giải pháp tuyên truyền phù hợp với xu hướng tiếp cận, nhu cầu trợ giúp của đối tượng cũng như tình hình thực tế của địa bàn, địa phương.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Làm việc trong lĩnh vực hành chính Nhà nước: Cơ hội khẳng định năng lực, phẩm chất của người khuyết tật - 04/11/2016 03:34
- Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 06:55
- Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 03:34
- Cấp Giấy xác nhận khuyết tật: Quy định và những vấn đề còn bất cập - 14/10/2016 03:22
- Tăng cường công tác giáo dục hòa nhập với trẻ khuyết tật - 05/10/2016 03:28
Các tin khác
- Phòng, chống bạo lực với trẻ em và sự tham gia của các tổ chức xã hội - 16/09/2016 09:17
- Chính sách mới về khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ - 16/09/2016 08:55
- Triển khai Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT - 31/08/2016 02:50
- Cần xây dựng hệ thống thông tin về người khuyết tật và nạn nhân bom mìn - 12/08/2016 04:33
- Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam: Thúc đẩy các hoạt động thực hiện công tác người khuyết tật - 03/08/2016 03:56