Thứ năm, 14 Tháng 7 2016 15:26

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả các chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Cac VDXH - Trien lam anh

Triển lãm ảnh “Da cam - Lương tri và Công lý” do Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng (2013)

55 năm đã trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ phun rải lít chất độc hóa học đầu tiên xuống miền Nam Việt Nam, hậu quả mà nó để lại vẫn còn hiện hữu trong nhiều gia đình, xóm làng trên đất nước ta. Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam được coi là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; mang lại ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học.

Thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người

Từ năm 1961 - 1971, Quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích 3,06 triệu ha, trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Các hệ sinh thái bị đảo lộn, chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm, đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn, một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển. Tại các sân bay quân sự Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất hóa học, nồng dộ dioxin vẫn còn cao hay rất cao, đặc biệt là sân bay Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định) Biên Hòa.

Cac VDXH - Hoi nan nhan chat doc da cam Vu Thu11

Hội nạn nhân da cam huyện Vũ Thư (Thái Bình) thăm, tặng quà nạn nhân chất động da cam trên địa bàn

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nhiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Đặc biệt là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; 2000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân chất độc da cam có trên một nửa là dân thường; 85% số hộ có 2 nạn nhân trở lên, 3% số hộ có 5 nạn nhân. Gia đình ông Đỗ Đức Địu, bà Phạm Thị Nức ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam, hiện chỉ có 3 con còn sống.

Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân chất độc da cam còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân… đa số họ đều thuộc hộ nghèo (chiếm tỷ lệ khoảng 50 - 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Trong khi đó, mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt khả năng thanh toán của gia đình.

Không chỉ có người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Newzeland đã từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc hóa học. Có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm. Khoảng 100.000 lượt binh sĩ Hàn Quốc bị phơi nhiễm, trong đó có 20.000 người đã chết.

Công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tại Việt Nam

Kể từ năm 1998 đến nay, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 3 lần thông qua pháp lệnh, Chính phủ ban hành 11 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Quyết định; các Bộ ban ngành ban hành hơn 30 hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách liên quan đối với nạn nhân chất độc da cam bao gồm: Chính sách, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Các chế độ chính sách đối với người dân, các đối tượng khác bị nhiễm chất độc hóa học.

Các hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường được tổ chức tiến hành. Từ năm 2000 - 2015, đã có 42 đề tài cấp nhà nước được triển khai nghiên cứu, góp phần khẳng định tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo hoạt động khoa học và nỗ lực hợp tác nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm tại các điểm nóng là ba sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát.

Cac VDXH - Hoi nan nhan chat doc da cam Can tho11

Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ tặng quà nạn nhân là người dân tộc Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây 2016

Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Hiện có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các hộ gia đình có người tàn tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng trợ cấp xã hội. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt. Cả nước có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị, 24 Trung tâm thuộc các tỉnh nuôi dưỡng trẻ khuyết tật theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng ngàn nạn nhân chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hoạt tích cực nhằm giảm tỷ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổ thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho nạn nhân chất độc da cam.

Từ năm 2007, Quốc hội Mỹ bắt đầu phê chuẩn một khoản ngân sách để Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Từ năm 2011, ngân sách Quốc hội Mỹ phê chuẩn được tách riêng thành hai khoản: Tẩy độc ở “điểm nóng dioxin” và Hỗ trợ các dịch vụ y tế cho người dân Việt Nam sống gần các “điểm nóng”, chủ yếu là ở Đà Nẵng. Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu của Quân đội Mỹ và Viện Aspen của Mỹ tính đến ngày 01/01/2016, tổng số tiền Chính phủ được chuẩn y để tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam là 173 triệu USD, trong đó chi để tẩy độc môi trường là 138,7 triệu USD, chi cho dịch vụ Y tế là 34,3 triệu USD. Ngoài ra các tổ chức phi chính phủ của Mỹ cũng đã tham gia các dự án tẩy độc môi trường và hỗ trợ dịch vụ y tế cho người dân ở các “điểm nóng” ở Việt Nam với tổng số tiền khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền Chính phủ Mỹ đã phê duyệt còn quá nhỏ bé so với hậu quả hết sức to lớn mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam, chưa được giải ngân đầy đủ và không chỉ dành cho những người khuyết tật do liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam mà được chi chung cho những người khuyết tật không phân biệt nguyên nhân.

VAVA chung tay xoa dịu nỗ đau da cam

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả to lớn, lâu dài và đối với sức khỏe con người còn có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Giải quyết hậu quả chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là vấn đề xã hội nhân văn đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam và cũng là vấn đề chính trị và ngoại giao tế nhị.

Được thành lập năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù của những nạn nhân chất độc da cam và các cá nhân tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Đến hết tháng 12/2015, Hội đã thành lập tổ chức ở 61 tỉnh, thành phố, 593 quận, huyện, 6.341 xã, phường, thị trấn với tổng số hội viên là hơn 360.000 người.

Bên cạnh việc thực hiện các chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, phong trào chung tay xoa dịu nỗi đau da cam do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động, ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8 thật sự đã trở thành ngày hội của nhân dân, thể hiện tình cảm của nhân dân ta đối với nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ. Cùng với phong trào trong nước, phong trào chung tay xoa dịu nỗi đau da cam trên thế giới cũng không ngừng phát triển và ngày càng sâu rộng, người Việt Nam ở nước ngoài bạn bè quốc tế đã có nhiều hình thức ủng hộ giúp đỡ.

Tính đến tháng 10/2015, Hội đã vận động được gần 1.150 tỷ đồng để triển khai thực hiện các chương trình đã có hàng triệu lượt nạn nhân và gia đình được thăm hỏi tặng quà, trợ cấp thường xuyên và đột xuất cho gần 160.000 lượt gia đình nạn nhân gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 119.000 suất vốn sản xuất, khám chữa bệnh, xây dựng 3.124 ngôi nhà, 4.137 suất học bổng, 780 suất tìm việc làm, xây dựng 02 Trung tâm Bảo trợ Xã hội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xây dựng và đưa vào hoạt động 04 Trung tâm Xông hơi Giải độc cho nạn nhân tại Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai…

*   *   *

Đã hơn nửa thế kỷ nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra đối với môi trường và sức khỏe của con người. Nỗi đau da cam không là của riêng ai mà là nỗi đau chung của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Hưởng ứng “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” bằng việc tham gia chăm sóc, hỗ trợ họ với tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm cao nhất không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà cao cả hơn là thể hiện tinh thần, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam sẽ không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, củng cố sự nhất trí về chính trị - tinh thần, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Mặt khác, khắc phục hậu quả chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra tại Việt Nam không chỉ là vấn đề xử lý một món nợ” trong lịch sử quan hệ Việt – Mỹ mà còn cần tạo ra nhân tố tích cực cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước đồng thời góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học bảo vệ hòa bình thế giới.  

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ




PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE chất độc da cam , hậu quả

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi