Thứ tư, 08 Tháng 6 2016 11:06

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống chính sách trợ giúp người khuyết tật, chính sách trợ giúp trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật. Tuy vậy, còn khá nhiều khoảng trống về chính sách cũng như các tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng này, đặc biệt là trẻ em khuyết tật cần được nghiên cứu làm rõ. Tạp chí Người bảo trợ xin giới thiệu tới đọc giả ý kiến tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trình bày tại Hội thảo Vận động chính sách chăm sóc trẻ khuyết tật vừa tổ chức tại Hà Nội.

Dien dan

Ông Nguyễn Hải Hữu

Theo các số liệu báo cáo chính thức của các cơ quan chính phủ, hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó trẻ em khuyết tật có khoảng 1,2 triệu, chiếm 5% dân số trẻ em. Tuy nhiên, nếu áp dụng các tiêu chuẩn xác định NKT của tổ chức Y tế thế giới WHO thì Việt Nam có khoảng 14,6% NKT( GSO - 2006) và trẻ em khuyết tật ước tính khoảng 2,5 triệu, chiếm gần 10% dân số trẻ em. Tuy vậy, số NKT đặc biệt nặng và khuyết tật nặng đang được hưởng trợ cấp theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP chỉ khoảng 800 ngàn người, chiếm 10,6% số NKT, nhưng theo cách tính của WHO thì số NKT được hưởng trợ cấp xã hội chỉ chiếm khoảng 5% số NKT.

Để đơn giản hoá về số liệu trẻ em khuyết tật ở Việt Nam, ta có thể nói cách khác là cứ 10 trẻ em tại Việt Nam thì có 1 trẻ em khuyết tật theo số liệu hiện có của các cơ quan Chính phủ.

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng về dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, bảo vệ trẻ em và vui chơi giải trí, cũng vẫn tồn tại những hạn chế, thách thức đối với trẻ em, nhất là nhóm trẻ em khuyết tật. Đó là vấn đề chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, giáo dục chuyên biệt, tiếp cận giao thông, tiếp cận các công trình công cộng, vui chơi giải trí. Một bộ phận trẻ em khuyết tật thuộc các hộ nghèo, cận nghèo đang phải tự mình bươn chải với cuộc sống đầy gian nan, vất vả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại nêu trên là khung khổ luật pháp, chính sách chăm sóc trẻ em khuyết tật chưa đầy đủ và thiếu cụ thể.

Trẻ em khuyết tật cũng có quyền được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em theo quy định của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em (CRC), Luật Trẻ em mới được Quốc hội thông qua vào tháng 3 năm 2016, các quyền theo quy định của Công ước quốc tế về quyền của NKT và pháp luật của Việt Nam về NKT. Các quyền của trẻ em khuyết tật trước hết được thể hiện bằng các nhu cầu cơ bản của trẻ em là được chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ một cách tốt nhất trong môi trường gia đình, gia đình chăm sóc thay thế và các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung. Tuy vậy, không phải lúc nào trẻ em cũng được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ một cách tốt nhất.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống chính sách trợ giúp NKT, chính sách trợ giúp trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật (chính sách trợ cấp xã hội, chính sách trợ giúp về chăm sóc sức khoẻ, chỉnh hình, phục hồi chức năng, chính sách trợ giúp về giáo dục, chính sách trợ giúp học nghề…). Tuy vậy, còn khá nhiều khoảng trống về chính sách cũng như các tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trước hết phải nói đến cách tiếp cận xác định NKT của nước ta chưa theo chuẩn mực của tổ chức Y tế thế giới, dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng và làm cho số lượng NKT thấp, trong đó có cả trẻ em. Vì vậy, trong tương lai, Việt Nam cần áp dụng tiêu chuẩn của WHO trong việc xác định NKT và tiến hành một cuộc tổng rà soát để xác định lại số lượng NKT ở Việt Nam, trong đó xác định rõ 3 nhóm: trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật và người khuyết tật trong độ tuổi lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế hệ thống chính sách trợ giúp NKT nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Vì 3 nhóm NKT có nhu cầu trợ giúp khác nhau.

Thứ hai: Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm các nước phát triển, đặc biệt là các nước trong khu vực châu á Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc về phân hạng khuyết tật theo nhiều cung bậc khác nhau. Hiện Việt Nam phân thành 3 hạng là khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng và khuyết tật nhẹ. Với cách phân hạng này cũng sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ sót đối tượng NKT cần trợ giúp vì giữa khuyết tật nặng và khuyết tật nhè là một khoảng cách khá xa. Kinh nghiệm các nước phát triển như Nhật Bản, người ta phân thành 5 hạng khác nhau là: khuyết tật nhẹ (suy giảm khả năng lao động dưới 20%), khuyết tật vừa (suy giảm khả năng lao động từ 20 - 40%), khuyết tật nặng (suy giảm khả năng lao động từ 40 - 60%), khuyết tật rất nặng (suy giảm khả năng lao động từ 60 - 80%) và khuyết tật đặc biệt (suy giảm khả năng lao động từ 80 - 100%). Khi thực hiện chính sách trợ giúp đối với NKT người ta phân chia thành 3 nhóm là trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật và NKT trong độ tuổi lao động kết hợp mức độ khuyết tật chia theo 5 hạng nêu trên. Điều này làm cho tính công bằng của chính sách trợ giúp cao hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của NKT theo độ tuổi và mức độ khuyết tật.

Thứ ba là việc thiết lập các tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng NKT nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng phải được hình thành không chỉ ở môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung mà còn được thiết lập ở môi trường gia đình, gia đình chăm sóc thay thế, gia đình độc lập (đối với NKT nặng sống độc lập). Việt Nam đã có tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung đối với các đối tượng trợ giúp xã hội nói chung. Tuy vậy, đối với NKT, trẻ em khuyết tật cần bổ sung thêm những tiêu chuẩn mang tính đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu của NKT, trẻ em khuyết tật, đặc biệt là vấn đề tiếp cận/sử dụng không rào cản, giáo dục hoà nhập, giáo dục chuyên biệt, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng. Đồng thời xúc tiến nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn chăm sóc nuôi dưỡng NKT, trẻ em khuyết tật trong các gia đình chăm sóc thay thế và tiêu chuẩn chăm sóc nuôi dưỡng NKT, trẻ em khuyết tật trong môi trường gia đình cha mẹ đẻ và gia đình của NKT. Cùng với việc ban hành các tiêu chuẩn chăm sóc nuôi dưỡng là các chính sách trợ giúp để bảo đảm cho việc thực hiện các tiêu chuẩn chăm sóc nuôi dưỡng được đáp ứng.

Tuy vậy, chính sách và tiêu chuẩn chăm sóc nuôi dưỡng đối với trẻ em khuyết tật cũng không hoàn toàn giống với NKT trong độ tuổi lao động và NKT cao tuổi vì nhu cầu của trẻ em khuyết tật có những đặc điểm riêng, đặc biệt là việc phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng và nhu cầu tiếp cận giáo dục, vui chơi giải trí… Vì vậy, việc thiết kế chính sách trợ giúp, tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng cũng phải tính đến các nhu cầu có tính đặc thù này của trẻ em khuyết tật.  

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi