Thứ ba, 05 Tháng 7 2016 10:08

Theo phân tích và nghiên cứu của các chuyên gia, việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị bỏ rơi trong một gia đình thay thế là lựa chọn tối ưu nhất, việc đưa các em vào cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) là biện pháp cuối cùng. Để tìm cho trẻ được một gia đình thay thế phù hợp, cùng với việc khuyến khích hình thức chăm sóc nhận nuôi tại cộng đồng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc nhận con nuôi trong nước và nước ngoài. Công tác giải quyết việc nuôi con nuôi có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, bao gồm các ngành Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Công an, chính quyền các cấp, cơ sở trợ giúp xã hội và tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam với những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Tuy nhiên, để giải quyết việc nuôi con nuôi có hiệu quả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực từ phía các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có sự phối hợp liên ngành giữa Tư pháp và LĐ-TB&XH từ cấp Trung ương tới địa phương.

Xác định trách nhiệm của mỗi ngành

Theo quy định tại Điều 44, 45 Luật Nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi. Để thực hiện vai trò quản lý của mình, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nuôi con nuôi (Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện…), ban hành và tổ chức thực hiện thống nhất biểu mẫu giấy tờ, sổ sách về nuôi con nuôi; Cấp, gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nuôi con nuôi theo thẩm quyền; Hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của Luật nuôi con nuôi như: giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, cấp, gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi quốc tế ở Việt Nam. Theo Điểm d, Khoản 2, Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp có trách nhiệm đăng tin tìm gia đình thay thế trên phạm vi toàn quốc cho trẻ em sống tại các cơ sở nuôi dưỡng.

Anh 1

Cả nước mới chỉ có 71 cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi, trong đó chỉ có 53 cơ sở được chỉ định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và chủ yếu là các cơ sở công lập

ở cấp địa phương, các Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh (quy định tại điểm c, khoản 12, Điều 2, Thông tư liên tịch số 23/2014/TT-BNV-BTP, ngày 22/12/2014). Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo tìm gia đình thay thế trong phạm vi của tỉnh cho trẻ em sống tại các cơ sở nuôi dưỡng. Theo Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, đánh giá và báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, chủ trì trong công tác phối hợp liên ngành tại địa phương.

Theo Điều 46, Luật Nuôi con nuôi, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và cho trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi, bảo đảm đúng đối tượng theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn ngành LĐ-TB&XH trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, có biện pháp phòng ngừa tình trạng trẻ em bị bỏ rơi. Kiểm tra, theo dõi việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân vì mục đích bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Trách nhiệm của các Sở LĐ-TB&XH là phê duyệt danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế, chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra, đánh giá và báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, tham gia công tác phối hợp liên ngành ở địa phương, tiếp nhận hoặc hướng dẫn tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào cơ cở BTXH, đôn đốc các cơ sở BTXH thực hiện việc lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế, báo cáo Sở LĐ-TB&XH phê duyệt trước khi báo cáo Sở Tư pháp, lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi.

Kết quả thực hiện công tác phối hợp liên ngànhTư pháp – LĐ-TB&XH

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH trong thời gian qua hai Bộ đã có sự phối hợp hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi. Hai bộ đã tham gia ý kiến hoàn thiện trình ban hành, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, xây dựng quy chế mẫu phối hợp liên ngành trong công tác giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Tham gia ý kiến đóng góp Đề án Triển khai Công ước La Hay số 33 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế giai đoạn 2012 - 2015 được phê duyệt theo quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 7/9/2012, Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc nâng cao nhận thức pháp luật về nuôi con nuôi và tăng cường biện pháp bảo đảm thực thi Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.

Hai Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an xây dựng Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH ngày 22/2/2016 hướng dẫn việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi ở nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong trường hợp cần thiết.

ở địa phương, Sở Tư pháp và Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp kiểm tra, đánh giá và báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, chỉ định cơ sở TGXH được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Tính đến ngày 15/4/2016, đã có 33 tỉnh, thành phố chỉ định cơ sở TGXH được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, 53/402 cơ sở TGXH công lập và ngoài công lập đã được UBND cấp tỉnh chỉ định cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài. Căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương và quy chế mẫu về phối hợp liên ngành ở địa phương về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do Bộ Tư pháp ban hành, Sở Tư pháp và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh đã phối hợp xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành tại địa phương. Tính đến ngày 15/4/2016 đã có 43/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài đối với trẻ em thuộc diện danh sách 1 (trẻ em có sức khỏe bình thường).

Những bất cập, hạn chế

Cùng với những kết quả đạt được, công tác phối hợp liên ngành Tư pháp – Thương binh và Xã hội trong việc giải quyết việc nhận nuôi con nuôi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế; pháp luật về nuôi con nuôi chưa được thực hiện đồng đều trên toàn quốc. Trong 5 năm qua, trên toàn quốc có 2.397 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài và 13.003 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước. Số trẻ em được nhận làm con nuôi nước ngoài từ các cơ sở TGXH là khoảng 1.700 trẻ (chiếm 70,9% số trẻ được nhận con nuôi nước ngoài), còn đa số trẻ em được nhận con nuôi trong nước là sống tại cộng đồng. Đây vẫn còn là kết quả khiêm tốn so với số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiện đang được nuôi dưỡng ở các cơ sở trợ giúp xã hội cần tìm gia đình thay thế.

Việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài hiện nay đang có sự “phân khúc” giữa ngành LĐ-TB&XH được giao chức năng quản lý nhà nước về tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em cần tìm gia đình thay thế và ngành Tư pháp được giao chức năng quản lý nhà nước về việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH để có chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ em nên một số lượng lớn trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác vẫn phải sống tập trung tại các cơ sở BTXH, nhà chùa, cơ sở tôn giáo, cơ sở TGXH khác.

Anh 2

Trong 5 năm vừa qua, trên toàn quốc có 2.397 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài và 13.003 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước

 

Trong khi nhu cầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần chăm sóc nuôi dưỡng trong môi trường gia đình gia tăng, nhu cầu nhận con nuôi cũng có chiều hướng tăng, nhưng người nhận con nuôi rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được nguyện vọng của mình. Bản thân các cơ quan tư pháp không được cung cấp thông tin từ các cơ quan thuộc ngành LĐ-TB&XH nên không nắm bắt được số lượng trẻ em đang sống tại các cơ sở TGXH cần tìm gia đình thay thế để giới thiệu cho người nhận con nuôi.

Cho đến nay, theo thống kê của Bộ LĐTBXH, trên toàn quốc có 194 cơ sở TGXH công lập và 208 cơ sở TGXH ngoài công lập đang nuôi dưỡng trẻ em. Tuy nhiên, mới có 71 cơ sở TGXH tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi, trong đó chỉ có 53 cơ sở được chỉ định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và chủ yếu là các cơ sở công lập. Điều này ảnh hưởng tới quyền được tìm gia đình thay thế của trẻ em vì có nhiều trẻ em cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài nhưng vì sống trong các cơ sở TGXH chưa được chỉ định nên các em không thể được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài.

Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Công ước La Hay giai đoạn 2012 - 2015 đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành trong năm 2013 Thông tư liên tịch giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và không gắn với yêu cầu nhận trẻ làm con nuôi. Tuy nhiên, cho đến nay Thông tư này vẫn chưa được ban hành. Do chưa có quy định cụ thể về việc hỗ trợ nhân đạo nên các tổ chức con nuôi nước ngoài hầu như dừng hẳn việc hỗ trợ nhân đạo cho các cơ sở TGXH, hoặc nếu có thì rất lúng túng trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo nhằm bảo đảm tuân thủ nguyên tắc tách bạch giữa hoạt động hỗ trợ nhân đạo và hoạt động nuôi con nuôi.

Những hạn chế, bất cập trong công tác phối hợp liên ngành Tư pháp, LĐ-TB&XH là một trong những nguyên nhân làm hạn chế số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong tổng số trẻ em cần gia đình thay thế.

Xây dựng quy chế phối hợp nâng cao hiệu quả thi hành Luật

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành Luật nuôi con nuôi, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Luật Trẻ em) và tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Quy chế số 721/QC-BTP-BLĐTBXH ngày 14/3/2016 về việc phối hợp công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở TGXH.

Quy chế phối hợp có tính chất thúc đẩy việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi nhằm giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở TGXH (bao gồm cơ sở BTXH tổng hợp, cơ sở BTXH chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cơ sở BTXH chăm sóc NKT, Trung tâm CTXH) được cho làm con nuôi theo quy định của pháp luật.

Nội dung quan trọng của Quy chế quy định về cơ chế phối hợp giữa hai ngành nhằm tăng cường công tác lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế, tăng cường năng lực cho các cơ sở TGXH, không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con nuôi và giao Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, hướng dẫn địa phương đôn đốc các cơ sở TGXH đánh giá nhu cầu và lập danh sách trẻ em được nhận làm con nuôi theo đúng quy trình nghiệp vụ CTXH.

Anh 3

Bé Pax Thiên Jolie-Pitt (ngoài cùng bên trái) được cặp vợ chồng nổi tiếng người nước ngoài nhận nuôi nay đã lớn khôn

 

Quy chế cũng giao Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, hướng dẫn địa phương rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở TGXH công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cơ sở TGXH trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em.

Ngoài hai nội dung quan trọng trên đây, Quy chế còn quy định về cơ chế cung cấp và trao đổi thông tin giữa Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH về tình hình lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế, tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi trên toàn quốc. Qua đó, hai Bộ, ngành cùng trao đổi thống nhất biện pháp thúc đẩy việc lập danh sách trẻ em và công tác giải quyết việc nuôi con nuôi và kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh. Đồng thời, Quy chế cũng giao Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn địa phương: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở TGXH trong việc ưu tiên giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, trước khi cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài; kiểm tra, đôn đốc cơ sở TGXH trong việc cho nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật.

Việc hai Bộ xây dựng quy chế phối hợp là một điều cần thiết, tạo đà cho các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương tích cực hơn nữa nhằm giải quyết kịp thời và tạo điều kiện tối đa để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở TGXH được cho làm con nuôi theo đúng quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về nuôi con nuôi, về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Thông qua quy chế này, công tác phối hợp giữa hai bộ sẽ được đẩy mạnh hơn, qua đó thúc đẩy việc thực hiện các quy định pháp luật về nuôi con nuôi đối với những trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở TGXH. Từ đó, bảo đảm quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được lớn lên trong môi trường gia đình, được nuôi dưỡng tốt hơn, trở thành những công dân có ích cho xã hội, cho đất nước.  

 

 

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE gia đình thay thế. nhận con nuôi

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi