Nhằm nhìn nhận đúng đắn chính sách tiếp cận hàng không cho NKT và những khó khăn, rào cản hiện nay NKT gặp phải tại các sân bay và các hãng bay trong nước, từ đó tìm ra các giải pháp cả về chính sách và thực thi phục vụ NKT tốt hơn, ngày 18/5, tại Đà Nẵng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp tổ chức Hội thảo về Tiếp cận giao thông hàng không đối với người khuyết tật (NKT). Tham dự Hội thảo, có lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đại diện Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Cảng Hàng không và Hội Người khuyết tật trên toàn quốc.
Hình minh họa
Sau 5 năm thực thi Luật NKT cùng với việc phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của NKT, vấn đề giao thông tiếp cận, đặc biệt là giao thông hàng không tiếp cận cho NKT tại Việt Nam đã được chú ý hơn. Tuy vậy, giao thông hàng không dành cho NKT hiện nay vẫn tồn tại những vướng mắc cần được khắc phục, cải thiện để thực sự đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng loại hình di chuyển hiện đại này của NKT. Với khoảng 7 triệu NKT (chiếm 7,8% dân số cả nước), đây là lượng hành khách đáng kể mà ngành giao thông hàng không Việt Nam cần quan tâm, hỗ trợ đúng mức.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: chính sách pháp luật về tiếp cận giao thông hàng không dành cho NKT đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ và bao quát. Các hãng hàng không dù có chế tài hỗ trợ NKT nhưng những chế tài này chưa được áp dụng nhiều vào thực tế.
Đánh giá của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận: Luật Hàng không và các cơ chế chính sách khác liên quan đã quy định tương đối đầy đủ về giao thông tiếp cận cho NKT trong lĩnh vực hàng không dựa trên các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải, công cụ hỗ trợ. Nhờ đó đã tạo điều kiện để NKT có thể tiếp cận dễ dàng với dịch vụ vận tải hàng không. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các chính sách về giao thông hàng không vẫn còn nhiều hạn chế như vấn đề đăng ký sử dụng dịch vụ đặc biệt của các hãng hàng không Việt Nam chưa có quy định cụ thể để NKT và người thân có thể sử dụng thuận tiện; cách thức, thủ tục đăng ký cho NKT sử dụng xe lăn có thể đăng ký đặt chỗ, mua vé online còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không chưa đảm bảo điều kiện tiếp cận đồng bộ cho NKT, nhân viên cảng hàng không và các hãng hàng không thiếu kỹ năng sử dụng thiết bị hỗ trợ cũng như trực tiếp hỗ trợ NKT…
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe chia sẻ của một số NKT thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông hàng không về những khó khăn, rào cản và đưa ra đề xuất nâng cao chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không nhằm tạo thuận lợi cho NKT khi tiếp cận giao thông hàng không. Từ kinh nghiệm thực tế tham gia giao thông hàng không trong nước và quốc tế, bà Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội chia sẻ những lưu ý khi hỗ trợ NKT di chuyển bằng đường hàng không đồng thời đề xuất thay đổi quy định về phục vụ hành khách khuyết tật, đặc biệt là NKT nặng.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, hãng đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không đối với hành khách khuyết tật, trong đó thể hiện rõ những thay đổi về chính sách, đầu tư trang thiết bị, quy trình phục vụ của VNA đối với NKT…
Từ thực trạng giao thông hàng không với NKT, nhiều ý kiến tại Hội thảo kiến nghị các hãng hàng không và sân bay cần tăng cường các trang thiết bị phục vụ hành khách NKT như: xe nâng, xe lăn phục vụ tại mặt đất, xe lăn chuyên dụng di chuyển trong khoang máy bay. Nhân viên phục vụ trợ giúp cần nắm vững thông tin về quyền lợi và trách nhiệm của NKT, có kỹ năng hỗ trợ NKT đồng thời bố trí nhân viên phục vụ tại điểm đến… Cần có hệ thống chuông báo tại chỗ ngồi dành riêng cho NKT; có chính sách miễn giảm giá vé ở nhiều hạng mục; tăng cường việc hỗ trợ đối với người có tình trạng khuyết tật đặc thù (dùng xe lăn cá nhân chuyên dụng).
Cùng với đó, cần cải tạo cơ sở hạ tầng theo quy chuẩn tiếp cận: có lối đi giao thông dành riêng, nhà vệ sinh dành cho NKT; lắp đặt các biển chỉ dẫn hay tiến hiệu cho người mù, thông tin hướng dẫn cho người điếc… Các dịch vụ tại mặt đất không thu phí xe nâng để phục vụ NKT; tăng cường công tác thông tin truyền thông cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng và cả bản thân NKT về quyền lợi và trách nhiệm của NKT nhằm tránh những xung đột đáng tiếc xảy ra. Các hãng hàng không cần thực hiện trách nhiệm bồi thường đối với NKT như những hành khách khác khi tham gia vận chuyển hàng không. Nhiều ý kiến cũng đề nghị hãng hàng không, sân bay thống nhất các quy định, thủ tục trong hành trình của các chuyến bay giữa các tỉnh/thành phố, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký dịch vụ hỗ trợ đặc biệt dành cho NKT, bãi bỏ quy định buộc NKT ký kết giấy miễn trừ trách nhiệm; xây dựng cơ chế chính sách riêng đối với giao thông tiếp cận dành cho NKT trong lĩnh vực Hàng không.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam: Thúc đẩy các hoạt động thực hiện công tác người khuyết tật - 03/08/2016 03:56
- 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam: Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - 14/07/2016 08:26
- Phối hợp liên ngành Tư pháp - LĐTBXH trong giải quyết việc nuôi con nuôi: Vì quyền được tìm gia đình thay thế của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - 05/07/2016 03:08
- Trẻ khuyết tật học cách… đi chợ - 24/06/2016 07:22
- Hỗ trợ NKT sử dụng xe lăn an toàn, hiệu quả - 23/06/2016 02:54
Các tin khác
- Khuyến nghị phát triển chính sách, tiêu chuẩn chăm sóc trẻ em khuyết tật - 08/06/2016 04:06
- Chăm sóc trẻ em khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội - 19/05/2016 05:13
- Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội - 19/05/2016 05:02
- Hội thảo “Chia sẻ thông tin và tăng cường điều phối giữa các chương trình hỗ trợ NKT Việt Nam” - 19/05/2016 04:57
- Nạng đặc biệt giúp người khuyết tật đi lại dễ dàng - 16/05/2016 04:34