Thứ năm, 23 Tháng 6 2016 09:54

Xe lăn được ví như là đôi chân thay thế của người khuyết tật vận động. Tuy nhiên, để lựa chọn được một “đôi chân” phù hợp với người khuyết tật (NKT) giúp họ sử dụng đúng cách, phát huy tối đa hiệu quả trong quá trình sử dụng đòi hỏi phải có kiến thức nhất định, đặc biệt trong điều kiện các chủng loại xe lăn luôn được cải tiến về mẫu mã, kỹ thuật. Là tỉnh có số lượng NKT vận động có nhu cầu sử dụng xe lăn khá lớn, trong quá trình tổ chức trao tặng xe lăn, tỉnh Hội Hà Tĩnh đã luôn chú trọng đến việc tập huấn, hướng dẫn để đối tượng sử dụng an toàn, hiệu quả.

Ông Trần Quốc Dinh, Chủ tịch huyện Hội Can Lộc

Dien dan1234

Hiện nay, tại huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh, số người khuyết tật có nhu cầu sử dụng xe lăn là 185 người. Được sự quan tâm của Trung ương Hội, tỉnh Hội cũng như sự nỗ lực vận động của cán bộ huyện Hội, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, đến nay chúng tôi đã cấp phát được 95 xe. Xe lăn được cấp thành nhiều đợt, mỗi đợt có những chủng loại khác nhau vì vậy việc tập huấn, hướng dẫn tháo lắp, sử dụng xe là hết sức cần thiết. Chúng tôi rất phấn khởi khi nhà tài trợ xe lăn của Hội không chỉ quan tâm đến nhu cầu của đối tượng mà còn tổ chức các lớp tập huấn chi tiết cho các cán bộ Hội và đối tượng sử dụng. Nhờ đó, kiến thức về xe lăn của các cán bộ Hội như chúng tôi luôn được củng cố, nâng cao.

Trước đây, khi không được tập huấn, mỗi lần tiếp nhận xe lăn về, chúng tôi phải mượn thợ sửa chữa xe đạp, xe máy từ bên ngoài về lắp ráp vừa tốn thêm chi phí mà nhiều khi cũng lắp không đúng, gây khó khăn cho đối tượng khi sử dụng. Còn bây giờ, mỗi đợt nhận xe lăn, dù có nhiều thế hệ xe khác nhau, có loại lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc, nhưng nhờ được tập huấn từ tỉnh Hội, chúng tôi đã có thêm kiến thức về cách lắp ráp, sử dụng và vận hành xe, đối tượng phù hợp với từng loại xe. Có kiến thức, cán bộ Hội có thể cấp phát xe đúng nhu cầu, độ tuổi, kích cỡ, hỗ trợ, hướng dẫn gia đình các đối tượng sử dụng hiệu quả, sửa chữa những lỗi nhỏ khi cần thiết.

Ông Lê Xuân Thiều, Chủ tịch huyện Hội Cẩm Xuyên

Dien dan 112

Chương trình cấp xe lăn cho người khuyết tật vận động là một trong những chương trình thành công nhất của huyện Hội Cẩm Xuyên. Thành lập Hội từ năm 2011, đến năm 2014, chúng tôi đã cấp được 245 xe lăn, là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành cấp xe lăn cho NKT. Từ năm 2015 - 2016, số NKT phát sinh thêm gần 70 người do tai nạn, bệnh tật, bẩm sinh… Được sự quan tâm của nhà tài trợ, Trung ương Hội cũng như tỉnh Hội, mới đây, huyện Cẩm Xuyên được hỗ trợ 45 xe lăn thuộc 3 thế hệ. Đối với xe Gen 1 huyện Hội đã được cấp nhiều lần nên đã thành thạo, việc lắp ráp, hướng dẫn đối tượng không gặp khó khăn gì. Điểm mới là trong đợt này có 2 thế hệ xe mới với nhiều cải tiến như Gen 2 có thể điều chỉnh được độ cao thấp của chỗ để chân, tựa lưng, Gen 3 có thể gấp gọn khi tháo ghế ngồi… nên có thêm sự lựa chọn cho các đối tượng.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng xe, trước khi cấp phát, cán bộ huyện Hội đã được tập huấn, hướng dẫn sử dụng xe, sau đó về hướng dẫn lại cho cán bộ Hội các xã, thị trấn. Cách làm của chúng tôi là hướng dẫn cán bộ Hội và đối tượng, người nhà đối tượng tại lễ trao tặng xe, sau đó, cán bộ Hội cấp xã có trách nhiệm theo dõi, quản lý, hướng dẫn đối tượng ngay tại nhà của họ để đảm bảo chất lượng xe và hiệu quả sử dụng. Nhờ sự tận tâm và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội, từ khi thành lập đến nay với hàng trăm xe lăn được trao tặng, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng sức khỏe do xe lăn gây ra. Hầu hết bà con đều phấn khởi, xúc động và biết ơn vì có cơ hội được đi lại, hòa nhập cộng đồng. Tình trạng sức khỏe, đặc biệt là tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Ông Phạm Hữu Hồng, Chủ tịch huyện Hội Lộc Hà

Dien dan 212

Lộc Hà nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, huyện có 2 xã miền núi, 4 xã nghèo bãi ngang với số lượng người khuyết tật, trẻ mồ côi lớn của tỉnh Hà Tĩnh, hơn 4.139 người. Hiện tại, huyện có 270 người có nhu cầu về xe lăn, trong đó huyện Hội đã vận động trao tặng được 160 xe. Đối với người khuyết tật, việc đón nhận một chiếc xe lăn như là đôi chân thay thế của họ, nhưng muốn đôi chân đó hoạt động theo ý muốn của mình, muốn khai thác hết những tiện ích của “đôi chân” đó cũng như sử dụng nó một cách an toàn, không làm nặng thêm tình trạng khiếm khuyết của mình thì việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng xe rất cần thiết. Được sự quan tâm của nhà tài trợ, việc tập huấn không chỉ thực hiện với đối tượng, người nhà đối tượng mà những cán bộ Hội như chúng tôi cũng được tham gia, nhờ đó chúng tôi có thêm kiến thức để hỗ trợ đối tượng của mình được tốt hơn.

Xe lăn cũng thường xuyên có sự thay đổi, cải tiến nên quá trình tập huấn kiến thức sử dụng, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ Hội đều là những người đã có tuổi, việc tiếp thu có chậm hơn, trí nhớ có kém hơn. Nhưng vì sự an toàn của đối tượng và uy tín của nhà tài trợ, chúng tôi đã rất cố gắng nghiên cứu tài liệu, thực hành tháo lắp nhiều lần. Chính quá trình đó giúp cán bộ Hội hiểu rõ hơn về kết cấu, tính chất của xe; từ đó có sự tư vấn, phản hồi và xin hỗ trợ loại xe phù hợp nhất với đối tượng trên địa bàn.

Ông Phạm Đức Quế, Phó Chủ tịch huyện Hội Hương Sơn

Dien dan 3

Tính đến tháng 1/2016, toàn huyện Hương Sơn có 2.891 người khuyết tật, trẻ mồ côi. Trong đó có 300 người có nhu cầu về xe lăn và huyện Hội đã cấp được 229 xe (chưa tính phát sinh). Đối với người khuyết tật, xe lăn có ý nghĩa quan trọng. Khi họ không di chuyển được, họ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, khó có cơ hội ra ngoài để tiếp cận, hòa nhập cuộc sống cộng đồng… Vì vậy, khi được cấp xe lăn, từ chỗ chỉ biết ở một mình trong nhà, thế giới là ô cửa sổ, không gian là bốn bức tường; họ được ra bên ngoài, gặp gỡ mọi người, đến được với những nơi sinh hoạt cộng đồng, việc di chuyển không còn phụ thuộc quá nhiều vào người khác... Những thay đổi đó thực sự mang đến cho NKT một cuộc sống mới nhiều niềm vui và ý nghĩa hơn. Vì thế, huyện Hội Hương Sơn hết sức quan tâm đến chương trình vận động và cấp tặng xe lăn cho NKT.

Trước đây mỗi lần tiếp nhận và trao tặng xe lăn, chúng tôi hoàn toàn tự “mày mò” tài liệu để lắp ráp, hướng dẫn cho các gia đình và đối tượng. Còn bây giờ, với việc được tập huấn, hướng dẫn lắp ráp, sử dụng thì việc cấp phát, sử dụng xe thuận lợi hơn nhiều. Tùy theo tình trạng sức khỏe, khiếm khuyết, nhu cầu của đối tượng mà chúng tôi biết tư vấn, chọn cấp cho họ một chiếc xe phù hợp. Ví dụ như người bị liệt không thể tự chủ được chúng tôi cấp cho họ xe Gen 1 để người nhà có thể tắm rửa, chăm sóc người khuyết tật ngay trên xe.

Đối với trẻ em hoặc những người có chiều cao khác nhau, chúng tôi cấp xe Gen 2 để họ có thể điều chỉnh được chỗ để chân, tựa lưng cho phù hợp. Với những người liệt chân nhưng còn đôi tay khỏe chúng tôi cấp xe Gen 2, Gen 3 để họ có thể di chuyển, phụ giúp gia đình bằng sức lao động của mình. Cùng với đó, các bài tập vận động nhẹ nhàng, hướng dẫn thời gian, tư thế ngồi xe cũng được hướng dẫn cụ thể để đối tượng phòng tránh các trường hợp bị tì đè, hoại tử… Nhờ đó, các đối tượng nhận xe không chỉ di chuyển thuận lợi mà còn đảm bảo sức khỏe, đảm bảo ý nghĩa của chương trình trao tặng xe lăn.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Xe lăn , người khuyết tật vận động

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi