Thứ sáu, 21 Tháng 7 2017 11:50

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Theo ước tính, hàng năm, trung bình cả nước có khoảng trên 3.800 người chết và bị thương do tai nạn bom mìn vật nổ sót lại sau chiến tranh gây ra. Nạn nhân bom mìn thường phải chịu một cú sốc lớn khi bỗng chốc bị mất đi một phần thân thể hoặc bị suy giảm về sức khoẻ. Họ rất cần được hỗ trợ kịp thời để ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng. Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn là vấn đề rất cần trong giai đoạn hiện nay.

72Anh 3 CVDXH

Cục Bảo trợ xã hội phối hợp cùng các tổ chức quốc tế để thảo luận về các biện pháp trợ giúp nạn nhân bom mìn đạt hiệu quả

Nạn nhân bom mìn và nhu cầu về trợ giúp xã hội

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong các gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung bao gồm Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mình, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

Thực trạng ô nhiễm bom mình sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề. Tai nạn do bom mìn vẫn liên tục xảy ra kéo theo tình trạng khuyết tật gia tăng, khả năng lao động giảm sút dẫn đến đói nghèo, khó hoà nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn rất cần được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế xã hội. Những dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bom mìn như: chỉnh hình, phục hồi chức năng, tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, y tế, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm

72Anh 1 CVDXH

Ông Nguyễn Văn Đoàn, người từng 2 lần bị tai nạn do bom mìn sót lại

 

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Các công việc này đã và đang được các Bộ, ngành và các địa phương triển khai tích cực. Đặc biệt trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hoà nhập do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phần nào đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng.

Một số kết quả trợ giúp nạn nhân bom mìn

Để hoạt động trợ giúp cho nạn nhân bom mìn có hệ thống và đạt hiệu quả, Bộ LĐTB&XH và các Bộ ngành liên quan đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền lợi tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, được chăm sóc sức khỏe, PHCN, học văn hóa, học nghề, việc làm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật. Nạn nhân bom mìn là trẻ em, NKT đặng biệt nặng, NKT nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng, hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom mìn là NKT đặc biệt nặng được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc hàng tháng. Trường hợp gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom mìn là NKT đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng. Với những nạn nhân bom mìn là NKT đặc biệt nặng, không có khả năng chăm sóc ở cộng đồng, không có người nuôi dưỡng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, nạn nhân bom mìn là đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT, khi chết được hỗ trợ mai táng phí, được tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống. Các đối tượng đang học văn hoá, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách vở, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật, trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống hàng ngày (đối với đối tượng được chăm sóc/nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội).

72Anh 2 CVDXH

Chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bom mìn tại Quảng Trị

 

Cùng với hệ thống chính sách pháp luật, mạng lưới cung cấp dịch vụ cho nạn nhân bom mìn và NKT đã từng bước được hình thành và phát triển, trong đó mạng lưới các trung tâm công tác xã hội (CTXH) đóng vai trò quan trọng. Bộ LĐTB&XH và Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình Trung tâm CTXH, phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ cho 40 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình Trung tâm CTXH , nâng tổng số cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH lên 413 cơ sở. Bộ LĐTB&XH cũng đã phối hợp với tổ chức quốc tế xây dựng mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế cho NKT và nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Mạng lưới các bệnh viện và Trung tâm chỉnh hình và PHCN cũng từng bước được củng cố và phát triển. Hiện cả nước có 10 cơ sở PHCN cho nạn nhân bom mìn. Trong giai đoạn 2013 - 2015, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH cũng đã phối hợp xây dựng 10 trạm y tế cấp xã đặt tại 10 tỉnh, thành phố nhằm cứu chữa và PHCN cho nạn nhân bom mìn. Các trạm y tế cấp xã đã góp phần quan trọng về tư vấn, sơ cấp cứu, lắp đặt chân tay giả cho nạn nhân bom mìn, tiếp nhận, quản lý và PHCN cho nạn nhân bom mìn; thường xuyên được tham gia các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế và cộng tác viên công tác xã hội tại các địa bàn có dự án thí điểm mô hình.

Đảm bảo cho NKT nói chung, nạn nhân bom mìn nói riêng có cơ hội được học tập, mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập từng bước được phát triển về bề rộng và chiều sâu. Đến nay cả nước có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập, 4 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Ngoài ra, 700 giáo viên được đào tạo trình độ cao đẳng về giáo dục hòa nhập và hơn 10.000 giáo viên mầm non và tiểu học được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dạy học hòa nhập cho các loại trẻ khuyết tật, nạn nhân bom mìn khác nhau. Hệ thống giáo dục này đã đưa 269.000 em trong khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật, nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học được đến trường.

Góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã, phường, quy định nhiệm vụ chung, nhiệm vụ cụ thể và các yêu cầu về trình độ, năng lực của cộng tác viên CTXH. Đến nay đã có 21 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH với tổng số 8.784 cộng tác viên. Một số tỉnh, thành phố như Long An, Quảng Ninh, Bến Tre, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, An Giang, Khánh Hòa, Phú Yên đã bước đầu hình thành mạng lưới công tác viên và nhân viên CTXH , góp phần trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có nạn nhân bom mìn được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm và ổn định cuộc sống.

Định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ TGXH cho nạn nhân bom mìn

Có thể nói, với sự nỗ lực, cố gắng của ngành LĐTB&XH nói riêng, các bộ, ngành và toàn thể xã hội, trong giai đoạn vừa qua, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội đã có sự phát triển nhất định. Tuy nhiên, mạng lưới cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cũng đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại nhất định như: Chưa có khuôn khổ pháp lý quy định tổng thể, toàn diện việc quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Mạng lưới các cơ sở hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội còn thiếu về số lượng nhất là cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp với đối tượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ viên chức và nhân viên công tác xã hội còn hạn chế. Vì vậy, năng lực chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở trợ giúp xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn hiện nay.

Đa số nạn nhân bom mìn vẫn chưa có mô hình tiếp cận theo tính toàn diện. Trong hầu hết các lĩnh vực, hệ thống dịch vụ PHCN và trợ giúp cho nạn nhân bom mìn còn hạn chế, thiếu kỹ năng đánh giá nhu cầu của nhóm đối tượng nạn nhân bom mìn, thiếu kỹ năng, phương pháp PHCN thích hợp, thiếu sự hợp tác liên ngành

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn nói riêng, đối tượng bảo trợ xã hội nói chung, Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐTB&XH đã xây dựng kế hoạch trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn giai đoạn 2017 - 2020, trong đó đề ra mục tiêu hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này tái hòa nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, phát triển các dịch vụ PHCN và trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ LĐTB&XH xác định nhiệm vụ cần thiết trong thời gian tới là phải đổi mới dịch vụ công về trợ giúp xã hội. Theo đó sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công, khuyến khích, tạo điều kiện, thiết lập môi trường hoạt động bình đẳng, cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Xây dựng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội

Triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các yêu cầu về: rà soát, sắp xếp các cơ sở trợ giúp xã hội, tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, khuyến khích hình thức hợp tác giữa nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội.

Đổi mới cơ chế và phương thức quản lý, vận hành các cơ sở trợ giúp xã hội theo phương châm phòng ngừa, trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình, cộng đồng là chính, cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian nhất định. Đổi mới về cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư, hệ thống tổ chức các đơn vị cơ sở trợ giúp xã hội, đổi mới phương thức giao dự toán kinh phí đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ công cơ bản, phục vụ đối tượng trợ giúp xã hội thao hướng nhà nước đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Tăng cường năng lực cho mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp nạn nhân bom mìn. Đồng thời hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn trợ giúp nạn nhân bom mìn tại trung tâm công tác xã hội. Đi kèm với đó là tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội: tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, các dụng cụ cơ bản về vận động trị liệu và cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội và PHCN để phục vụ cho điều trị và PHCN cho nạn nhân bom mìn.

Hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐTB&XH cũng đang tích cực, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng đồng thời nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý thông tin về nạn nhân bom mìn và NKT.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Bom mìn , khắc phục , hậu quả

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi