Thứ tư, 04 Tháng 1 2017 10:37

Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường phải chịu nhiều rủi ro, bị bạo lực, bị bóc lột, lạm dụng. Vì vậy, việc tiến hành các biện pháp để đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả các quyền con người là nhiệm vụ cần thiết của mỗi quốc gia và cộng đồng xã hội.

Xét về góc độ bình đẳng giới, có thể khẳng định, Luật NKT không thể hiện sự bất bình đẳng giới, thậm chí đã thể hiện sự quan tâm đến đặc tính giới khi có các điều quy định ưu tiên cho NKT. Tuy vậy, trong thực tế cách nhìn nhận đối với NKT còn khác nhau.

Do đó để thực hiện quyền của NKT, trước hết cần thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đối với NKT là giải pháp hỗ trợ NKT tiếp cận cơ hội việc làm. Trong những năm qua, bên cạnh các chính sách, hoạt động thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ nói chung, nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để tạo điều kiện nâng cao năng lực cho phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, phụ nữ người dân tộc thiểu số… đặc biệt là những chính sách ưu đãi về tín dụng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo… Cùng với đó, cách nhìn nhận của xã hội đối với NKT đã có sự thay đổi rõ rệt, từ chỗ tiếp cận theo phương thức từ thiện, nhân đạo xã hội sang việc bảo đảm quyền cho NKT. Ví dụ, trong việc hỗ trợ việc làm cho NKT, đặc biệt là lao động nữ khuyết tật,để giúp họ sống hòa nhập, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể, tổ chức xã hội đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, dự án thiết thực: hỗ trợ sinh kế, cho vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.. với mong muốn ngày càng nhiều NKT được tiếp cận cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống.

Anh 2 Dien dan 298

Đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả các quyền con người là nhiệm vụ cần thiết của mỗi quốc gia và cộng đồng xã hội

Có thể nói, rào cản lớn nhất đối với lao động khuyết tật đó là sự mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân, khiến họ ngại xuất hiện nơi đông người hay đến những hội chợ việc làm tìm việc. Với phụ nữ khuyết tật, rào cản này càng lớn hơn nhiều do đó cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, việc làm với họ càng trở nên khó khăn hơn. Thực tế cho thấy nhiều phụ nữ khuyết tật vẫn có khả năng làm việc không thua kém gì người bình thường nhưng nỗi mặc cảm đã tước đi cơ hội của họ, khiến họ chấp nhận cảnh thất nghiệp, thậm chí từ chối sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội.

Trong lĩnh vực y tế, Luật NKT và Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ đã thể hiện những chế độ ưu đãi của nhà nước ta trong lĩnh vực y tế, sức khỏe đối với NKT. Về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú, nhà nước giao trách nhiệm cho Trạm y tế xã triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, hướng dẫn NKT tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, lập tổ theo dõi, quản lý sức khỏe NKT, khám chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho NKT.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện biện pháp khám chữa bệnh phù hợp cho NKT, ưu tiên khám, chữa bệnh cho NKT đặc biệt nặng, trẻ em khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai, người cao tuổi khuyết tật, tư vấn biện pháp phòng ngừa phát hiện sớm khuyết tật. Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa đảm bảo điều kiện tiếp cận với NKT.

NKT được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, gia đình NKT có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để NKT được khám bệnh, chữa bệnh. NKT là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám chữa bệnh…

Về giáo dục, đào tạo, NKT có nhu cầu tiếp cận với các loại hình giáo dục phù hợp, tham gia vào các hoạt động giáo dục hòa nhập, được tham gia vào môi trường học tập đầy đủ như người bình thường. Song NKT thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, học nghề như: nhận thức chậm, cản trở do khiếm khuyết, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng họ luôn mong muốn có thể học tốt như người bình thường. Vì vậy, việc giúp đỡ, chia sẻ của mọi người xung quanh là động lực rất lớn để NKT học tập, học nghề tốt. Bên cạnh đó, cần có các trung tâm giảng dạy về văn hóa, về nghề nghiệp phù hợp cho NKT, tạo việc làm hoặc tạo điều kiện để NKT có thể tự tạo công việc phù hợp với bản thân, tăng cường mở rộng các mô hình phù hợp để NKT giao lưu, kết bạn, mở rộng mối quan hệ.

anh 1 dien dan 298

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch thành Hội Hà Nội

 

Thực tế cho thấy, phụ nữ khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới khuyết tật trong một số vấn đề như hôn nhân, việc làm, giáo dục và tiếp cận thông tin. Do đó, nhà nước cần có chính sách riêng, đặc thù đối với NKT nặng cũng như phụ nữ và trẻ em khuyết tật, đặc biệt trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội để xóa bỏ những rào cản đối với sự phát triển của NKT nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng.

Có thể khẳng định các chính sách, quy định của nhà nước ta là hết sức ưu việt đảm bảo cho quyền được chăm sóc sức khỏe đối với NKT. Tuy nhiên, NKT nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa tiếp cận được với NKT. Vì vậy, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế, đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe cho NKT. Đối với NKT sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng xa trung tâm, vùng dân tộc thiểu số, cần có những chính sách cụ thể, trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận y tế, bảo hiểm xã hội đáp ứng nhu cầu của NKT.

Để đảm bảo thực hiện quyền của NKT nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng trên cơ sở bình đẳng giới, theo tôi, Nhà nước cần có cơ chế và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội phối hợp với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hỗ trợ NKT học nghề và tìm việc làm. Tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng thể hiện sự tôn trọng, sự công bằng đối với NKT, thay đổi cách nhìn nhận một cách tích cực, thân thiện với NKT. Tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật đối với NKT, xây dựng các mô hình thu hút sự tham gia của NKT giúp họ hòa nhập cộng đồng.  

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi