Thứ năm, 22 Tháng 12 2016 11:18

Ước tính trên thế giới, trung bình có khoảng 10% ấn bản in được đưa về định dạng dễ tiếp cận với NKT. Con số này ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) còn thấp hơn nhiều, có khi chỉ là 1% hoặc dưới 1 %. Trong Công ước quốc tế về Quyền của NKT, Luật NKT và Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 đều đã có các quy định liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của NKT, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả. Sự nghèo đói về thông tin của NKT nói chung, người khiếm thị nói riêng đang trở thành nhu cầu khẩn thiết. Họ rất cần được tiếp cận đầy đủ, bởi đây là cơ sở để NKT nâng cao nhận thức dẫn đến hành động, tham gia đầy đủ vào xã hội.

Người khiếm thị và nhu cầu tiếp cận thông tin

Theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn một triệu người mù trong tổng số hơn ba triệu người khiếm thị. Khó khăn với nhóm đối tượng này đầu tiên và quan trọng nhất là việc tiếp cận thông tin, do đặc thù của người mù không nhìn được bằng mắt. Sự ra đời của Luật NKT và việc Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của NKT đã tạo điều kiện thuận lợi cho NKT hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên, việc tiếp cận và sử dụng thông tin của NKT nói chung, người khiếm thị nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở.

Anh 1 CVDXH bai 1

Hiện nay, các trường chuyên biệt cho học sinh khiếm thị số lượng rất ít và chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… Tại các trường này, số học sinh khiếm thị theo học cũng không nhiều so với hàng ngàn trẻ em khiếm thị trong độ tuổi đi học. Tài liệu học tập còn thiếu rất nhiều và hầu hết các em phải dùng chung sách giáo khoa bằng chữ nổi do chi phí sản xuất các loại sách này khá lớn. ở các địa phương khác, các vùng nông thôn, miền núi, trẻ khiếm thị càng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận thông tin, hòa nhập với cộng đồng do các em không được học chữ nổi, việc học tập, trau dồi kiến thức đối với các em gần như là “vô vọng”. Thiếu sách và tài liệu là nguyên nhân chính khiến học sinh khiếm thị mất cơ hội học tập.

Đối với người khiếm thị trưởng thành, do không nhìn thấy, không thể đọc sách, xem ti vi nên phương tiện tiếp nhận thông tin chủ yếu của họ là chiếc radio. Hầu như người khiếm thị nào cũng sở hữu một chiếc radio vừa làm bạn, vừa làm thầy cho quá trình tiếp cận tri thức của mình. Riêng với các hội viên của Hội người mù, ngoài radio, họ còn có thêm kênh thông tin nữa là Tạp chí Đời mới bằng chữ nổi và bản thu bằng âm thanh. Tuy nhiên, Tạp chí xuất bản 2 tháng một số, cũng đồng nghĩa với việc các hội viên 2 tháng mới được đọc một lần và không phải ai cũng có thể sở hữu riêng một cuốn. Do kinh phí hạn hẹp nên Tạp chí mới phát hành đến cấp huyện hội, các hội viên phải truyền tay nhau đọc. Tính trung bình mỗi huyện hội có khoảng 100 hội viên thôi thì khi Tạp chí đến được với người cuối cùng thì đã không còn đọc được nữa do chữ nổi đã bị xẹp hết.

Trong điều kiện thời đại tri thức, nền kinh tế tri thức như hiện nay, không có cơ hội được học tập, không được tiếp cận với thông tin, với tri thức NKT nói chung, người khiếm thị nói riêng khó có thể tìm kiếm cơ hội học tập, làm việc và hòa nhập cộng đồng.

Sách kỹ thuật số dễ tiếp cận - cơ hội mới cho người khiếm thị

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Có thể nói, công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trên thế giới. Với NKT nói chung và người khiếm thị nói riêng thì công nghệ thông tin cũng đang là cầu nối giúp họ hòa nhập với cộng đồng khi có những công cụ hỗ trợ chuyên dụng giúp NKT tiếp cận được với thông tin bên ngoài qua internet.

Trong những năm trở lại đây, nhiều người khiếm thị Việt Nam đã sử dụng được máy tính và bước đầu tiếp cận được với thông tin qua internet, tuy mặt bằng tiếp cận vẫn ở mức hạn chế nhưng đây đang là sự lựa chọn tốt cho cộng đồng. Đặc biệt là khi các thiết bị cầm tay thông minh như điện thoại thông minh, máy tính bảng được nhiều bạn trẻ khiếm thị sử dụng để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống và công việc.

Anh 2 CVDXH bai 1

Việc sử dụng, tiếp cận thông tin của người khiếm thị qua mạng internet hiện nay có hai dạng: sách điện tử (text book) và sách âm thanh (Audio book). Với sách điện tử thì hiện trung tâm tin học vì người mù Sao mai đã sản xuất một số cuốn sách dưới dạng file để học sinh đọc được trên máy tính. Với định dạng sách này học sinh có thể tiếp cận được với nội dung nhưng với các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học…. thì loại sách này rất khó thể hiện và học sinh khó tiếp cận. Với loại sách âm thanh (hay còn gọi là sách nói) thì cũng đã có một vài trung tâm sản xuất sách nói như thư viện sách nói Hướng Dương, trung tâm Sao Mai... và số lượng đầu sách cũng khá lớn kể cả sách giáo khoa cho học sinh và sách tham khảo. Tuy nhiên, do độ dài mỗi file âm thanh khoảng 30 – 40 phút thì đó lại là rào cản với người khiếm thị khi họ muốn truy cập đến một nội dung nào đó trong cuốn sách. Chính vì lý do này khiến sách nói hiện tại trở nên khó sử dụng với người khiếm thị.

Để người khiếm thị Việt Nam tiếp cận và sử dụng thông tin một cách dễ dàng, linh hoạt hơn, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và thiết bị (máy tính, headphone phòng thu..) của Tổ chức Phát triển công nghệ trợ giúp của Nhật Bản, nhóm Điểm tựa thuộc Trung tâm PHCN cho người mù trẻ đã học tập, nghiên cứu và trở thành trung tâm nguồn sản xuất các loại sách kỹ thuật số dễ tiếp cận cho NKT chữ in tại Việt Nam. Bộ sách kỹ thuật số dễ tiếp cận cho NKT (viết tắt là DAISY) là một định dạng chuẩn quốc tế giúp xây dựng các sách điện tử tích hợp âm thanh, hình ảnh và văn bản trong cùng một tài liệu. Với tính năng vượt trội, DAISY cho phép NKT, đặc biệt là người khiếm thị có thể tra cứu thông tin một cách dễ dàng bằng cách di chuyển giữa các tiêu đề và nội dung sách. NKT chữ in có thể sử dụng rất nhiều phương tiện như điện thoại, máy tính, thiết bị chuyên dụng có thể đọc sách Daisy, họ có thể di chuyển đến phần, trang, chương hoặc từ khóa nào trong quyển sách một cách dễ dàng. Đây là điều mà trước đây họ không thể làm được khi sử dụng các tài liệu dưới dạng audio hay mp3.

Sách Daisy hiện đang được phát triển ở rất nhiều nước phát triển và đang phát triển trên thế giới. Nhóm Điểm tựa cam kết trở thành nơi sản xuất loại sách này giúp học sinh viên dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc học tập của họ.

Theo chị Đào Thu Hương, Trưởng nhóm Điểm tựa: “Hiện nay, trên thế giới đã có một Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (MIVPT- Hiệp ước Marrakesh). Cùng với các luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp ước Maraket giúp NKT chữ in tiếp cận thông tin và chia sẻ thông tin dễ dàng hơn giữa các quốc gia. Hiện có 20 nước phê chuẩn Hiệp ước Marrakesh và Hiệp ước này đã có hiệu lực. Tôi rất mong Việt Nam sớm ký Hiệp ước Marrakesh để NKT chữ in và người khiếm thị có cơ hội mở ra cánh cửa tiếp cận dễ dàng hơn”.  

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Công nghệ thông tin , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi