Người khuyết tật thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, do sự khiếm khuyết cơ thể, các chức năng xã hội của họ có thể bị suy giảm. Vì vậy, đội ngũ nhân viên công tác xã hội chính là cầu nối giúp họ tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài, phát huy nguồn lực bên trong để họ trở nên mạnh mẽ hơn, có khả năng sống độc lập và tham gia vào các hoạt động lao động, học tập như những người bình thường. Để làm được điều này, đòi hỏi những người làm công tác xã hội cần được trang bị những kỹ năng cần thiết trong quá trình làm việc với người khuyết tật tại cộng đồng.
Hoạt động vui chơi của người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề cho NKT tỉnh Bình Dương
Vai trò của công tác xã hội nhóm với NKT
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tiến, Trưởng khoa Công tác xã hội, học viện Thanh, thiếu niên Việt Nam: Công tác xã hội nhóm là một phương pháp của Công tác xã hội nhằm tạo dựng và phát huy sự tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực giữa các thành viên, giúp củng cố, tăng cường chức năng xã hội và khả năng giải quyết vấn đề, thỏa mãn nhu cầu của nhóm. Thông qua sinh hoạt nhóm, mỗi cá nhân hòa nhập, phát huy tiềm năng, thay đổi thái độ, hành vi và khả năng đương đầu với những vấn đề của cuộc sống, tự lực và hợp tác giải quyết vấn đề đặt ra vì mục tiêu cải thiện hoàn cảnh một cách tích cực.
Cũng như các phương pháp công tác xã hội khác, mục đích chính và cao cả của Công tác xã hội nhóm là hướng đến việc tạo ra môi trường, bối cảnh mang lại sự tự tác động, điều chỉnh, cải thiện hoàn cảnh, giải quyết vấn đề cho nhóm đối tượng có vấn đề xã hội hay gặp phải những nan đề cuộc sống. Công tác xã hội nhóm tạo ra bối cảnh trong đó các cá nhân hỗ trợ lẫn nhau, làm cho cá nhân và nhóm có khả năng ảnh hưởng và thay đổi tích cực, giải quyết các vấn đề của cá nhân, của nhóm, của tổ chức và của cộng đồng. Tiến trình công tác xã hội nhóm là quá trình bao gồm các bước hoạt động thể hiện sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm với nhau và với người làm công tác xã hội – tác nghiệp trợ giúp nhóm nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Thực chất tiến trình công tác xã hội nhóm là trình tự các bước, các nội dung hoạt động được xác lập trong kế hoạch hỗ trợ đối với một nhóm xã hội cụ thể của người trợ giúp dựa trên các yêu cầu về chuyên môn công tác xã hội. Công tác xã hội nhóm hoạt động theo các nguyên tắc: cá biệt hóa, chấp nhận đối tượng, tôn trọng quyền tự quyết của đối tượng, nhóm cùng tham gia giải quyết vấn đề, giữ bí mật thông tin liên quan đến cá nhân cũng như đảm bảo và thể hiện sự tương đồng trải nghiệm, nguyên tắc đảm bảo và thể hiện sự tương đồng trải nghiệm, học tập từ sự tương tác và nguyên tắc bộc lộ bản thân.
Công tác xã hội nhóm với NKT hướng tới mục đích chung là giúp cá nhân NKT thuộc nhóm thỏa mãn nhu cầu, cảm nhận được sự an toàn, được chia sẻ, được cảm thông, được yêu thương gắn bó, được khẳng định, thực hiện hỗ trợ, tương tác trong giải quyết các vấn đề, tiến tới sự tự trợ giúp. Môi trường hoạt động của Công tác xã hội nhóm tạo ra những điều kiện, những cơ hội cho các cá nhân NKT được chia sẻ, học hỏi và giải quyết vấn đề gặp phải.
Một số kỹ năng Công tác xã hội nhóm với NKT
Để đạt được mục đích đề ra, các nhân viên công tác xã hội làm việc nhóm với NKT cần có những kỹ năng cơ bản. Đó là: kỹ năng nhận thức trong giao tiếp với NKT, kỹ năng xác định giá trị đối với NKT, kỹ năng quan sát, lắng nghe tích cực cũng như kỹ năng tổ chức trò chơi cho NKT.
Kỹ năng nhận thức trong giao tiếp với NKT: NKT là những người chịu nhiều thiệt thòi, do có khiếm khuyết trên cơ thể khiến họ mất tự tin, sống khép kín, ngại giao tiếp. Để hỗ trợ họ, trước hết nhân viên công tác xã hội cần giúp họ tự nhận thức về bản thân mình. Tự nhận thức là việc cá nhân có khả năng nhận biết, đánh giá được một cách rõ ràng về chính bản thân mình như tính cách, thói quen, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, năng lực, động cơ, cảm xúc, dáng vẻ bề ngoài, các quan hệ cá nhân cũng như vị thế xã hội của bản thân trong mối tương quan với đối tượng giao tiếp và môi trường xung quanh. Từ sự nhận thức đó giúp họ hình thành tâm thế, đặt ra mục tiêu phấn đấu cho cá nhân, xây dựng sự tự tin và tự tôn của bản thân đồng thời điều chỉnh cái tôi (suy nghĩ, thái độ và hành vi) để hướng tới sự hoàn thiện bản thân. Kỹ năng tự nhận thức cũng giúp cho NKT thích nghi tốt hơn với môi trường sống, đưa ra những quyết định và giao tiếp hiệu quả.
Kỹ năng xác định giá trị là cơ sở để NKT có thái độ và định hướng cho hoạt động và hành vi của mình(Trong ảnh: Ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT, TMC Việt Nam trò chuyện cùng NKT tại Hải Phòng)
Mỗi con người trong chúng ta đều ẩn chứa trong mình một bản sắc độc đáo, riêng biệt, đều sở hữu những điểm đáng tự hào cũng như những khiếm khuyết nhất định. Không có ai là người tuyệt đối hoàn hảo, cũng không có ai là vô dụng hay chỉ toàn nhược điểm. Kỹ năng tự nhận thức không chỉ giúp chúng ta hiểu bản thân mình mà còn biết tôn trọng, chấp nhận người khác với những gì họ có, biết học hỏi những điểm mạnh, điểm tốt của họ.
Kỹ năng kỹ năng xác định giá trị đối với NKT: Đây là cơ sở để NKT có thái độ và định hướng cho hoạt động và hành vi của mình, giúp họ thấy rõ được ý nghĩa giá trị của bản thân và biết tôn trọng giá trị của người khác. Giá trị của mỗi cá nhân NKT là niềm tin, chính kiến, đạo đức, thái độ, cách suy nghĩ và hành động của họ, có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Xác định giá trị là xác định rõ, hiểu rõ quan điểm sống, niềm tin, mục đích sống của bản thân và người khác để từ đó đạt được tính nhất quán, thống nhất trong ứng xử, thể hiện được giá trị của bản thân trong giao tiếp. Quá trình xác định giá trị chính là quá trình lắng nghe bản thân, lắng nghe người khác để hiểu rõ được bản thân muốn gì, cần gì và tin tưởng những gì; để có thể so sánh, phân tích và chấp nhận sự khác biệt trong giao tiếp, trong động cơ giao tiếp và từ đó điều chỉnh một cách hài hòa các hành vi.
Tuy nhiên, việc xác định giá trị không phải là một điều dễ dàng, vì hình thành giá trị cần cả một quá trình lâu dài và chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố: gia đình, nhà trường, xã hội, nền văn hóa, bạn bè, phương tiện truyền thông, sự trưởng thành của bản thân, …Giá trị mà mỗi người hướng tới có thể giống hoặc khác nhau, chúng ta cần tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt đó. Những giá trị mà mỗi người lựa chọn có thể ổn định, bền vững, nhưng cũng có thể thay đổi theo thời gian, sự trưởng thành bản thân và các tác động khách quan.
Một số tiêu chí xác định giá trị đối với bản thân NKT: Xem xét điều đó có ý nghĩa với bản thân và xã hội không? Xem xét điều đó có quan trọng đối với cuộc sống của mình không? Xem xét đó có phải là điều quý giá mà mình phải bảo vệ và giữ gìn không? Xem xét điều đó có luôn định hướng/chi phối hành động của mình không?
Kỹ năng quan sát là khả năng nhìn nhận, xem xét các biểu hiện giao tiếp phi ngôn ngữ như cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, hành vi... để nhận biết những diễn biến tâm lý, những suy nghĩ của đối tượng giao tiếp nhằm thu thập thông tin, so sánh chúng với các thông tin qua ngôn ngữ để khẳng định tính xác thực của thông tin và hiểu chính xác đối tượng giao tiếp. Trong thực tế giao tiếp, ngôn ngữ và phi ngôn ngữ không hoàn toàn thống nhất. Để hiểu được thực chất vấn đề, để chắt lọc những thông điệp chính xác, nhân viên công tác xã hội cần phải quan sát tinh tế những đặc điểm và nội dung như những biểu lộ trên khuôn mặt (ánh mắt, nét mặt, nụ cười), quan sát dáng vẻ bề ngoài (trang phục, trang điểm, trang sức), quan sát tư thế và động tác, quan sát bối cảnh giao tiếp (khoảng cách, vị trí, phương tiện). Để rèn luyện kỹ năng quan sát cần xác định rõ mục đích quan sát, quan sát một cách toàn diện và có trọng điểm, quan sát theo trình tự, quan sát phải thường xuyên, liên tục đồng thời sử dụng các phương tiện hỗ trợ để quan sát hiệu quả.
Kỹ năng lắng nghe tích cực: Đây là khả năng ngừng suy nghĩ và làm việc của mình để hoàn toàn tập trung vào những gì mà đối tác đang nói. Bởi đôi lúc chúng ta có thể “nghe” nhưng không lắng nghe, do vậy cũng sẽ không “nghe thấy”; cho nên lắng nghe không thể thực hiện cùng một lúc với những hoạt động khác. Do vậy, lắng nghe tích cực là yếu tố cần thiết để quá trình giao tiếp đạt được hiệu quả.
Lắng nghe có vai trò quan trọng không chỉ đối với người nghe mà còn rất có ý nghĩa đối với người nói. Đối với người nghe: sẽ thu thập được nhiều thông tin hơn. Lắng nghe thể hiện sự tôn trọng người nói làm cho họ hài lòng. Hiểu được tính cách, quan điểm,… của người nói như vậy chúng ta sẽ điều chỉnh được cách ứng xử cho phù hợp. Đối với người nói sẽ thỏa mãn nhu cầu được chia sẻ, được thông cảm ở người nghe.Tạo điều kiện để người nói thể hiện quan điểm, ý tưởng và khuyến khích họ đưa ra quan điểm ý tưởng.
Lãnh đạo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Đắc Lắc với nhóm người khuyết tật chuẩn bị tham dự Liên hoan Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc năm 2014
Để lắng nghe có hiệu quả, cần phải chú ý rèn luyện các kỹ năng: Tập trung chú ý vào người nói, duy trì giao tiếp bằng ánh mắt một cách thường xuyên, để thể hiện bạn đang muốn nghe. Biết đặt câu hỏi để kiểm tra lại thông tin và khuyến khích người nói phát triển vấn đề. Bộc lộ sự quan tâm tập trung chú ý vào người nói qua tư thế, điệu bộ, cử chỉ và ánh mắt. Biết giữ im lặng khi cần thiết, đồng thời, tránh sự phân tán bởi những cử chỉ như gõ bàn, bấm bút bi, nhìn sang chỗ khác, lau bàn...khi đang lắng nghe.
Kỹ năng tổ chức trò chơi cho NKT: Có thể nói trò chơi có tác dụng đặc biệt đối với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật. Thông qua hoạt động này giúp các em phát triển được mọi mặt theo các tiêu chí giáo dục của nhóm và xã hội đó là: giáo dục đạo đức, trí tuệ, thể lực, lao động và thẩm mĩ.
Trò chơi mang lại cho trẻ khuyết tật những kiến thức khi mô phỏng lại cuộc sống hoạt động của xã hội, của tự nhiên - môi trường. Thông qua trò chơi các em hiểu được cuộc sống xã hội nhiều hơn. Hiểu được các hiện tượng tự nhiên, môi trường sống xung quanh. Đặc biệt với đời sống xã hội, trò chơi giúp các em chuẩn bị kiến thức sống để chuẩn bị gia nhập thế giới người lớn. Đây cũng là phương tiện giao tiếp gây tình cảm thân thiện, giúp trẻ khuyết tật – vốn có xu hướng nhút nhát, sống khép mình đến với nhau, làm quen nhanh nhất, giúp các em dễ hòa nhập, gây được những tình cảm thân thiện ban đầu. Trong hoạt động nhóm với trẻ khuyết tật, nhân viên xã hội biết vận dụng để tổ chức các trò chơi ngay từ buổi giao tiếp ban đầu với trẻ em sẽ gây được ấn tượng tốt, là điều kiện để giao tiếp, hòa nhập với các em.
Có thể nói, Công tác xã hội nhóm với NKT là một hoạt động đặc thù, đòi hỏi nhân viên Công tác xã hội không chỉ có tâm huyết, lòng nhiệt thành, trách nhiệm mà còn phải nắm bắt được các kỹ năng cơ bản, cần thiết như trên. Chỉ có vậy, hoạt động Công tác xã hội nhóm với NKT mới đạt hiệu quả tốt nhất, giúp NKT khắc phục những khó khăn, rào cản, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Sau 5 năm thực hiện Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020: Kết quả và những vấn đề cần được quan tâm - 14/03/2017 07:42
- Sẵn sàng cho kỳ Đại hội thành công, tiết kiệm - 14/03/2017 03:21
- Phục hồi chức năng sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Cơ hội để người lao động tái hòa nhập cộng đồng - 03/03/2017 03:18
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Nỗ lực vận động nguồn lực, hỗ trợ NKT, TMC hòa nhập xã hội - 03/03/2017 03:13
- Phát huy vai trò tôn giáo trong hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề - 27/02/2017 07:06
Các tin khác
- Thực hiện quyền của phụ nữ khuyết tật trên cơ sở bình đẳng giới - 04/01/2017 03:37
- Nhu cầu và cơ hội tiếp cận thông tin của người khiếm thị - 22/12/2016 04:18
- Mạng xã hội - Phương tiện hữu ích trong quá trình hòa nhập của NKT - 02/12/2016 04:17
- Nâng cao kỹ năng sống cho NKT - 02/12/2016 03:25
- Truyền thông với vấn đề hòa nhập người khuyết tật - 21/11/2016 03:38