Chị Nguyễn Thị Hiền sống cùng hai người con tại ngôi nhà sát quốc lộ 1A, thuộc xóm Ba Giang, xã Phù Việt (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Người phụ nữ 42 tuổi có dáng thanh thoát, nụ cười giòn tan, từng có những lúc cảm thấy cuộc đời bế tắc.
Là con gái thứ trong một gia đình nông dân có đông anh em, 18 tuổi chị lấy chồng, làm nghề buôn nón lá sinh sống. Khi hai con còn nhỏ thì tai họa ập tới. Năm 2002, chồng bị tai nạn, chị chạy vạy lo tiền chữa trị. Nhưng anh không qua khỏi, để lại vợ cùng hai người con thơ dại trong cảnh nghèo đói, túng quẫn vì khoản nợ thuốc thang cho chồng.
Nghề sửa xe đạp giúp chị nuôi con khôn lớn
Câu hỏi làm nghề gì để sống khi vốn đã cạn, không thể tiếp tục nghề buôn nón lá khiến chị suy nghĩ nhiều đêm. Nhìn hai con nheo nhóc, nghĩ về những ngày tháng dài đằng đẵng phía trước, người vợ trẻ lại ứa nước mắt.
Ngày trước, thỉnh thoảng chồng sửa xe cho hàng xóm, anh mất đi tài sản để lại là hai chiếc cờ lê và mỏ lết. Trong đầu chị Hiền thoáng ý nghĩ sửa xe đạp kiếm sống. “Nhưng biết sửa thế nào khi chưa từng được ai bày vẽ”, chị đặt câu hỏi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định che bạt, mở một lều nhỏ ngay trước ngõ để sửa xe.
Lấy tay khẽ lau giọt mồ hôi lăn dài trên gò má, chị kể thời gian đầu chỉ vá xe, sau đó có người xe bị hư ổ bi, hoặc rơi trục, hỏng bàn đạp…, thì cũng cầm cờ lê lên tháo ốc ra rồi tìm quy luật để sửa. “Nhiều lúc sửa không được, tôi tới hỏi các thợ sửa xe đạp nhờ họ tới chỉ cách. Gần một năm, tôi nắm rõ cơ bản cách vận hành của một chiếc xe đạp, sau đó thì sửa thành thạo, dù là lỗi khó nhất”, chị nói.
Chị làm suốt từ sáng tới khuya, mong sao có đủ tiền trả nợ, nuôi con. Nhiều khi thèm một giấc ngủ trưa, nhưng chị không dám. Hễ rảnh chị lại nấu rượu, nuôi thêm con lợn để kiếm thêm thu nhập. Có khi đang chợp mắt được một chút thì khách hàng gọi, chị lại thoăn thoắt cờ lê tháo lắp, sửa xe. Chỉ chưa đầy 30 phút, chị đã thay xong chiếc lốp và khắc phục lỗi hỏng ổ bi bánh sau của xe đạp. Tùy vào mức độ hỏng, chị đưa ra mức giá 10.000-100.000 đồng cho mỗi lần sửa, trường hợp cụ già hoặc học sinh, nhiều khi chị không lấy tiền.
“Ngày trước, người ta đi xe đạp nhiều nên rất đông người sửa, làm không hết việc. Số xe đạp trong nhà bây giờ chỉ bằng 1/10 so với trước kia, một ngày được khoảng 2 khách, vì thế tôi mở thêm rửa và vá xe máy”, chị nói.
13 năm qua, một mình chị Hiền chèo lái cả gia đình qua cơn bĩ cực, nợ nần đã trả hết. Căn nhà tranh tồi tàn trước kia giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố với nhiều vật dụng đắt tiền.
Hai cháu Nguyễn Phương Thảo và Nguyễn Huy Hoàng (đang học lớp 8 và 10) đều ý thức được hoàn cảnh, rất chăm ngoan và nghe lời mẹ. Ngoài giờ đi học, hai cháu ở nhà phụ giúp mẹ sửa xe. Mơ ước lớn nhất của chị Hiền là sau này các con trưởng thành, có một nghề nghiệp ổn định.
Nhắc tới chuyện tình duyên, chị e thẹn bảo sống lẻ bóng 12 năm đã quen, nếu đi bước nữa con cái lại thêm khổ. “Mà đàn ông, nào ai thích phụ nữ suốt ngày người lấm dầu mỡ như tôi”, chị Hiền tủm tỉm nói rất hài lòng với cuộc sống, nghề nghiệp, gia đình hiện tại.
Ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Phù Việt cho biết, chị Hiền xuất thân trong một gia đình nghèo, ngày chồng mất phải tự bươn chải. Từ một hộ nghèo nay gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững. “Hiền là tấm gương vượt khó điển hình của xã, xứng đáng để mọi người noi theo”, ông Thuận nói.
Ngày nay, người đi xe đạp không còn nhiều, vì thế công việc của chị cũng giảm dần đi, tuy nhiên chị bảo sẽ gắn bó với nghề tới khi không còn sức, bởi nó đã cứu rỗi cả gia đình trong những ngày tháng cơ cực.
Nể phục chị Hiền, nhiều người đã làm câu vè ca ngợi sự vượt khó của người phụ nữ nhỏ nhắn, có nụ cười tỏa nắng: “Ba Giang kẻ đến người đi/ Chị Hiền ngồi đó, một mình sửa xe”.
Nguồn: http://vnexpress.net
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- Nữ hoàng điền kinh và nụ cười trước mọi bão giông - 22/12/2015 03:29
- Những tấm gương vượt khó - 22/12/2015 03:21
- Góp niềm tin, sức mạnh cho người đồng cảnh - 22/12/2015 03:16
- Giám đốc khuyết tật truyền nghề cho người đồng cảnh - 15/12/2015 03:47
- Tri thức là điểm tựa chinh phục thành công - 15/12/2015 03:43