Kể từ khi đôi mắt hoàn toàn chìm vào bóng tối, từ một thanh niên năng động, hoạt bát, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, tôi trở nên ít nói, trầm tính và ngày càng mặc cảm, tự ti... Cho đến một ngày, câu chuyện về những tấm gương nghị lực vượt khó cứ thế ngấm dần vào tâm trí tôi, bắt tôi phải thay đổi cách nhìn về khuyết tật của mình.
Không đầu hàng số phận
Tuổi đôi mươi, độ tuổi sung sức nhất và ấp ủ nhiều hoài bão ước mơ thì tôi mắc căn bệnh viêm màng bồ đào. Từ một cậu thanh niên sáng mắt, có thể lao động tự lập cuộc sống của bản thân, bỗng chốc tôi thành người khiếm thị.
Phải bắt đầu làm quen với cuộc sống trong bóng tối, khiến tôi cảm thấy làm việc gì cũng khó, mặc dù đó chỉ là những việc đơn giản như đi lại, sinh hoạt cá nhân và điều tôi buồn nhất khi tôi không còn khả năng tiếp tục công việc mưu sinh hàng ngày.
Sau nhiều nỗ lực vượt qua rào cản của số phận, anh Huỳnh đã tự tạo lập một công việc ổn định và có một tổ ấm hạnh phúc
Nỗi mặc cảm, tự ti trong tôi lớn dần biến tôi trở thành một thanh niên khó tính, hay cáu gắt và xa lánh mọi người. Cho đến một ngày tôi chịu lắng nghe những lời động viên, sẻ chia của người thân, bè bạn, được nghe kể nhiều câu chuyện nghị lực về những em bé khuyết tật, về những người bạn, người anh, người chị đồng tật, tuy những số phận ấy bất hạnh hơn tôi gấp nhiều lần, nhưng họ vẫn kiên cường đối đầu với nó để lao động, học tập và trở thành người có ích cho xã hội.
Những câu chuyện về những tấm gương nghị lực vượt khó cứ thế ngấm dần vào tâm trí tôi, bắt tôi phải thay đổi cách nhìn về khuyết tật của mình, tìm cách chấp nhận thực tế và làm quen với cuộc sống mới đầy khó khăn.
Tôi quyết định bước qua rào cản của số phận để hòa nhập với cộng đồng. Việc đầu tiên tôi làm là đăng ký tham gia sinh hoạt tại Hội người mù quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh và bắt đầu đi học chữ nổi, học cách giao tiếp, đi đứng, tránh chướng ngại vật…
Với mong muốn được làm việc và không trở thành gánh nặng của gia đình nên tôi tiếp tục tham gia lớp học masage do Hội người mù quận Tân Phú tổ chức. Để nâng cao tay nghề, hiểu biết sâu hơn về nghề, sau khóa học, tôi đăng ký học tiếp lớp day ấn huyệt, massage.
Trải qua 2 khóa học nghề, tôi đã xin được việc làm tại một cơ sở xoa bóp bấm huyệt trong thành phố. Tuy thu nhập không cao nhưng điều đó mang lại cho tôi niềm vui, giúp tôi xua bớt mặc cảm và có thêm nghị lực để không đầu hàng số phận.
Truyền nghề cho người đồng cảnh
Sau một thời gian làm việc, tay nghề của tôi thành thạo hơn rất nhiều, điều đó đã mang lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định. Nhưng do phải làm việc trong nhiều giờ khiến mọi sinh hoạt của tôi bị thay đổi, cũng vì lẽ đó nên tôi mắc căn bệnh lao phổi.
Vừa cố gắng điều trị bệnh, tôi vừa tham gia khóa học chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại Viện Y Dược học Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh. Nhận được chứng chỉ Kỹ thuật viên châm cứu nhưng tôi vẫn muốn học tập, tìm hiểu chuyên sâu hơn về nghề nên tiếp tục tham gia khóa học về phương pháp châm cứu Nhật Bản. Sự chịu khó học hỏi, miệt mài học nghề đã giúp tôi biết cách chẩn đoán bệnh, châm cứu, kê đơn, bốc thuốc và nắm được các phương pháp trị liệu khác theo phương pháp chữa bệnh của Đông y.
Là hội viên đầu tiên của Hội người mù quận Tân Phú quyết tâm đI theo nghề massage và chịu khó tham dự thêm các khóa học nâng cao tay nghề, nhờ thế tôi đã tích luỹ được vốn kinh nghiệm khá vững vàng. Từ một người thợ massage, tôi dần chuyển sang làm nghề xoa bóp bấm huyệt, châm cứu chữa bệnh. Trong quá trình làm việc, tôi cũng đã sáng tạo ra nhiều dụng cụ có cách thức sử dụng phù hợp, an toàn với người khiếm thị.
Với một phòng khám nhỏ được thành lập sau hơn 4 năm miệt mài học nghề, đến nay do có được sự tin tưởng, tín nhiệm của số đông người bệnh nên tôi bàn với người thân xây dựng một cơ sở khám chữa, chẩn trị bằng phương pháp y học cổ truyền, nhằm đáp ứng nhu cầu chữa bệnh và cũng là cơ hội để tôi thực hiện được ước nguyện truyền nghề cho những người đồng cảnh. Nhưng vì không có đủ khả năng nên tôi quyết định viết đơn đề nghị Hội tạo điều kiện hỗ trợ cho vay vốn. Nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của Ban Lãnh đạo Hội, cũng như được các y, bác sĩ trạm Y tế phường giúp đỡ, tôi đã có được kinh phí xây dựng một cơ sở khám chữa rộng rãi, khang trang.
Bằng kinh nghiệm hành nghề và tạo dựng được uy tín với bệnh nhân, đã giúp cho công việc của tôi thêm thuận lợi. Tôi đã sớm hoàn trả được số vốn ban đầu do Hội hỗ trợ và thực hiện được ước nguyện nhận truyền nghề miễn phí, tạo việc làm cho một số hội viên đồng cảnh yêu thích nghề xoa bóp bấm huyệt.
Không chỉ chăm lo phát triển cơ sở, tạo dựng uy tín với người bệnh ở khắp mọi nơi, tôi còn dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng một số đoàn bác sỹ trong nước, quốc tế đi tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo thuộc các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tôi hy vọng với khả năng và vốn kiến thức, kinh nghiệm tích luỹ được, sẽ góp phần chữa lành bệnh cho mọi người, cũng như góp thêm sức mạnh, tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho người khiếm thị chiến thắng số phận, hoà nhập cộng đồng.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin mới
- 9X làm kính thông minh giúp người khuyết tật dùng máy tính - 24/12/2015 08:33
- Cô giáo Nguyệt giúp sinh viên ấm bụng - 24/12/2015 08:19
- Người phụ nữ 13 năm sửa xe nuôi con khôn lớn - 24/12/2015 07:51
- Nữ hoàng điền kinh và nụ cười trước mọi bão giông - 22/12/2015 03:29
- Những tấm gương vượt khó - 22/12/2015 03:21
Các tin khác
- Giám đốc khuyết tật truyền nghề cho người đồng cảnh - 15/12/2015 03:47
- Tri thức là điểm tựa chinh phục thành công - 15/12/2015 03:43
- Khơi dậy niềm tin cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:19
- Sống hướng thiện để cảm ơn cuộc đời - 30/10/2015 06:11
- Dịch vụ trợ giúp pháp lý và vui chơi giải trí cho người khuyết tật cần được quan tâm hơn nữa - 09/10/2015 05:53