Mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia cảnh nghèo khó nhưng Nguyễn Văn Dũng (huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh) và Phạm Thanh Hoài (huyện Cư M’gar - tỉnh Đắk Lắk) đều là những tấm gương sáng trong học tập. Bằng sự kiên trì trau dồi tri thức, hai học trò mồ côi nghèo đang từng ngày nỗ lực vượt khó để sớm thực hiện những ước mơ.
Học giỏi để làm chỗ dựa cho ông ngoại
Chưa từng được biết khuôn mặt cha, mẹ cũng đã qua đời cách đây 5 năm, thế nhưng vượt lên nỗi đau ấy, cậu sinh viên mồ côi Nguyễn Văn Dũng luôn cố gắng trở thành tấm gương sáng trong học tập.
Nhờ có ông ngoại động viên, Dũng đã nguôi ngoai nỗi buồn mất mẹ, vượt qua bệnh tật để đi tiếp chặng đường 5 năm học Đại học
Dũng tâm sự rằng, từ khi còn nhỏ, Dũng đã là một đứa trẻ yếu ớt, thường hay đau bệnh. Năm Dũng lên 3 tuổi, em bị một trận sốt cao để lại di chứng ở não khiến mẹ em phải chạy vạy khắp mọi nơi vay tiền chữa trị bệnh tình cho cậu con trai duy nhất của gia đình. Bởi cuộc sống quá khó khăn nên mẹ Dũng phải lao động rất vất vả mới có thể trả nợ và chăm lo cho Dũng được tới trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Nhưng khi bệnh tình của cậu học trò mồ côi dần ổn định, cũng là năm đầu tiên Dũng cắp sách tới trường thì mẹ em mắc bệnh suy thận, buộc phải nhập viện điều trị.
Không còn khả năng lao động, hai mẹ con Dũng phải sống dựa vào sự giúp đỡ, đùm bọc của người thân, anh em, họ hàng. Chẳng thể nào sống dựa mãi vào người thân, nên mẹ Dũng sau khi trải qua 3 đợt phẫu thuật đã gắng gượng đi tìm việc làm thuê để có thể tự lo lắng cuộc sống và không muốn là gánh nặng của gia đình.
Sau một thời gian điều trị, quả thận trái đã không còn khiến mẹ Dũng phải chịu đựng đau đớn, nhưng đến năm 2004, mẹ cậu học trò mồ côi nghèo tiếp tục bị hỏng quả thận phải, bởi vậy hàng tuần phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Trong lúc mẹ ốm nặng thì Dũng lại phát hiện bị ung thư xương gò má phải giai đoạn đầu.
Thương mẹ và thương cả bản thân mình, Dũng cố gắng sống lạc quan, chịu khó uống thuốc, điều trị bệnh theo phác đồ của bác sỹ. Tuy mẹ không thể chăm sóc, nhưng hàng ngày Dũng được ông ngoại ở bên động viên, khích lệ. Có được sự quan tâm của người thân, thầy cô, bè bạn và các mạnh thường quân giúp đỡ, căn bệnh của Dũng đã dần thuyên giảm với những tín hiệu vui.
Dũng cho biết: “Do căn bệnh của em mới ở giai đoạn đầu nên các bác sỹ đã có phương pháp điều trị, giúp em đẩy lùi sự nguy hiểm của căn bệnh ung thư. Tuy phải dành nhiều thời gian chữa bệnh nhưng em vẫn không quên việc học, hoàn thành bài trước khi tới lớp”. Sự chuyên cần trong học tập đã giúp Dũng giữ vững danh hiệu học sinh giỏi trong các năm học và thi đỗ cùng lúc hai Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên và Đại học Sao đỏ (Hải Dương).
Nhưng niềm vui chẳng trọn vẹn bởi ngày Dũng đón nhận tin vui thi đỗ đại học cũng là ngày cậu học trò mồ côi bố mất đi người mẹ luôn yêu thương Dũng hết mực. Không còn chỗ dựa về cả vật chất lẫn tinh thần, Dũng vừa đi học trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, vừa tranh thủ thời gian đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống và thuốc thang cho ông ngoại.
Dũng tâm sự, em sẽ nỗ lực học tập để hoàn thành xuất sắc năm học cuối cùng, phấn đấu đạt được tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi để sớm tìm được một công việc ổn định và có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho ông ngoại.
Ước mơ làm kỹ sư nông nghiệp
Cũng là học sinh giỏi nhiều năm liền và năm học nào cũng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán là thành tích học tập đáng nể của cô học trò mồ côi Phan Thanh Hoài.
Là con út trong một gia đình nông dân nghèo, vì con cái nheo nhóc, cuộc sống túng thiếu mọi bề nên bố của Hoài đã bỏ gia đình đi biệt tích từ khi em còn rất nhỏ. Một mình mẹ Hoài lam lũ, tảo tần lo lắng cho 3 người con đang ở độ tuổi tới trường.
Hoài chia sẻ: “Gia đình em quê gốc ở huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh. Theo chủ trương đi vùng kinh tế mới sau giải phóng nên cả gia đình em đã chuyển vào Đắk Lắk sinh sống. ở nơi đất khách quê người, ba thì bỏ đi, mẹ em lại sớm qua đời sau một tai nạn giao thông khiến chị em em trở thành những đứa trẻ bơ vơ, không người thân, họ hàng. Mặc dù vậy, chị em em luôn biết đùm bọc, yêu thương, cùng nhau vượt khó để trở thành trò giỏi”.
Cô học trò mồ côi nghèo đang nỗ lực từng ngày biến ước mơ làm kỹ sư nông nghiệp trở thành hiện thực
Nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của một người bạn đồng hương của người mẹ quá cố, Hoài và hai chị gái của mình đã có điều kiện được tiếp tục tới trường. Hoài vui lắm bởi chị gái lớn đã tốt nghiệp Đại học ngành Sư phạm và đã được nhận vào làm việc tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, chị gái thứ hai đang theo học ngành Sư phạm Tiểu học tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Riêng cô học trò mồ côi Phan Thanh Hoài là em út nên được các chị luôn quan tâm, bảo ban từng li từng tí nên học rất giỏi.
Có lẽ thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ nên Phan Thanh Hoài sớm biết tự lập trong cuộc sống, mạnh mẽ và năng nổ trong các hoạt động của trường, lớp. Cô học trò mồ côi nghèo còn là “ngôi sao học đường” trong mắt thầy cô, bạn bè ở tất cả các mặt học tập, rèn luyện, đó cũng là lý do Hoài được các thầy cô, bè bạn dành cho nhiều tình cảm, quý mến.
Với sức học nổi trội và thường xuyên lọt vào tốp dẫn đầu khối về thành tích học tập, cô học trò mồ côi giờ đây đang từng ngày trau dồi tri thức để mang lại thành tích cao cho ngôi Trường THPT Cư M’gar trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Toán lớp 12 sắp tới và phấn đấu thực hiện được ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đóa hướng dương vẫn nở - 07/01/2016 10:38
- 9X làm kính thông minh giúp người khuyết tật dùng máy tính - 24/12/2015 08:33
- Cô giáo Nguyệt giúp sinh viên ấm bụng - 24/12/2015 08:19
- Người phụ nữ 13 năm sửa xe nuôi con khôn lớn - 24/12/2015 07:51
- Nữ hoàng điền kinh và nụ cười trước mọi bão giông - 22/12/2015 03:29
Các tin khác
- Góp niềm tin, sức mạnh cho người đồng cảnh - 22/12/2015 03:16
- Giám đốc khuyết tật truyền nghề cho người đồng cảnh - 15/12/2015 03:47
- Tri thức là điểm tựa chinh phục thành công - 15/12/2015 03:43
- Khơi dậy niềm tin cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:19
- Sống hướng thiện để cảm ơn cuộc đời - 30/10/2015 06:11