Thứ ba, 15 Tháng 12 2015 10:47

Để có được cuộc sống đủ đầy như hôm nay, anh Nguyễn Tiến Lâm (thành phố Vũng Tàu - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã phải trải qua những quãng đời khó nhọc, thậm chí anh đã từng đến chùa xin quy y, nương nhờ cửa phật, vì muốn quên đi cái cuộc đời vốn dĩ không mang lại may mắn cho anh từ tấm bé. Bằng nghị lực, trí thông minh, sáng tạo, cùng sự động viên, khích lệ của gia đình, anh Lâm đã gây dựng cho mình một công việc ổn định. Với cương vị Giám đốc Công ty Truyền Tín, anh Lâm luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho người đồng cảnh được học nghề miễn phí và làm việc tại Công ty.

 

Trưởng thành từ trường đời

 

Người xưa thường có câu “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay” và với anh Nguyễn Tiến Lâm tuy chỉ có đôi mắt sáng, còn đôi tay đã bị teo cơ, co quắp, làm việc gì cũng gặp khó khăn nhưng anh vẫn nỗ lực vượt qua mọi rào cản để trở thành người có ích cho xã hội.

 

De an - Giam doc khuyet tat 1

Giám đốc Nguyễn Tiến Lâm luôn cố gắng giúp người đồng cảnh có cơ hội học nghề và tạo việc làm tại Công ty Truyền Tín

 

Anh Lâm kể rằng, ba mẹ và những người thân trong gia đình anh ai cũng dành cho anh một tình thương đặc biệt, không muốn anh phải chịu thêm thiệt thòi. Bởi vậy như bao bạn bè đồng trang lứa, anh được ba mẹ tạo điều kiện cho tới trường. Hồi còn cắp sách đi học, ngày nào anh cũng dậy từ sớm tự đến lớp để ba mẹ có nhiều thời gian làm việc, có thể lo lắng cho đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Không ỉ lại vào khuyết tật của mình, cùng với mọi thành viên trong gia đình, anh Lâm cũng tham gia phụ giúp ba mẹ việc nhà, đỡ đần các em, rồi tranh thủ thời gian chuyên tâm học tập.

 

Với anh Lâm được tới trường kiếm tìm cái chữ là niềm vui lớn lắm, bởi vậy anh đã khá kỳ công học cầm bút, tập viết, làm tính bằng bàn tay khuyết tật. Nhưng do gia cảnh túng thiếu, ba mẹ đã không thể lo lắng chọn vẹn cho anh và các em, vì vậy anh sớm phải từ bỏ ước mơ học tiếp lên Đại học. Phải bỏ dở việc học giữa chừng, anh xoay xở tìm việc làm thuê, tự bươn trải cuộc sống, nhưng là người khuyết tật nên không mấy ai chịu nhận anh vào làm, công việc nay có mai không.

 

Buồn bã mãi cũng chẳng ích gì, anh Lâm quyết định nhờ ba mẹ vay hộ một khoản tiền làm vốn, mở cửa hàng cho thuê băng đĩa. Việc kinh doanh đang thuận lợi thì dịch vụ Internet phát triển, người dân có thể tự tải về hoặc xem ca nhạc, phim trực tiếp qua mạng nên việc làm ăn dần thất bại và phải đóng cửa hàng. Cũng may khi đó anh Lâm đã trả được nợ và sử dụng khoản tiền tích cóp bấy lâu chuyển sang đầu tư buôn bán vật liệu xây dựng và mở thêm cửa hàng bán cà phê. Công việc xuôi chèo mát mái đã mang lại cho anh doanh thu khá, thế nhưng anh Lâm lại không thể tiếp tục kinh doanh vì sức khoẻ dần yếu đi.

 

Nghỉ ngơi, dưỡng sức một thời gian, anh Lâm buồn chán nên tìm đến nhà mấy người bạn chơi cho khuây khỏa. Trong lúc đang băn khoăn nên lựa chọn làm nghề gì cho phù hợp với sức khoẻ, anh Lâm chợt nghĩ đến cửa hàng bán, sửa chữa điện thoại, máy vi tính của một người bạn thân. Anh nhận thấy nghề này rất phù hợp với sức khỏe của một người khuyết tật nên anh đã mày mò tìm lớp học nghề, thỉnh thoảng lại tìm đến cửa hàng của bạn học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm. Năm 2005, anh Lâm đã quyết định thuê cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại di động, máy vi tính. Bằng sự nhiệt tình, chịu khó và luôn cố gắng giữ chữ tín với khách nên cửa hàng ngày một đông hơn, thu nhập dần ổn định.

 

Dạy nghề và tạo việc làm cho người đồng cảnh

 

Với số vốn ít ỏi ban đầu, anh Lâm chỉ dám thuê cửa hàng nhỏ hẹp 20m2 nhưng chỉ sau 3 năm, thấy nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng, vì thế anh đã mạnh dạn thuê căn phòng rộng gần 100m2.

 

Để thuận tiện cho công việc kinh doanh, anh Lâm quyết định thành lập Công ty Truyền Tín sau khi được ba mẹ, bạn bè động viên, khích lệ và cho vay thêm vốn đầu tư. Công ty ra đời mang lại cho anh nhiều hợp đồng mua thiết bị và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa cho các công ty, doanh nghiệp lớn trên khắp địa bàn tỉnh. Với giá cả hợp lý, luôn cố gắng giữ uy tín với khách hàng nên công việc kinh doanh của Công ty dần phát triển, mang lại doanh thu cao. Nhờ thế Giám đốc khuyết tật Nguyễn Tiến Lâm đã mua lại được căn nhà anh đang thuê làm trụ sở của Công ty.

 

De an - Giam doc khuyet tat 2

100% nhân viên là người khuyết tật được anh Lâm nhận vào làm việc tại Công ty

 

Từng lang thang, lặn lội khắp mọi nơi tìm việc làm nhưng bị từ chối khiến anh Lâm không hề đắn đo, suy nghĩ khi đưa ra quyết định nhận dạy nghề miễn phí và tiếp nhận người đồng cảnh vào làm việc.

 

Anh Lâm cho biết: “Với mong ước tạo ra nhiều việc làm cho những người khuyết tật, ngoài trụ sở chính của Công ty đặt tại thành phố Vũng Tàu, tôi đã nhân rộng thêm 2 chi nhánh đặt tại đường Lê Hồng Phong và đường Nguyễn Hữu Thọ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Hiện Công ty của tôi đã dạy nghề và tạo việc làm cho gần 30 lao động là người khuyết tật, mang lại thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”.

 

Giám đốc khuyết tật mừng lắm, bởi ngoài số nhân viên khuyết tật đang được làm việc tại Công ty, nhiều học viên khuyết tật có tay nghề vững sau khi tham gia khoá học nghề sửa chữa điện thoại di động, máy vi tính đã mạnh dạn mở cửa hàng kinh doanh như anh Lê Hoàng Giang (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), anh Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Bến Tre) hay anh Lê Văn Đại (tỉnh Bình Thuận)…

 

Giờ đây khi công việc kinh doanh ổn định, Giám đốc khuyết tật đã dựng xây cho mình một tổ ấm hạnh phúc bên vợ và các con. Công việc bận rộn không tránh khỏi có lúc khiến anh thấm mệt và muốn nghỉ ngơi, dành thời gian cho thú vui gây dựng một trang trại nhỏ. Nhưng rồi, anh Lâm vẫn không thể buông bỏ công việc kinh doanh của mình, bởi anh vẫn chưa an lòng khi còn rất nhiều người đồng cảnh cần có việc làm, cần được học nghề để vơi đi mặc cảm và có thể tự lập cuộc sống. Điều đó đã tiếp thêm quyết tâm để anh Lâm tiếp tục đầu tư cho công việc, mở rộng, phát triển thêm chi nhánh tại các tỉnh thành lân cận, để mang lại thật nhiều cơ hội mới cho người đồng cảnh.    

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Nguyễn Tiến Lâm , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi