Bước sang tuổi 50, cái tuổi ở bờ bên kia của sự nghiệp nhưng với vận động viên khuyết tật Nguyễn Thị Thủy (Hà Nội), đường chạy vẫn có sức hút đến kỳ lạ. Chính đường chạy đã giúp chị bùng lên năng lượng sống để thi đấu, mang về vinh quang cho Tổ quốc và tìm lại sự bình yên trước những sóng gió cuộc đời.
Kiên cường vượt qua bão giông
Từng là một người lành lặn, từng được thỏa sức đi trên đôi chân của mình đến với những địa danh khắp mọi miền đất nước, nhưng trên một chuyến tàu hỏa lên Tây Bắc để trải nghiệm, chị Nguyễn Thị Thủy đã vĩnh viễn mất đi bên chân trái, chấp nhận số phận của một người khuyết tật sau một tai nạn bất ngờ.
Nhớ lại cái ngày định mệnh ấy, chị Thủy vẫn cảm thấy sởn gáy bởi chỉ sau một cú ngã tưởng chừng chỉ cần sơ cứu đơn giản, vết thương sẽ sớm lành trở lại nhưng nào ngờ khi chị đến khám tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, vết thương đã bị hoại tử. Chị đau đớn, tuyệt vọng trước yêu cầu của bác sĩ phải cưa bỏ 1/3 bên chân trái khi mà tuổi đời vừa tròn 18. Cuối cùng, gia đình chị phải chấp nhận ký vào tờ giấy đồng ý phẫu thuật để bảo toàn tính mạng cho chị.
Với chị Thuỷ, đường chạy luôn giúp chị bùng lên năng lượng sống
Sau ca phẫu thuật, chị Thủy gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, cùng với đó là nỗi mặc cảm cứ lớn dần. May mắn, bên chị luôn có những người thân động viên, hỗ trợ, phần nào giúp chị vơi bớt u buồn, tự ti, mặc cảm. Sức khỏe dần ổn định, chị Thủy quyết định tìm việc làm để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Mặc dù là một phụ nữ khuyết tật nhưng chị không chỉ làm những việc nhẹ nhàng như nghề may, làm nhựa mà còn chấp nhận làm những công việc nặng nhọc như quai búa ở lò rèn để có thêm thu nhập. Với người phụ nữ khuyết tật này, công việc vất vả không khiến chị ái ngại mà càng giúp chị chứng tỏ mình là người có ích và là cách để chị quên đi nỗi buồn hàng ngày hiện hữu trên cơ thể.
Chị Thủy tâm sự: “Tôi từng đi làm rất nhiều công việc để quên đi nỗi buồn của số phận. Nhưng do làm việc quá sức trong thời gian dài nên sức khỏe của tôi yếu đi nhiều, bởi vậy anh trai tôi đã động viên và định hướng tôi theo học nghề may. Cũng từ khi học nghề may, tôi có dịp làm quen và tìm được bến đỗ cuộc đời”.
Từ khi có chồng bên cạnh làm chỗ dựa, là người bạn đồng hành, cùng chị đi tiếp chặng đường đầy chông gai khiến chị không còn thấy nản lòng trước mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Cùng nhau xây dựng hạnh phúc từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng chị Thủy chịu khó tảo tần làm ăn, tích cóp, tạo dựng được một ngôi nhà mới khang trang và luôn ấm áp, rộn vang tiếng cười của con trẻ.
Nhưng rồi, số phận một lần nữa thử thách khi lấy đi niềm hạnh phúc lớn lao của chị; bởi người bạn đời của chị mắc bệnh ung thư gan và qua đời chỉ sau khi ngôi nhà vừa khánh thành được gần 4 tháng.
Đứng dậy nhờ thể thao
Sau sự ra đi mãi mãi của chồng, chị Thủy đã ốm nặng và phải nhập viện điều trị. Sau trận ốm, chị đã bình tâm trở lại và quyết định tìm đến với thể thao khi được một bác sĩ gợi ý.
Vận động viên khuyết tật Nguyễn Thị Thuỷ (người bên trái) được chọn làm mẫu ảnh trên ấn phẩm Đẹp online của Thông tấn xã Việt Nam
Đến với niềm đam mê thể thao, hăng say tập chạy để quyết tâm chinh phục những đường đua khi đã bước sang tuổi 37 nhưng với chị Thuỷ, tuổi tác không ngăn được đam mê, không làm chị nản lòng trước những đường chạy dài 100m, 200m và thậm chí là 400m. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn đến với thể thao, chị Thủy tâm sự: “Thời điểm tôi bắt đầu tập luyện thể thao, bằng chiếc chân giả thô sơ được sản xuất ở Việt Nam khiến tôi gặp rất nhiều trở ngại và đau đớn. Nó làm mỏm chân cụt của tôi bị trầy xước, rỉ máu và đau đớn lắm. Điều đó đã khiến tôi bị lung lay và tôi từng hỏi liệu tôi có tiếp tục được không. Sau hàng loạt câu hỏi dồn dập xuất hiện trong suy nghĩ, lý trí của tôi đã không cho phép tôi dừng lại và chấp nhận thua cuộc. Tôi cố gắng chịu đau và lại đạp xe đến sân tập. Vết thương làm tôi đau đớn cũng dần lành và chính đường chạy đã giúp tôi bùng lên năng lượng sống để đi đến thành công”.
Cần cù, kiên trì tập luyện thường xuyên đã giúp chị có được bộ sưu tập hàng chục chiếc huy chương các loại ở trong nước và 17 chiếc Huy chương Vàng tại Giải Paragames. Chị cũng là vận động viên điền kinh sở hữu số lượng Huy chương Vàng đồ sộ nhất của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam, trong đó, thành tích ấn tượng nhất và cũng là dịp mọi người dành tặng cho chị danh hiệu “Nữ hoàng điền kinh” là kết quả 3 Huy chương Vàng tại Para games 7 (năm 2014) và đều phá 3 kỷ lục do chính chị xác lập được ở các kỳ thi đấu.
Và “Nữ hoàng điền kinh’’ khuyết tật vẫn quyết tâm chinh phục những đỉnh cao mới
mặc dù tuổi đời đã ở bờ bên kia của sự nghiệp
Với những thành tích đạt được trên những chặng đua trong nước và quốc tế đã giúp chị trở thành vận động viên đầu tiên và duy nhất của Việt được một tổ chức từ thiện của Mỹ dành tặng chiếc chân giả được làm bằng hợp chất nhựa cacbon và kim loại các bon, được dùng trong thi đấu thể thao dành cho các vận động viên khuyết tật.
Cũng bằng vẻ đẹp đằm thắm và sự tự tin vượt qua rào cản cuộc sống, chị đã được chọn làm mẫu ảnh trên ấn phẩm Đẹponline của Thông tấn xã Việt Nam.
Với những thành tích đạt được trong sự nghiệp thi đấu thể thao, Nguyễn Thị Thủy đã vinh dự được Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005 và 2014. Dù mái tóc đã điểm bạc, dù đôi lúc cũng chạnh lòng vì số phận hẩm hiu hay những cơn đau bất chợt do những buổi tập quá sức nhưng mỗi khi chị mỉm cười, có thể thấy nghị lực và niềm tin vào cuộc sống vẫn bừng lên trong ánh mắt của “Nữ hoàng điền kinh” khuyết tật.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ