Không có một cơ thể lành lặn, không có được xuất phát điểm thuận lợi, mọi việc đối với anh Nguyễn Trần Khiêm (Chi Hội trưởng Chi Hội người khuyết tật Niềm tin huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đều phải dựa vào sức mình để vượt qua, chinh phục cuộc sống. Nhưng cũng chính từ những gian lao, thử thách đó mà anh rèn luyện cho mình ý thức tự lập, sự tự tin trong cuộc sống, để từ đó tiếp thêm nghị lực và niềm tin để anh hình thành các ý tưởng hỗ trợ người đồng cảnh và xây dựng hạnh phúc lứa đôi của riêng mình.
Vượt lên nghịch cảnh
Nguyễn Trần Khiêm sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, từ nhỏ anh đã bị liệt đôi chân, suốt ngày chỉ lê lết chứ không đi lại được. 7 tuổi thì cha mất, một mình mẹ lo việc đồng áng và hàng ngày cõng Khiêm đến lớp. Thương mẹ vất vả, mong muốn giải thoát cho đôi chân gầy gò của mẹ, ngoài chăm chỉ học tập, Khiêm không ngừng nỗ lực để có thể tự đi trên đôi chân của mình với sự hỗ trợ của đôi nạng.
Anh Nguyễn Trần Khiêm
Tốt nghiệp THPT, anh Khiêm mất gần 7 năm để viết và gửi hồ sơ dự thi đại học đến nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước với mong muốn tìm được nghề phù hợp. Cuối cùng, anh được chấp nhận hồ sơ dự thi và trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng khi đã quá 30 tuổi. Khi anh Khiêm đang học năm cuối đại học thì mẹ bị bệnh nặng qua đời. Mất đi chỗ dựa về tinh thần và cả vật chất, anh bươn chải đủ nghề để kiếm sống và học tập. Thấy anh khuyết tật mà vẫn chịu thương, chịu khó, có một chú sửa đồng hồ ở gần chỗ anh trọ thấy thương quá nên gọi cậu sinh viên nghèo đến truyền nghề. Từ đó, anh có nghề mới mưu sinh để tiếp tục học.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử - tin học, anh Khiêm lại mất thêm 5 năm cho hành trình xin việc. Đôi chân teo tóp vì sốt bại liệt của anh đã đến gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan, công ty từ Bắc vào Nam, lên tận Tây Nguyên. Nhưng cuối cùng chỉ nhận về nỗi thất vọng tràn trề. Trở về quê nhà, với kiến thức đã có và sự sáng dạ về công nghệ - kỹ thuật, anh nhận sửa chữa máy móc, đồ điện, dạy nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn; dành dụm tiền, mua lại các máy tính ở vựa đồng nát về tận dụng, lắp ráp, sửa chữa. Từ những chiếc máy cũ hỏng cùng sự tận tụy của anh, một cơ sở đào tạo tin học cho NKT đã ra đời và thường xuyên liên kết với Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định dạy nghề cho các đối tượng từ NKT, học sinh, cán bộ, con em đồng bào Ba Na, H’Re, cả nông dân cũng đến học để ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Không chỉ dạy nghề tin học, đối với những học sinh cuối cấp không có điều kiện đi ôn luyện, học sinh nghèo muốn học nâng cao, luyện thi olympic, từ năm 1998 đến nay, anh Khiêm đã nhận dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo, khuyết tật. “Hơn 20 năm trôi qua, đến nay đã có nhiều bạn thành đạt, trở thành những kỹ sư vẫn thường xuyên liên lạc, tới thăm thầy vào các dịp lễ tết. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ đối với tôi”, anh Khiêm tâm sự.
Năm 2007, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bình Định thành lập Chi Hội người khuyết tật Niềm tin huyện Vân Canh. Anh Nguyễn Trần Khiêm được tín nhiệm giữ chức Chi hội trưởng. Cùng với tập thể, anh đã xây dựng được 7 nhóm tự lực của NKT gồm: Nhóm điện tử - tin học, nhóm gia công chổi đót, nhóm đan sợi nhựa giả mây, nhóm may gia công, nhóm mộc dân dụng, nhóm điêu khắc gỗ mỹ nghệ, nhóm ươm cây giống. Đến nay, Chi hội người khuyết tật Niềm tin đã có hơn 200 thành viên thuộc nhiều dạng tật khác nhau, có người khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật vận động, ai cũng được tạo cơ hội để học nghề, làm việc và có thu nhập, hoà nhập cộng đồng.
Xây dựng gia đình hạnh phúc
Hoạt động tại Chi Hội NKT Niềm tin huyện Vân Canh không chỉ giúp anh Khiêm đồng cảm hơn với những NKT trong tỉnh mà còn tạo cơ duyên gặp gỡ người vợ hiện nay của mình. Khi quen nhau, vợ anh đang tham gia lớp dạy nghề may do Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh Bình Định tổ chức. Anh bị liệt hai chân từ nhỏ, chị sau tai nạn giao thông năm 16 tuổi thì mất đi một chân. Khoảng cách địa lý hơn 60 km giữa hai gia đình dường như không là vấn đề giữa hai con người đã đồng điệu về tâm hồn và cảm xúc. Họ kết hôn sau hai năm quen biết và tìm hiểu.
Anh Khiêm hạnh phúc bên vợ và các con
Hiện nay, công việc chính của chị là làm gia công chổi đót tại nhà và bàn ghế nhựa giả mây. Anh vẫn miệt mài với việc tìm kiếm phát triển các mô hình sinh kế cho các Hội viên trong Chi Hội. Niềm hạnh phúc của anh chị là hai con một trai, một gái lớn lên khoẻ mạnh, thông minh. Cháu Nguyễn Trần Khương, con trai lớn của anh chị hiện đang chuẩn bị lên lớp 3, luôn là học sinh giỏi của trường, thi olympic Toán hai năm liền đều đạt giải nhất của huyện, giải Nhì, Ba của tỉnh.
Nói về gia đình nhỏ của mình, anh Khiêm tâm sự: “Đối với những người khỏe mạnh trong một gia đình, chăm sóc nhau cũng đã vất vả, huống chi cả hai vợ chồng đều là người khuyết tật. Nhưng cũng chính những vất vả ấy khiến chúng tôi thương nhau hơn, yêu nhau hơn và san sẻ với nhau nhiều hơn. Chúng tôi khiếm khuyết về thân thể, thiếu thốn tình yêu thương nên lại càng ý thức hơn về điều đó. Niềm vui và hạnh phúc như ngày hôm nay là thành quả của cả một quá trình chúng tôi vun đắp từng ngày. Tôi tin, điều đó cũng sẽ đến với bất kỳ người khuyết tật nào biết nỗ lực và trân trọng tình yêu của mình”.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Chuyện tình cổ tích của ca sĩ khuyết tật và cô giáo xinh đẹp - 05/09/2017 07:41
- Chàng trai mù bị xua đuổi khắp nơi và cuộc hành trình trở thành triệu phú khi mới… 23 tuổi - 21/08/2017 04:12
- Hành trình xây dựng tổ ấm của người thương binh đất Quảng - 17/08/2017 05:01
- Đam mê và tâm huyết của chàng trai khiếm thính - 15/08/2017 11:20
- Sức sống vươn lên của những người lính Cụ Hồ - 07/08/2017 09:11
Các tin khác
- 6 năm theo đuổi bóng hồng bất hạnh, chàng trai chấp nhận ở rể chăm sóc mẹ vợ bệnh tật và 3 cháu tật nguyền - 24/07/2017 07:52
- Theo đuổi giấc mơ bằng niềm tin và ý chí - 24/07/2017 03:02
- Jessica Cox - cô gái khuyết tật lái máy bay bằng chân - 21/07/2017 08:25
- Người cán bộ Hội tâm huyết với người đồng cảnh - 21/07/2017 07:56
- Chàng sinh viên khiếm thị đã chạm tay vào giấc mơ - 17/07/2017 06:44