Thứ năm, 07 Tháng 1 2016 17:38

Tôi từng là một sinh viên theo học ngành Du lịch, đã ấp ủ nhiều ước mơ, hoài bão và may mắn được nhận vào làm hướng dẫn viên du lịch của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Với giọng nói truyền cảm, trầm ấm nên tôi còn được nhận làm cộng tác viên của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong các chương trình thiếu nhi, nhịp cầu nhân ái. Những tháng ngày tươi đẹp của tôi - một cô gái ở độ tuổi đôi mươi sớm vụt tắt sau khi tôi bị tai nạn giao thông.

Mất đôi chân vẫn còn nghị lực sống

Bị ngã khi đang băng qua đường ray, đôi chân tôi mắc kẹt vào thanh tà vẹt, trong khi tiếng còi tàu gầm rú và vụt qua trong tích tắc đã nghiến lên đôi chân khiến tôi đau đớn và ngất lịm. Khi đó, nhiều người nghĩ rằng tôi không thể qua khỏi, nhưng tôi đã tỉnh lại và được mọi người chở đi Bệnh viện cấp cứu.

Trong suốt quãng thời gian nằm điều trị, tôi hầu như không có một giấc ngủ ngon. Qua bảy lần phẫu thuật cắt ghép khiến tôi cảm thấy mọi niềm tin trong tôi đã nguội tắt. Tôi hoang mang và thường hay giật mình thảng thốt bởi nỗi ám ảnh quá lớn sau vụ tai nạn. Tôi liên tưởng đến cuộc sống u tối trước mắt khi phải nằm một chỗ, trông đợi sự giúp đỡ của người thân.

Trai tim 1

Chị Hướng Dương luôn dành tình cảm đặc biệt cho trẻ khiếm thị

Tôi từng nghĩ, cuộc sống này đã chấm hết khi tôi trở thành người khuyết tật. Mỗi lúc tôi chán chường, tôi lại khóc thầm một mình để ba mẹ không phải phiền lòng, nhưng tôi biết tôi đau đớn một thì ba mẹ tôi đau đớn gấp trăm ngàn lần. Hiểu và cảm nhận được tình thương yêu của ba mẹ, tôi đã tiếp thêm nghị lực vượt qua cú sốc lớn trong đời.

Để giúp tôi đi lại dễ dàng, ba mẹ đã đặt đóng cho tôi đôi chân giả bằng khoản tiền vay được từ những người họ hàng. Có đôi chân giả làm bạn, tôi bắt đầu làm quen và dần dần gượng gạo bước đi.

Không thể tiếp tục công việc của một hướng dẫn viên du lịch sau tai nạn, tôi chợt nghĩ phải tìm một việc làm phù hợp với sức khoẻ để xua tan nỗi buồn. Và trong một lần tôi được mẹ dẫn tới trường Nguyễn Đình Chiểu thành phố Hồ Chí Minh thăm một người bạn, tôi đã được tận mắt chứng kiến những đứa trẻ khuyết tật, tuy mất đi ánh sáng của đôi mắt nhưng các em vẫn miệt mài học bài, nghe kể chuyện qua sách nói để tìm hiểu, khám phá cuộc sống.

Chính những hình ảnh ấy đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ và khơi gợi cho tôi ý tưởng cho ra đời thư viện sách nói của người khiếm thị.

“Cô giáo sách nói” gieo tri thức cho trẻ khiếm thị

Từ ý tưởng ấy, tôi cố lần tìm ra một phương pháp phù hợp để có thể giúp trẻ khiếm thị vượt qua bóng tối cuộc đời bằng ánh sáng của tri thức. Tôi bắt tay vào việc nhờ ba mẹ mua sắm phương tiện và thực hành thử nghiệm, thực hiện những cuốn sách nói từ những câu chuyện cổ tích. Sự cố gắng của tôi đã đem lại thành quả khi những cuốn sách nói đầu tiên ra đời với những chủ đề thu hút như Thế giới sắc màu, Trái tim cho em hay Một ngày trong bóng tối. Tất cả những sản phẩm sách nói do tôi làm ra đều được tôi mang tới trao tận tay cho Ban Giám hiệu trường Nguyễn Đình Chiểu. Cứ thế, những cuốn sách nói tiếp theo lần lượt được hình thành và được gửi tặng miễn phí cho học sinh khiếm thị tại các trường dạy trẻ khiếm thị ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Trai tim 1112

Giám đốc Thư viện sách nói trao quà cho học sinh khiếm thị vượt khó học giỏi

Vậy là tự lúc nào, công việc thu âm sách nói của tôi được diễn ra đều đặn hàng ngày từ 8h sáng đến tận đêm khuya. Mặc dù, vết thương vẫn còn đau nhức khi tiết trời thay đổi hay thấm mệt khi phải thu âm mỗi ngày, nhưng tôi vẫn cố gắng để có thể truyền đi nhựa sống và san sẻ yêu thương cho trẻ khuyết tật.

Thấm thoắt 17 năm làm sách nói, tôi đã phát hành miễn phí tới 54 tỉnh, thành trong cả nước với 1,4 nghìn đầu sách bằng các chất liệu băng MP3, băng cassette gồm nhiều thể loại về lịch sử, văn hóa, văn học, khoa học, sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, tài liệu luyện thi Đại học, giáo trình Cao đẳng, Đại học... tặng cho 95 đơn vị trường khiếm thị, mái ấm, Hội người mù trong cả nước, phục vụ trực tuyến cho hàng triệu lượt người thông qua trang điện tử: sachnoionline.com. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng sách nói của số đông người khiếm thị, tôi đã kêu gọi sự tham gia của 25 tình nguyện viên đến làm việc, thu âm và chuyển sách đi các tỉnh, thành mỗi ngày bằng đường bưu điện và sách nói điện tử online.

Hầu hết, các tác phẩm sách nói đều được tôi chọn lựa kỹ lưỡng và đọc trước để hiểu sâu sắc nội dung. Tôi cũng luôn chủ động học tập, nâng cao trình độ kiến thức và trau dồi thêm kỹ năng đọc, thu âm, sẵn sàng tiếp thu ý kiến góp ý của đối tượng để cho ra đời những cuốn sách nói đạt chất lượng, phong phú.

Với mong ước hình thành một thư viện sách nói thật bài bản, hiệu quả, tôi đã xây dựng thành công Dự án “Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị” của Hội Phụ nữ từ thiện thành phố Hồ Chí Minh. Cũng chính Dự án ấy đã được UBND thành phố ra quyết định thành lập thư viện sách nói dành cho người khiếm thị và tôi vinh dự được làm Giám đốc. Thư viện ra đời đã nhận được sự hưởng ứng, tạo điều kiện của các mạnh thường quân nên ngày càng phát triển lớn mạnh.

Bên cạnh công việc tại Thư viện sách dành cho người khiếm thị, tôi còn vận động các mạnh thường quân dành tặng hơn 4.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên khiếm thị, khuyết tật vượt khó học giỏi, hay chương trình Thắp sáng niềm tin cùng biển đảo quê hương đã thu hút 600 học sinh đến dự và nghe tôi kể chuyện.

Gần hai chục năm làm công việc thu âm sách nói, điều khiến tôi hạnh phúc, mãn nguyện không phải là những tấm Bằng khen hay được vinh danh về những thành tích tôi đạt được, mà chính là niềm vui được truyền đi tri thức từ trái tim một người khuyết tật.

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi