Thứ hai, 07 Tháng 8 2017 16:11

Gửi lại nơi chiến trường một phần xương máu, sức khoẻ cũng giảm sút nhiều bởi những vết thương trong cơ thể, nhưng thương binh Vũ Xuân Tú (Hải Dương) và Hồ Mơ (Quảng Trị) vẫn không muốn ngơi nghỉ. Bằng đôi tay, sức lực và niềm hăng say lao động, họ vẫn miệt mài lao động, tạo dựng cho mình một cuộc sống đủ đầy và giúp người khuyết tật có công việc và thu nhập ổn định

Tiếp sức cho người khuyết tật

Năm 1970, chàng thanh niên Vũ Xuân Tú mang trong mình khí thế của một chiến sĩ, sẵn sàng tham gia kháng chiến, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Đất nước thống nhất hai miền Nam, Bắc, năm 1979 ông Tú lại tiếp tục vào miền Nam, hăng hái nhận nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.

81ChanongVu uanTu

Giám đốc thương binh Vũ Xuân Tú tận tình hướng dẫn cho công nhân tại xưởng may của Công ty.

 

Nhập ngũ năm 1970, anh bộ đội Cụ Hồ Vũ Xuân Tú tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường bảo vệ tổ quốc rồi tiếp đó lại làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Năm 1985, với những vết thương nặng trên cơ thể, ông phục viên trở về quê hương, tiếp tục công tác trong ngành Lao động - Thương binh và xã hội, rồi xây dựng gia đình với người phụ nữ cùng quê.

Có được ngày vui đoàn tụ với gia đình, ông Tú không nguôi nỗi buồn khi nhớ về những người đồng đội của ông đã ngã xuống. Đau đáu một ước mong được sẻ chia, giúp đỡ cho người thân của đồng đội, ông bàn với vợ mở một xưởng may nhỏ để tạo công ăn việc làm cho con em đồng đội và những người khuyết tật. Những ngày đầu, ông Tú gặp muôn vàn gian khó khi thiếu vốn sản xuất, người lao động thiếu kinh nghiệm, kỹ năng làm nghề, máy móc còn thô sơ nên không tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Trăn trở, suy nghĩ để tìm ra hướng đi mới khiến ông Tú mất ăn, mất ngủ và quyết định thay đổi phương pháp. Ông xin giấy phép thành lập Công ty Cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ Hải Dương, bổ sung nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển đa dạng hoá ngành nghề phù hợp với người lao động, kết hợp với đào tạo, sản xuất.

Để việc sản xuất đạt hiệu quả, ông Tú phân chia người lao động khuyết tật còn đủ sức khoẻ sẽ làm việc tại công ty, những lao động gặp khó khăn trong đi lại, ông tạo điều kiện cho làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, ông không ngừng tìm kiếm nguồn hàng nhằm duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động, mạnh dạn đăng ký chỉ tiêu, phối hợp với các trường nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề cho học viên là người lành và người khuyết tật với số lượng khoảng 60 học viên mỗi năm.

Có thêm nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề, đến nay xưởng may của thương binh Vũ Xuân Tú đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động là người lành và người khuyết tật với thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện ông Tú còn đảm đương vai trò là Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Hải Dương. ở cương vị này, người thương binh ấy luôn nỗ lực để hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế vượt qua khó khăn, giúp người khuyết tật được thụ hưởng những chính sách, ưu đãi, tiếp cận với các lớp học nghề, giới thiệu việc làm, giúp họ tự tin hoà nhập cộng đồng.  

Hăng say phát triển kinh tế

Người thương binh Hồ Mơ là một tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực và tinh thần lao động vượt khó của mảnh đất A Dơi (huyện Hướng Hoá) đầy nắng gió. Nhớ lại quãng thời gian còn trai trẻ, ông Mơ kể rằng, ông gia nhập quân ngũ năm 1969, khi đó mới 19 tuổi. Những tháng năm tham gia kháng chiến, vào sinh ra tử khiến người thương binh dân tộc Vân Kiều càng thêm kiên gan bền chí.

Rời quân ngũ, cựu binh Hồ Mơ trở về bản làng với đôi chân đã bị cưa sát đến đùi, khiến cho người thân của ông không kìm nén được sự xót xa, đau đớn. Lúc đó chính ông phải cố gắng gạt bỏ nỗi buồn, động viên gia đình quên đi những mất mát trên cơ thể ông để nhìn về phía trước.

81ChandungongHoMo

Vượt qua gian khó, giờ đây cựu binh Hồ Mơ hạnh phúc trước những thành quả trong lao động.

 

Không còn đôi chân khiến việc đi lại hết sức khó khăn, nhưng ông Hồ Mơ vẫn quyết tâm tự lập cuộc sống, không muốn làm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Trong tay không có một đồng vốn, trước mắt chỉ có những ngọn đồi cằn khô dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, người thương binh nặng vẫn quyết định làm bạn với sỏi đá, ruộng nương để gây dựng cơ nghiệp. Và rồi những mảnh đồi trọc ngày nào, giờ đã được ông phủ xanh bằng những loài cây lấy gỗ, hồi sinh cánh rừng cho đồng bào Pa Kô.

Từ công việc trồng rừng, phát nương làm rẫy, thu hoạch hoa màu, ông Hồ Mơ còn mày mò, học hỏi cách chăn nuôi đàn gia súc. Với đồng vốn nhỏ, ông đầu tư mua cặp trâu, bò sinh sản, tính toán kỹ lưỡng để có nguồn thức ăn từ chính những đồng cỏ xen kẽ giữa tán rừng. Cứ thế, đàn trâu, đàn bò của ông lớn lên và đông dần qua thời gian, hiện đã phát triển tới số lượng vài chục con. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ông dần khấm khá, có của ăn của để. Năm 2014, ông Hồ Mơ đầu tư đất canh tác, cây giống để trồng lúa, sắn, cây cao su và nhận thấy đây là cách phát triển kinh tế có hiệu quả, ông còn động viên và hướng dẫn bà con cùng làm để tạo lập một cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Bận rộn là thế nhưng người cựu binh ấy vẫn cố gắng dành thời gian đến thăm hỏi, động viên và tìm nguồn hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh. Bằng tấm lòng nhân ái, độ lượng, giờ đây ông Hồ Mơ không chỉ có một gia đình hạnh phúc bên 2 người con ruột ngoan ngoãn, trưởng thành, mà ông còn rất mãn nguyện khi có 11 người con nuôi luôn biết yêu thương và không ngừng nỗ lực vươn lên.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi