Thứ năm, 07 Tháng 1 2016 17:47

Miền quê đầy nắng và gió huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã hun đúc cho cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Hồng một nghị lực phi thường để chiến thắng số phận. Trải qua những khúc cua cuộc đời, giờ đây Hồng đã trở thành một vận động viên khuyết tật nổi tiếng, với hàng chục Huy chương Vàng trong nước, quốc tế ở bộ môn xe lăn, cử tạ và vun đắp cho mình một tổ ấm hạnh phúc.

Từ cô gái khuyết tật nghèo

Vốn được sinh ra với một cơ thể lành lặn và khỏe mạnh, Nguyễn Thị Hồng trở thành niềm hạnh phúc của cả gia đình. Như bao đứa trẻ đồng trang lứa, Hồng chập chững biết đi, bi bô học nói, học hát. Thế rồi, một trận sốt cao kéo dài nhiều ngày khi Hồng tròn 4 tuổi đã khiến đôi chân của cô bé hồn nhiên, kháu khỉnh dần teo nhỏ và liệt.

Buoc toi dinh vinh quang 1

Hạnh phúc gia đình đã tiếp thêm sức mạnh để Hồng chinh phục những thử thách mới

Gia cảnh túng thiếu mọi bề bởi khoản thu nhập hàng tháng của ba mẹ từ việc nhà nông chỉ tạm đủ chi tiêu tằn tiện mỗi tháng khiến Hồng không có điều kiện chữa trị, phục hồi chức năng đôi chân. Những năm tháng tuổi thơ của Hồng chìm sâu trong nỗi buồn của ba và những giọt nước mắt xót xa của mẹ mỗi khi thấy cô con gái bé bỏng khóc đòi chạy theo đám trẻ cùng xóm chơi đùa, là những câu hỏi ngây thơ Hồng hỏi mẹ vì sao đôi chân không thể đi lại như bao người khác. Muốn bù đắp thiệt thòi cho con gái, ba mẹ Hồng tảo tần khuya sớm, tích cóp tiền mua cho Hồng chiếc xe lăn cũ để thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Được ba mẹ tạo điều kiện cho tới trường, Hồng vui lắm. Mặc dù đôi chân không thể đi lại nhưng Hồng luôn có ý thức tự lập, hàng ngày tự đi xe lăn tới trường.

Là cô học trò bé nhỏ và gặp khó khăn trong sinh hoạt nhưng bằng sự nỗ lực học tập, Hồng không chỉ dành được điểm số cao qua các bài kiểm tra học kỳ, mà Hồng còn là một học trò xuất sắc khi liên tục đạt được danh hiệu học sinh giỏi môn văn cấp trường, thành tích ấy cũng đã giúp Hồng lọt vào danh sách đội tuyển văn, tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Dù muốn lắm được tiếp tục tới trường, nuôi ước mơ sẽ trở thành cô giáo dạy văn trong tương lai, nhưng Hồng đã không thể thực hiện, bởi cuộc sống gia đình mỗi lúc một khó khăn hơn. Học hết lớp 9, vì không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, Hồng nghỉ học và xin ba mẹ mở một quán nước nhỏ ở ven đường để có thể kiếm tiền tự lập cuộc sống và đỡ đần cho gia đình.

Ngoài thời gian bán nước, Hồng tranh thủ các buổi chiều lăn xe, tập vận động cho cơ thể khỏe mạnh. Những buổi tập ấy không ngờ đã mang tới cho Hồng cơ hội tham dự giải đua xe lăn dành cho người khuyết tật của huyện Hải Lăng.

Lần đầu tiên tham gia một cuộc thi thể thao, khiến Hồng không khỏi hồi hộp, lo lắng nhưng được gia đình và các đồng chí cán bộ xã động viên, Hồng đã có thêm tự tin, tham gia thi đấu thể thao với một tinh thần thoải mái, không đặt áp lực phải đạt giải. Giải thi diễn ra suôn sẻ và niềm hạnh phúc vỡ òa đến với cô gái khuyết tật khi giành được Huy chương Vàng đầu tiên ở cự ly 3.000m xe lăn. Hồng cũng là vận động viên khuyết tật vô địch bộ môn đua xe lăn của tỉnh chỉ sau một tháng giải thi huyện diễn ra.

Đến vận động viên giàu “huy chương”

Sau lần giành chiến thắng trên đường đua xe lăn, Nguyễn Thị Hồng đã “lọt vào tầm mắt” của các huấn luyện viên thể thao. Không chỉ có cơ hội tiếp tục cọ xát với những đường đua cự li dài hơn, Hồng còn được làm quen, rồi tập luyện bộ môn cử tạ khi đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm. Với lòng đam mê thể thao và tinh thần tập luyện hăng say trong một thời gian dài, năm 2003, Hồng trở thành vận động viên khuyết tật sáng giá của làng thể thao người khuyết tật Việt Nam khi liên tục giành được huy chương Vàng ở bộ môn xe lăn và Huy chương Bạc ở bộ môn cử tạ tại Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội.    

      

Buoc toi dinh vinh quang 2

Nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi VĐVKT Nguyễn Thị Hồng mỗi khi giành được Huy chương

Với tấm Huy chương Bạc đầu tiên ở bộ môn Cử tạ, đã trở thành cầu nối giúp vận động viên khuyết tật Nguyễn Thị Hồng tiến sâu hơn vào các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Hồng từng chia sẻ, bằng quyết tâm chinh phục những thử thách mới và kiên trì tập luyện đã giúp cô giành được hơn hai chục chiếc Huy chương quốc tế các loại, trong đó có chục chiếc Huy chương Vàng tại các kỳ thi đấu Paragames, Paralympic và giải châu á. Thành tích lớn nhất của nữ vận động viên khuyết tật ấy giờ đây là nâng được mức tạ 88kg tại Paralympic 2012, chỉ đứng sau vận động viên đạt Huy chương Vàng.

Nhìn lại những gì đang có, chị Hồng xúc động nói: “Nhờ có thể thao tôi đã có tất cả, đó là niềm vui với những thành tích mới và cơ hội hoà nhập cộng đồng, cơ hội được khám phá những đất nước xinh đẹp trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được những thành tích đỉnh cao trong thể thao như hiện nay là bởi tôi luôn có sự động viên, khích lệ của người chồng biết sẻ chia, tiếp thêm cho tôi nghị lực, niềm tin trong thi đấu”.

Trở về bên tổ ấm hạnh phúc sau một thời gian dài dồn hết sức lực, thời gian tập luyện, tranh tài tại các kỳ Đại hội Thể thao người khuyết tật, món quà mà nữ vận động viên khuyết tật dành tặng cho chồng con chỉ đơn giản là những chiếc Huy chương lấp lánh và những tấm Bằng khen chị nhận được từ kỷ lục mới xác lập.

Tuy có nguồn thu nhập từ những khoản tiền thưởng sau mỗi lần tham gia thi đấu thể thao, nữ vận động viên khuyết tật vẫn miệt mài lăn chiếc xe vào mỗi buổi sớm mai, để tiếp tục công việc bán vé số kiếm kế sinh nhai và cùng chồng vun đắp hạnh phúc cho tổ ấm gia đình.  

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi