Miền quê quan họ Bắc Ninh là nơi đã gắn với tôi rất nhiều kỷ niệm, cùng tôi trải qua một tuổi thơ buồn tủi và cho tôi nghị lực để vượt qua mọi chông gai, thử thách. Cũng miền quê ấy, nơi ông bà nội tôi đang ở đó, vẫn từng ngày dõi theo, động viên, khích lệ tôi học tập để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Tôi may mắn hơn nhiều đứa trẻ cùng trang lứa, bởi từ khi sinh ra đã có đủ đầy một gia đình hạnh phúc, có bố mẹ, ông bà. Có lẽ bố mẹ chỉ có mình tôi nên dành hết cho tôi sự yêu thương, nâng niu, nhưng rồi những tháng ngày hạnh phúc ấy vụt qua thật nhanh.
Ngọc Tuyết vui vẻ bên bạn bè trong buổi chia tay tuổi học trò
Tôi còn nhớ lắm cái ngày tôi lên 5 tuổi, bố tôi đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Không còn bố bên cạnh chở che, bao bọc, nhưng ngày đó tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ nên chưa cảm nhận hết nỗi đau mất đi tình mẫu tử thiêng liêng. Là một đứa trẻ mồ côi bố nên rất cần có mẹ bù đắp tình thương, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ngày bố qua đời, mẹ tôi cũng đã rời xa gia đình, bỏ lại tôi trong bơ vơ, côi cút và đi biệt tích không một lần quay trở lại. Từ một đứa trẻ có tất cả rồi lại tan biến hết vào hư không khi tôi vẫn chưa đủ lớn khôn, tôi trở thành gánh nặng cho ông bà nội.
Hồi đó, để có điều kiện nuôi nấng, lo lắng cho tôi học hành, bà nội tôi ngày ngày phải ra đầu ngõ mở một quán nước nhỏ, còn người bác ruột của tôi phải vất vả nhiều hơn để trở thành trụ cột kinh tế cho cả gia đình. Tôi luôn coi bác như bố của mình, bác đã dành cho tôi rất nhiều tình cảm, bác đã thay bố mẹ bảo ban và cho tôi cơ hội được tới trường như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi. Tôi vẫn không thể quên kỷ niệm được bác chở tôi ra cửa hàng mua cặp sách, cây bút, vài quyển vở và một bộ quần áo mới để tôi bước vào năm học đầu tiên trong đời học sinh.
Tôi cảm nhận được tình thương của ông bà, của bác dành cho một đứa cháu côi cút như tôi, tôi biết mọi người đang cố gắng lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn tôi và tôi cũng cố gắng chăm ngoan, học giỏi để không phụ công của những người thân yêu.
Rồi vào một ngày nắng nóng như đổ lửa, đó cũng là khoảng thời gian tôi sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp cấp I thì người bác tôi rất mực kính trọng, yêu mến đã không may bị tai nạn giao thông. Sau tai nạn đó, bác tôi đã bị chấn thương sọ não, phải nằm liệt một chỗ và mất đi khả năng nhận thức. Cũng từ đó, cuộc sống trong gia đình ngày càng thiếu thốn, ông bà tôi tuổi đã cao nhưng phải làm việc nhiều hơn để có tiền thuốc thang, chữa trị cho bác, cũng như tiếp tục nuôi dưỡng niềm vui tới trường của đứa cháu mồ côi.
Tuy không nói nhưng tôi biết ông bà và bác luôn muốn dành hết cho tôi những điều tốt nhất, bởi thế tôi tự nhủ phải chăm ngoan, học thật giỏi để mọi người được hãnh diện vì tôi. Ngoài thời gian đến trường, tôi tham gia phụ giúp bà bán nước, chăm sóc bác và chỉ tranh thủ ôn bài vào đêm khuya.
Do kinh tế gia đình khó khăn nên tôi chưa bao giờ dám xin ông bà cho tôi đi học thêm hay mua sách bồi dưỡng về học. Để nâng cao kiến thức và sợ sẽ thua kém bạn bè, tôi chỉ còn cách nỗ lực hơn trong học tập. Tôi thực sự rất vui vì sự cố gắng của mình đã mang lại cho tôi thành tích 12 năm liền đều đạt học sinh giỏi, giành giải Nhì cấp thành phố và giải Ba cấp tỉnh môn tiếng Anh cùng nhiều suất học bổng vượt khó. Những giải thưởng đó đã trở thành món quà ý nghĩa tôi dành tặng những người thân trong gia đình và cũng là tiền đề giúp tôi chính phục những thành công mới.
Tham gia các hoạt động xã hội cùng các thành viên Câu lạc bộ Từ thiện chung tay
Với tôi, chỉ có tri thức mới có thể giúp tôi thoát nghèo và thực hiện những ước mơ của mình. Bởi thế tôi đã dành quyết tâm làm bài thi thật tốt trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa qua. Mặc dù có nhiều bỡ ngỡ trước kỳ thi nhưng bằng vốn kiến thức tôi tích luỹ, trau dồi suốt 12 năm học đã mang tới cho tôi thành tích ngoài mong đợi. Đó chính là niềm vui tôi biết mình trúng tuyển trường Đại học Ngoại ngữ và vui hơn nữa khi tôi vinh dự trở thành á khoa của khoa tiếng Đức sau kỳ thi ấy.
Được theo học chuyên ngành ngoại ngữ tôi yêu thích, càng làm cho tôi có thêm nhiều động lực phấn đấu, vì vậy để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tôi dành trọn niềm đam mê, hăng say học tập. Tuy có chút năng khiếu học ngoại ngữ nhưng với tôi, kỹ năng nghe hiểu là khó nhất nên tôi thường xuyên tìm mua đĩa để vừa luyện nghe, vừa luyện phát âm cho chính xác. Mặt khác tôi và các bạn cùng lớp còn tham gia sinh hoạt tại một vài câu lạc bộ giao lưu với người ngước ngoài nhằm nâng cao khả năng giao tiếp và tự thành lập nhóm hỗ trợ nhau trong học tập. Không chỉ theo học chuyên ngành chính về tiếng Đức, tôi còn học thêm các khoá đào tạo tiếng Anh chuyên sâu để khi ra trường, tôi sẽ có nhiều cơ hội làm việc tốt cho bản thân.
Thời gian dành cho việc học của tôi hầu như kéo dài cả ngày trên giảng đường, nên tôi thường tranh thủ đi làm thêm vào các buổi tối để có tiền trang trải cuộc sống và có điều kiện mua những loại sách nâng cao phục vụ cho học tập.
Dẫu rằng tôi là một đứa trẻ mồ côi, cuộc sống thiếu thốn mọi bề nhưng nhờ có những người thân xung quanh mình, có thầy cô, bạn bè và các tổ chức xã hội giúp đỡ nên tôi mới có được những thành công như ngày hôm nay. Tôi muốn san sẻ sự may mắn của mình, muốn giúp đỡ, sẻ chia với những người bạn, những em bé đồng cảnh và những mảnh đời khuyết tật bằng những việc làm thực tế. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi hành động, thôi thúc tôi tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Từ thiện chung tay.
Vào các ngày cuối tuần, hay vào dịp Tết thiếu nhi, rằm Trung thu, tôi và các thành viên trong Câu lạc bộ lại tới thăm, tặng quà và tổ chức các chương trình vui chơi cho trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ nhiễm chất độc da cam, người già cô đơn ở các Trung tâm nuôi dưỡng người thiệt thòi. Một chương trình mà Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức và cũng là chương trình khiến tôi rất tâm đắc và thấy thiết thực, đó là nấu cháo, cơm miễn phí dành tặng các bệnh nhân nghèo tại một số Bệnh viện trong tỉnh.
Sau những chuyến đi từ thiện, được gặp gỡ, được chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi, điều đó như nhắc nhở tôi phải nỗ lực học tập hơn nữa, để trong một tương lai gần có thể cống hiến sức trẻ giúp đỡ người yếu thế và góp sức xây dựng quê hương.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Người phụ nữ 13 năm sửa xe nuôi con khôn lớn - 24/12/2015 07:51
- Nữ hoàng điền kinh và nụ cười trước mọi bão giông - 22/12/2015 03:29
- Những tấm gương vượt khó - 22/12/2015 03:21
- Góp niềm tin, sức mạnh cho người đồng cảnh - 22/12/2015 03:16
- Giám đốc khuyết tật truyền nghề cho người đồng cảnh - 15/12/2015 03:47
Các tin khác
- Khơi dậy niềm tin cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:19
- Sống hướng thiện để cảm ơn cuộc đời - 30/10/2015 06:11
- Dịch vụ trợ giúp pháp lý và vui chơi giải trí cho người khuyết tật cần được quan tâm hơn nữa - 09/10/2015 05:53
- Vượt khó thực hiện ước mơ - 28/09/2015 04:49
- Cho yêu thương để nhận lại yêu thương - 28/09/2015 04:45