Dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Thái Thành vẫn theo đuổi đam mê trở thành một nhà tạo mẫu tóc. Khi trở thành nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, anh thành lập doanh nghiệp xã hội để phát triển kinh doanh và dạy nghề, tạo việc làm cho người đồng cảnh. Trong điều kiện việc làm cho người khiếm thính còn gặp nhiều khó khăn, niềm đam mê và tâm huyết của Thành đã truyền lửa cho nhiều bạn trẻ khác cùng học nghề thành công và tiếp tục truyền nghề cho những người đồng cảnh..
Nguyễn Thái Thành đang tạo mẫu tóc cho khách
Nguyễn Thái Thành sinh năm 1991, quê ở Bắc Giang. Đến năm 3 tuổi, gia đình mới phát hiện Thành không có khả năng nghe và nói như những đứa trẻ khác. Dù gia đình đã tìm đủ cách chạy chữa, nhưng cuối cùng Thành vẫn phải lớn lên với với cách giao tiếp duy nhất là bằng đôi tay.
Thành học hoà nhập đến hết cấp 1, cấp 2 ở Bắc Giang. Thời gian này, các thầy cô giáo giảng bằng lời nói vì thế Thành không thể tiếp thu được kiến thức, đặc biệt là những môn Toán, Văn, tiếng Anh, tiếng Việt. Năm 2005, Thành chuyển lên Hà Nội học trường Nhân Chính. Đây cũng là lần đầu tiên Thành được tiếp xúc với ngôn ngữ ký hiệu. Với ngôn ngữ ký hiệu, Thành đã được giảng giải và được hiểu những kiến thức mà trước đây Thành không thể hiểu được. Thành dần cảm thấy tự tin hơn là có thêm nghị lực sống để tiếp tục học tập tại trường.
Năm 2007, Thành tốt nghiệp trường Nhân Chính và quyết định đi học may ở trường dạy nghề Hoa Sữa. Nhưng không lâu sau đó, anh nhận ra mình không phù hợp với công việc này. Trong lúc đang lúng túng về công việc thì Thành gặp được một người khiếm thính dạy cắt tóc nên cũng muốn học thử. Thành về Bắc Giang và tìm được thầy dạy cũng là người khiếm thính.
Khi đã thạo việc, Thành lên Hà Nội xin việc với mong muốn vừa làm vừa học thêm. Nhưng hành trình xin việc của Thành gặp không ít khó khăn vì từ salon lớn đến các tiệm tóc vỉa hè đều không muốn nhận người khiếm thính. Mãi đến đầu năm 2008, một chủ tiệm tóc trên đường Khâm Thiên nhìn thấy ở chàng trai khiếm thính sự ham học hỏi, sự lương thiện và nghiêm túc với nghề nên đã nhận Thành vào vừa học việc, vừa làm.
“Ngày đó mình xin việc rất khó khăn, cứ đi xin việc cả ngày như vậy, tối về lại vắt tay lên trán nghĩ xem mai lại đi xin việc ở đâu tiếp. Thật may mắn khi mình gặp được người chủ tiệm tóc trên phố Khâm Thiên, thầy đồng ý nhận mình vào làm và truyền dạy nghề” - Thành tâm sự.
Ngày mới đi học, Thành chăm chú quan sát thầy hướng dẫn, tối về thực hành trên ma-nơ-canh và nhờ mọi người trong gia đình làm mẫu. Kỹ thuật cắt tỉa không hề dễ, làm rồi hỏng liên tục. Nhưng với quyết tâm theo đuổi nghề, Thành đã vượt qua mọi trở ngại và tay nghề dần được nâng cao.
Đến năm 2010, Thành mạnh dạn tham gia cuộc thi “1.000 năm tóc” kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà - Nội và đạt giải triển vọng. Đây là một giải nhỏ nhưng đã giúp Thành có thêm động lực để mở cửa hàng của riêng mình. Sau đó 1 năm, Thành đã có một cửa hàng nhỏ xinh tại ngõ Văn Chương và vẫn tiếp tục học thêm nâng cao tay nghề và học thêm cả nghề trang điểm.
Mùa hè 2013, Thái Thành tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng tạo mẫu tóc trong TP.Hồ Chí Minh và đạt giải đặc biệt cùng học bổng 6 tuần học nghề tóc ở Singapore. Tuy nhiên Thành đã từ chối học bổng vì không muốn bỏ bê cửa hàng khi điều kiện của chương trình là sau khoá học phải làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh 2 năm.
Trở thành nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, Nguyễn Thái Thành nghĩ đến việc giúp đỡ những người câm, điếc như mình để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Năm 2015, anh thành lập Công ty Cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn, mở thêm cơ sở 2 trên đường Kim Mã và nhận dạy nghề, cấp học bổng học nghề cho các bạn khiếm thính. Đến nay, Thái Thành đã đào tạo thành nghề cho hơn 30 học viên. Mỗi học viên ở một vùng quê khác nhau và mỗi người một số phận không giống nhau. Thế nhưng qua thời gian làm việc cùng nhau, họ gắn bó như anh em một nhà, từ đó mở rộng mạng lưới giúp nhiều học viên kém may mắn ở nhiều địa phương khác.
Văn Khắc Huấn, một chàng trai khiếm thính sau khi được Thái Thành dạy nghề đã về Quảng Ninh mở được cửa hàng của riêng mình chia sẻ: “Anh Thành không chỉ dạy mà còn cấp học bổng để tôi theo hết khóa học nữa. Anh không bao giờ giấu nghề, luôn chia sẻ và động viên, cổ vũ ước mơ tự mở cửa hàng cho học viên”. Học tập theo Thành, sau khi mở cửa hàng của riêng mình, Huấn cũng nhận dạy nghề, tạo việc làm cho các bạn đồng cảnh khác tại Quảng Ninh, giúp cho nhiều bạn có cơ hội học nghề, có việc làm.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tình yêu là động lực vượt qua thử thách - 13/10/2017 03:29
- Xúc động chuyện chàng trai ở rể chăm sóc 3 cháu khuyết tật - 21/09/2017 03:27
- Chuyện tình cổ tích của ca sĩ khuyết tật và cô giáo xinh đẹp - 05/09/2017 07:41
- Chàng trai mù bị xua đuổi khắp nơi và cuộc hành trình trở thành triệu phú khi mới… 23 tuổi - 21/08/2017 04:12
- Hành trình xây dựng tổ ấm của người thương binh đất Quảng - 17/08/2017 05:01
Các tin khác
- Sức sống vươn lên của những người lính Cụ Hồ - 07/08/2017 09:11
- Giữa khô cằn sỏi đá, hạnh phúc vẫn đâm chồi - 07/08/2017 08:58
- 6 năm theo đuổi bóng hồng bất hạnh, chàng trai chấp nhận ở rể chăm sóc mẹ vợ bệnh tật và 3 cháu tật nguyền - 24/07/2017 07:52
- Theo đuổi giấc mơ bằng niềm tin và ý chí - 24/07/2017 03:02
- Jessica Cox - cô gái khuyết tật lái máy bay bằng chân - 21/07/2017 08:25