Thứ hai, 14 Tháng 9 2015 10:21

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng người khuyết tật sống nghèo khổ, bị kỳ thị, coi thường... đó là do họ tạm thời hoặc vĩnh viễn không có việc làm, nên không có nguồn thu nhập cần thiết để trang trải cuộc sống hàng ngày cho bản thân. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật sẽ giúp dần xóa bỏ sự kỳ thị, thiếu tôn trọng đối với người khuyết tật trong xã hội. Do đó, việc làm cho người khuyết tật đã được Nhà nước bảo hộ, quy định rất cụ thể trong Bộ Luật lao động, Luật NKT và các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai các chính sách này, đặc biệt là Luật người khuyết tật đang nảy sinh nhiều vấn đề cần được xem xét, tháo gỡ.

 

 

De an 1019 - Nhung bat cap can thao go 1

Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật là cách cơ bản nhất để người khuyết tật chứng minh được giá trị của bản thân mình trước mọi người

 

 

Việc làm – cơ sở xóa bỏ kỳ thị với người khuyết tật

 

Do những khiếm khuyết của bản thân khiến cho người khuyết tật nhiều gặp khó khăn so với những người bình thường khác khi tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Nhưng cũng như tất cả mọi người, người khuyết tật cần phải được đảm bảo sự tự do, bình đẳng, được tôn trọng phẩm giá và được cống hiến, được khẳng định giá trị cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người khuyết tật chưa được hưởng đầy đủ những quyền lợi cơ bản của con người trong đời sống xã hội.

 

ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 65 - 70% số người khuyết tật đang sống dựa vào gia đình, người thân, trợ cấp xã hội hoặc các tổ chức từ thiện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người khuyết tật sống nghèo khổ, bị kỳ thị, xem thường, thậm chí bị hành hạ... là do họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận việc làm và không có nguồn thu nhập cần thiết để trang trải cho cuộc sống hàng ngày của bản thân.

 

Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật là cách cơ bản nhất để người khuyết tật nhận ra những khả năng thực sự của mình, đồng thời chứng minh được giá trị của bản thân mình trước mọi người. Ngoài ra, việc người khuyết tật tham gia lao động, làm việc và có thu nhập góp phần nuôi sống được bản thân và gia đình còn giúp cho họ có được địa vị bình đẳng hơn trong gia đình và xã hội, giúp bổ sung nguồn lực lao động để phát triển kinh tế, xã hội.

 

Năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật thay thế cho Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998, trong đó dành Chương V quy định về vấn đề dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật. Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 cũng nhấn mạnh đến nội dung dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật với các chỉ tiêu hết sức cụ thể. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện Luật, 4 năm thực hiện Đề án, kết quả dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn chưa thực sự được như mong đợi.

 

Những bất cập trong Luật NKT về vấn đề việc làm của người khuyết tật

 

Nghiên cứu các quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010 về vấn đề việc làm cho người khuyết tật, có thể thấy, những quy định này vẫn còn một số bất cập, khiến cho cơ hội có được việc làm của họ vẫn rất hạn chế, đó là:

 

+ Luật Người khuyết tật không quy định việc ưu đãi việc làm cho người khuyết tật là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, mà chỉ quy định mang tính chất khuyến khích. Điều 35 Luật Người khuyết tật năm 2010, tại khoản 1 quy định: “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định tại quy định Điều 34 của Luật này”. Đây là một bất cập, vì thực tế cho thấy, tâm lý không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc là tâm lý chung của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đều có tình trạng này, vì việc bố trí việc làm cho người khuyết tật ngoài việc làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng nơi làm việc cho người khuyết tật còn có thể làm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, yêu cầu người khuyết tật trong khi làm việc. Vậy nên, dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc.

 

+ Luật Người khuyết tật chưa quy định cụ thể đối tượng được hưởng ưu đãi trong tạo việc làm cho người khuyết tật là chưa phù hợp, không khuyến khích được các doanh nghiệp tích cực sử dụng lao động là người khuyết tật. Điều 34 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp”.

 

Nếu so với các quy định trước đây thì quy định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật năm 2010 đã giảm bớt điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật khi giảm xuống còn 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thay vì 50% như trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế, số cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật đạt tỷ lệ từ 30% tổng số lao động trở lên không nhiều, nên một số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật - nhưng dưới 30% tổng số lao động - đã không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Điều này cũng là một bất cập, gây nên sự không bình đẳng giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật với cơ sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng lao động là người khuyết tật.

 

+ Luật Người khuyết tật cũng chưa quy định chế độ ưu đãi trong lĩnh vực lao động và việc làm cho những người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật nặng. Thực tế cho thấy, khi trong gia đình có người khuyết tật nặng thì sẽ có ít nhất một người trong gia đình không thể tham gia lao động bình thường để có thu nhập thường xuyên, do phải chuyên tâm chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ cho người khuyết tật nặng. Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010 mới chỉ quy định về việc hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó và người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng mà chưa có một quy định cụ thể nào về chế độ ưu đãi trong lĩnh vực lao động và việc làm cho những người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật.

 

Để thực hiện quyền được tạo việc làm của người khuyết tật, thực hiện tiêu chí dạy nghề cho người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 mà Đề án trợ giúp người khuyết tật đề ra, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành cần có sự quan tâm, nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng những vấn đề trên để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật trong thời gian tới./.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ


PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE người khuyết tật , trẻ mồ côi , dạy nghề

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi