Thứ hai, 14 Tháng 9 2015 10:02

Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khiếm thính bao gồm người điếc, người nghe kém và người mới bị mất thính lực. Số người khiếm thính ở độ tuổi lao động chiếm 60%. Khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tinh mắt là ưu điểm nổi trội của người khiếm thính. Nhưng, lực lượng này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Hiểu về những vấn đề của người khiếm thính sẽ giúp nhân viên xã hội hỗ trợ họ tốt hơn trong việc thể hiện khả năng của mình, đóng góp cho xã hội.

 

Nghe CTXH

 

Thực trạng người khiếm thính

 

Về giáo dục, hầu hết các trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính tại Việt Nam đều ở bậc mầm non và tiểu học, rất ít trường có chương trình cấp hai. Một số trường chuyên dạy trẻ khiếm thính (một dạng tật), số trường còn lại dạy chung với trẻ chậm phát triển. Trẻ khiếm thính mất từ 7 - 10 năm cho chương trình tiểu học, một số ít theo được tới cấp hai rồi cũng ra trường. Khi đó, độ tuổi trung bình của các em đã là 25. Bên cạnh đó, vẫn có một số em không được đi học, hoàn toàn mù chữ và không biết cả ngôn ngữ ký hiệu. Trong khi người nghe bình thường có rất nhiều cơ hội học tập từ giáo dục chính quy, bổ túc, giáo dục thường xuyên cho tới đào tạo từ xa thì người khiếm thính chỉ có trường chuyên biệt cho họ và chỉ có số ít có cơ hội học hòa nhập.

 

Sau khi rời trường chuyên biệt, các em khiếm thính bước vào đời với hành trang bằng ba con số 0: không thể giao tiếp, không chuyên môn, không có thông dịch ngôn ngữ ký hiệu (NNKH), các em khó tìm việc làm hoặc công việc không ổn định. Nếu như trước đây, ít doanh nghiệp chịu nhận người khiếm thính vào làm việc, thì ngày nay, đã có nhiều công ty trực tiếp tìm tới trung tâm khiếm thính hay các câu lạc bộ khiếm thính để tuyển dụng lao động. Cơ hội mở ra, nhưng không phải người khiếm thính nào cũng nắm bắt được.

 

Trong tiếp cận luật pháp, người khiếm thính dù rất muốn tuân theo luật nhưng lại không có cơ hội hiểu luật – không được học và không tự học luật được do học vấn thấp. Người khiếm thính cũng cần được tiếp nhận thông tin, có nhu cầu tham gia vào các hoạt động xã hội, có nhu cầu học nghề và tìm việc làm để kiếm sống. Họ cũng bị bệnh và cần được chăm sóc y tế. Họ cũng có khi phạm tội và đôi lúc phải ra tòa. Vấn đề là họ cần có thông dịch NNKH để tiếp cận được với các dịch vụ xã hội, để chất lượng cuộc sống được tốt hơn. Lực lượng thông dịch Ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) hiện là con số rất khiêm tốn. Người thông dịch NNKH, những người có thể hỗ trợ người khiếm thính tiếp cận xã hội, thì không được đào tạo một cách chính thức. Các thông dịch viên là người không khiếm thính (người nghe) học NNKH từ người điếc qua tham gia sinh hoạt tại các Câu lạc bộ (CLB) của người điếc hoặc là người thân của người điếc. Khi không được đào tạo chuyên nghiệp thì chất lượng phiên dịch cũng không cao và như vậy người điếc không hiểu hoặc không nhận diện rõ vấn đề.

 

Trong vấn đề giao tiếp vẫn còn nhiều người khiếm thính đang cô độc trong chính gia đình họ vì không giao tiếp được. Có người khiếm thính trên bốn mươi tuổi đầu chưa hề được đi học, không biết gì ngoài mấy tiếng ú ớ, gật lắc đầu. Gia đình kêu đi mua đồ thì viết trên tờ giấy. Anh sống cả đời ở xóm mà không ai biết tên gì, chỉ quen miệng gọi “thằng câm”. Hay có em gái khiếm thính, cũng đi làm như mọi người, nhưng vẫn “được” gia đình gọi là “chị câm”. Hoặc là em trai tuổi đôi mươi, chỉ biết gật đầu, lắc đầu và cười bẻn lẻn ...

 

Yêu cầu với nhân viên xã hội

 

Những vấn đề nêu trên cho thấy sự cần thiết của nhân viên xã hội với đối tượng người khiếm thính. Nhân viên xã hội khi làm việc với người khiếm thính không chỉ giúp đỡ dựa trên trách nhiệm, nghề nghiệp chuyên môn, vì tình người mà còn phải giao tiếp được, am hiểu về người khiếm thính và tâm lý của đối tượng này. Muốn vậy một nhân viên xã hội cần phải có đầy đủ các tố chất về đạo đức nghề nghiệp, kiến thức nền tảng và các kỹ năng cơ bản khi tiếp xúc với người khiếm thính.

 

Về đạo đức nghề nghiệp, ngành nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, làm việc với người khiếm thính cũng vậy. Người khiếm thính không nghe và nói được, hiểu sự việc chậm và không bao quát, nhân viên xã hội đôi khi vừa là người bạn, người thầy, người chị/anh, vừa là vú em, quản gia lo hết mọi thứ nhưng lại phải để cho thân chủ tự ra quyết định. Vấn đề nghe mâu thuẫn nhưng sự thật là vậy. Người khiếm thính, nhất là người điếc, biết yêu cầu giúp đỡ nhưng lại ra điều kiện “phải hỏi ý kiến họ và phải để tự họ thích làm gì thì làm?”.

 

Đối với một số nước phương tây, người hỗ trợ người khiếm thính còn không được phép ngồi ngang hàng cùng người khiếm thính. Một câu hỏi của người khiếm thính đưa ra cho dù biết trả lời hay câu hỏi không phù hợp lắm, người hỗ trợ vẫn phải làm theo yêu cầu của người khiếm thính, không tự ý trả lời thay cho người khiếm thính.

 

Một nhân viên xã hội làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào của ngành công tác xã hội cũng đều phải có kiến thức về lĩnh vực và đối tượng mà mình đang làm. Đối với lĩnh vực khiếm thính cũng vậy, vấn đề ở chỗ làm thế nào để giao tiếp được với thân chủ khiếm thính, tìm thông tin liên quan như thế nào và tìm ở đâu. Nếu như ở các lĩnh vực khác, tâm sinh lý của thân chủ có thể tham khảo sách báo, học hỏi lẫn nhau vì ít nhiều đều có nhân viên xã hội có kinh nghiệm, thì với lĩnh vực khiếm thính điều này là khó có thể. Sách báo về lĩnh vực khiếm thính khan hiếm, không giao tiếp được, học vấn của thân chủ thấp làm thế nào giúp họ nhìn ra vấn đề?

 

Nhân viên xã hội cũng phải có kiến thức về giáo dục đặc biệt, thính học và những vấn đề liên quan tới thân chủ khiếm thính để khi gặp ca sẽ hiểu tại sao thân chủ lại có suy nghĩ và hành động như thế. Các giáo viên dạy trẻ khiếm thính luôn gặp khó khăn khi giải thích cho trẻ hiểu một từ trừu tượng. Tư duy hạn chế, một người khiếm thính tuổi trên 20, nhưng có hiểu biết và tâm lý chỉ độ tuổi thiếu nhi (mẫu giáo hoặc tiểu học, tùy theo trình độ văn hóa) nhưng vấn đề họ cần nhân viên xã hội giúp vẫn là vấn đề của tuổi trưởng thành. Vậy làm thế nào để trong một điều kiện nhất định về thời gian và năng lực, nhân viên xã hội giúp được thân chủ khiếm thính tăng sức mạnh nội lực để giải quyết vấn đề?

 

Khi làm việc với người khiếm thính, ngoài điều kiện chủ quan “cách thân chủ giao tiếp, từ ngữ thân chủ có thể hiểu” nhân viên xã hội còn phải quan tâm đến các yếu tố khách quan như không gian, vị trí, nét mặt, cử chỉ, ánh sáng ảnh hưởng đến hiệu quả của buổi trò chuyện. Kỹ năng tiếp đến là sự kiên nhẫn, kiên nhẫn và thật sự kiên nhẫn. Nhân viên xã hội phải ý thức được rằng vấn đề của thân chủ có thể đã được giải thích, nói đi nói lại nhiều lần nhưng cuối cùng thân chủ vẫn cứ khăng khăng theo ý họ. Không phải họ không tôn trọng nhân viên xã hội, cũng không phải họ không muốn hợp tác, mà là họ chưa đủ thời gian để hiểu. Nhân viên xã hội không chỉ làm việc với thân chủ khiếm thính mà còn phải làm việc với gia đình họ, và đôi khi vấn đề gặp phải lại đến từ phía gia đình.

 

Với sự hỗ trợ tích cực từ các nhân viên xã hội, người khiếm thính sẽ từng bước khắc phục được khó khăn của mình, hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn./.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE người khiếm tính , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi