Thứ hai, 28 Tháng 9 2015 11:58

Nhằm giúp người điếc nói chung và phụ nữ điếc nói riêng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các chương trình chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng đã phối hợp cùng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm “Môi trường y tế tiếp cận cho người điếc” và khám sức khỏe sinh sản miễn phí dành cho phụ nữ điếc Hà Nội. Chương trình có sự tham dự của các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các hội viên chi Hội Người điếc Hà Nội và đại diện một số tổ chức quan tâm đến lĩnh vực này.

 

Tạo cơ hội tiếp cận y tế cho người điếc

 

“Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ và chồng tôi cũng bị điếc như tôi nên không biết nhờ ai giúp đỡ tôi khi đi khám thai định kỳ. Tôi không biết thông tin về sức khỏe sinh sản nên tự mình tìm hiểu thông qua bạn bè đã có gia đình. Mỗi khi đi khám thai, thấy các bác sĩ và y tá có vẻ khó chịu khi tiếp nhận tôi là bệnh nhân điếc nếu không có người thân đi kèm, chăm sóc cho tôi cũng không được tốt như người bình thường. Chồng tôi không biết cách giúp đỡ tôi khi đi khám và sinh đẻ, ngay cả nuôi con cũng không biết. Tôi rất mong nhận được sự tư vấn, giúp đỡ của các bác sĩ cho tôi và những phụ nữ điếc như chúng tôi”. Đó câu chuyện của một phụ nữ điếc tại Hà Nội chia sẻ.

 

 

Tiep can y te cho nguoi diec

Chị Hoàng Thị Linh, một người điếc ở Hà Nội chia sẻ vấn đề của mình và người đồng cảnh trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

 

 

Nếu phụ nữ khuyết tật được đánh giá là một trong những đối tượng yếu thế của xã hội, thì phụ nữ điếc là đối tượng bị hạn chế hơn cả khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục. Thấu hiểu điều đó, từ năm 2012, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng đã có nhiều hoạt động trong chương trình “Xương rồng vẫn nở hoa” nhằm hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, trong đó có phụ nữ điếc tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục và hòa nhập cộng đồng.

 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình thăm khám từ miền Bắc đến miền Trung nhằm tăng cường cơ hội được tiếp cận với y tế cho chị em phụ nữ khuyết tật. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy nhóm người điếc nói chung, phụ nữ điếc nói riêng do đặc thù về dạng tật, khó giao tiếp nên họ gặp những khó khăn, thiệt thòi hơn trong cộng đồng. Vì vậy, năm nay chúng tôi đã thực hiện chuỗi hoạt động dành riêng cho phụ nữ điếc để từng bước giúp họ tiếp cận gần hơn với dịch vụ y tế và được chăm sóc sức khỏe.”

 

Trong khuôn khổ chương trình, với sự tài trợ của Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội (HIWC), Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng phối hợp cùng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiến hành tọa đàm “Môi trường y tế tiếp cận cho người điếc” và khám sức khỏe sinh sản miễn phí dành cho phụ nữ điếc, Hà Nội tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Điểm đặc biệt của chương trình là nâng cao quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ điếc thông qua hoạt động khám sức khỏe và tư vấn hoàn toàn miễn phí và nâng cao nhận thức của y, bác sĩ về khó khăn, rào cản và quyền lợi của phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ điếc.

 

“ACDC hy vọng, qua buổi tọa đàm, các y bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ hiểu hơn về tâm lý, các vấn đề của phụ nữ điếc để cùng chung tay tháo gỡ những rào cản với người điếc, khám và tư vấn sức khỏe cho họ được hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.

 

Hiểu và làm việc hiệu quả với người khiếm thính trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

 

Tham dự buổi tọa đàm không chỉ có lãnh đạo, các hội viên chi Hội Người điếc Hà Nội mà còn có đông đủ lãnh đạo, bác sĩ, y tá, điều dưỡng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, đại diện một số tổ chức làm việc và hỗ trợ người điếc.

 

Nhằm giúp các y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiểu hơn về người điếc và các vấn đề liên quan để thuận tiện trong quá trình thăm khám và điều trị cho nhóm đối tượng này, bà Lê Thị Kim Cúc - đại diện cho tổ chức Tầm nhìn thế giới tại buổi tọa đàm đã có bài phân tích, chia sẻ kinh nghiệm làm việc với người khiếm thính.

 

 

Tiep can y te cho nguoi diec 1

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng thảo luận về phương pháp tiếp cận và hỗ trợ phụ nữ điếc trong quá trình thăm, khám bệnh

 

 

Theo bà Cúc, các bác sĩ cần phân biệt người điếc với người khiếm thính để từ đó có phương pháp hỗ trợ phù hợp. Thông qua việc đưa ra các khái niệm người khiếm thính (là người mất sức nghe sau khi đạt được ngôn ngữ, thường có thể học cách giao tiếp qua đọc hình miệng) và người điếc (thuộc cộng đồng người điếc, có ngôn ngữ riêng, văn hóa riêng và niềm tin riêng), bà Lê Thị Kim Cúc chỉ ra sự khác biệt giữa hai nhóm người này. Nếu người khiếm thính còn có khả năng nghe tùy theo mức độ, nếu được can thiệp sớm, sử dụng máy trợ thính phù hợp hoặc cấy điện cực ốc tai thành công, được học nói đúng cách thì có nhiều người vẫn có khả năng học nói và đọc hình miệng tốt thì người điếc không thể nghe được nên không thể nhại lại được âm thanh, họ nghe bằng mắt, nói bằng tay và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

 

Từ những đặc điểm đã phân tích, bà Lê Thị Kim Cúc khuyến nghị khi các y, bác sĩ khi giao tiếp với bệnh nhân là người điếc/người nghe kém/người khiếm thính không được đến trường, cần nói chậm, nhìn mặt đối mặt với họ. Với những đối tượng khác nhau, các y, bác sĩ có thể sử dụng các cách thức giao tiếp khác nhau như: ngôn ngữ ký hiệu, nói chậm, viết ra giấy hoặc cử chỉ điệu bộ, dùng hình ảnh hoặc thị cụ minh họa. Trong trường hợp nghiêm trọng, các y, bác sĩ cần yêu cầu người nhà gọi phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu nếu có thể được. Bà Lê Thị Kim Cúc cũng khẳng định, trong việc khám, chữa bệnh cho người điếc, các bác sĩ nên cho người điếc biết về tình trạng sức khỏe của mình và để người điếc được tham gia quyết định vấn đề của họ.

 

Anh Nguyễn Tuấn Linh - Chủ tịch chi Hội Người điếc Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm đã đánh giá: “Đây là một buổi hội thảo đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự hợp tác giữa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng và chi Hội Người điếc Hà Nội trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người điếc, đặc biệt là phụ nữ điếc. Chúng tôi cũng hiểu rõ, vấn đề giao tiếp với người điếc là khó khăn đối với những người nghe nói chung và các y, bác sĩ nói riêng. Người điếc khi không thể diễn đạt cho người nghe hiểu được vấn đề của mình cũng rất khổ tâm. Vì vậy, khi biết về chương trình này, các bạn điếc rất hào hứng, rất vui. Trong khám chữa bệnh đơn giản, các bác sĩ có thể hỏi trực tiếp người điếc bằng cách nói chậm, diễn tả bằng cử chỉ, điệu bộ hoặc kiên trì viết ra giấy. Với những vấn đề chuyên sâu cần có phiên dịch hỗ trợ. Mong các bác sĩ hãy kiên trì hỗ trợ người điếc được chăm sóc sức khỏe, vì đây là một chương trình hết sức ý nghĩa với người điếc”.

 

Lắng nghe những ý kiến phát biểu và chia sẻ của các chuyên gia, của chính người điếc về vấn đề chăm sóc sức khỏe, Th.s-Bs CKII Lê Thanh Thúy - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã rất xúc động. Bà cho biết, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là nơi chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và nam giới về các vấn đề bệnh lý, vô sinh, chuyên khoa I. Đây là Bệnh viện lớn nhất Thủ đô với hơn 40.0000 ca sinh/năm, 1.500 - 2.000 lượt người khám chữa bệnh/ngày. Khả năng đáp ứng 600 giường bệnh. Dù vậy, hạn chế của Bệnh viện đến nay chưa có phòng khám dành riêng cho phụ nữ khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khiếm thính, chưa có nghiệp vụ trong vấn đề tiếp cận với đối tượng bệnh nhân này. Vì vậy, cho đến nay, nếu phụ nữ khiếm thính đến khám chữa bệnh, nếu không có người nhà hoặc người phiên dịch, các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Đây là một sự chưa hoàn thiện trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng phụ nữ, chưa có sự quan tâm đúng mức đến đối tượng này. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ chú trọng hơn để đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật tốt nhất có thể.

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng lắng nghe kinh nghiệm của các y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về thăm khám, điều trị cho phụ nữ điếc. Các vấn đề liên quan đến giao tiếp, hỗ trợ người điếc cũng được bàn thảo rất sôi nổi.


 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ


Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi