Có thể nói, hệ thống chăm sóc người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, vấn đề nhận thức về NCT còn hạn chế, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chưa đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh của NCT và bản thân NCT cũng chưa nhận thức được đầy đủ sự cần thiết phải chăm sóc, bảo vệ bản thân... Đây chính là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng NCT Việt Nam sống lâu nhưng chưa sống khỏe. Để góp phần thực hiện Đề án của Chính phủ về Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020, cũng như đáp ứng và giải quyết những vấn đề về chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn cho NCT, đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ nhân viên CTXH, cũng như nhân rộng mô hình CTXH với NCT.
Nhu cầu CTXH đối với NCT
Sau năm 2010, Việt Nam đã không còn là nước có dân số trẻ khi số NCT chiếm trên 10% dân số và theo dự báo, con số này sẽ tăng lên khoảng 18% vào năm 2025 và năm 2050 chiếm gần 30% dân số cả nước. Tốc độ này sẽ là thách thức lớn đối với các cấp, các ngành có liên quan trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Cần đào tạo đội ngũ cán bộ CTXH chuyên sâu về NCT
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm sóc NCT, điều này thể hiện rõ qua Hiến pháp và nhiều bộ luật liên quan, các Chỉ thị, Nghị định, Thông tư…; các tổ chức hội, đoàn thể cũng đã giúp NCT nâng cấp nhà tạm, tổ chức mừng thọ, chúc thọ vào dịp đầu xuân, ngày Quốc tế NCT, thành lập CLB ông bà cháu, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, CLB nghệ thuật, thơ ca, thể dục, dưỡng sinh… Mặc dù vậy, những hoạt động trên mới đáp ứng một phần nhu cầu của NCT. Số đông NCT vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế, thể dục, thể thao, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo các chuyên gia về CTXH, NCT là một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm sống, họ góp phần quan trọng trong việc khuyên dạy con cháu, giúp nhiều người áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, phát triển các hình thức hoạt động giáo dục, y tế... Bên cạnh ưu thế đó, NCT thường bị suy yếu các chức năng cơ thể nên giảm khả năng nghe, nhìn; gân cốt suy nhược khiến việc ngồi, đi đứng khó khăn; phản ứng chậm dẫn tới tình trạng cơ thể mất thăng bằng, dễ bị té ngã, rạn, gãy xương; suy giảm trí nhớ...
Tuy nhiên, các loại hình dịch vụ chăm sóc NCT ở nước ta còn rất yếu và thiếu. Phần lớn sự chăm sóc chủ yếu còn mang tính trợ cấp, cứu trợ. ở các tỉnh, thành phố đều có Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, nhưng đối tượng được vào các trung tâm này rất hạn chế, nguyên nhân là do chức năng, nhiệm vụ được giao nên các trung tâm chỉ tiếp nhận và tổ chức phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng các đối tượng chính sách ưu đãi, người có công, hay với các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội trong đó có NCT thì tiêu chuẩn phải là NCT cô đơn, không nơi nương tựa.
Nhưng trong thực tế cho thấy, nhiều gia đình có nhu cầu được tư vấn, tham vấn của nhân viên CTXH về các kỹ năng, phương pháp chăm sóc NCT hoặc đưa NCT đến các trung tâm để được nhân viên CTXH hỗ trợ, tư vấn, tham vấn...
Hướng phát triển CTXH với NCT
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc, hỗ trợ NCT, cần chú trọng thành lập các Trung tâm CTXH theo mô hình xã hội hóa, trong đó mở rộng mạng lưới nhân viên CTXH cấp cơ sở xã, phường. Từ đó, đội ngũ nhân viên CTXH sẽ đến tận gia đình NCT để trực tiếp thực hiện các dịch vụ như xác định vấn đề, xây dựng kế hoạch, giúp NCT tham gia và gắn bó các sinh hoạt cộng đồng; tham vấn, điều chỉnh các mối quan hệ giữa NCT với các thành viên trong gia đình; cung cấp các dịch vụ tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc NCT cho các thành viên trong gia đình để họ tạo ra môi trường hỗ trợ tốt nhất cho NCT; tư vấn, hướng dẫn các công việc phù hợp với NCT, tạo cho họ niềm vui, tạo thu nhập và làm giảm cảm giác lệ thuộc. Sự đánh giá và giám sát của nhân viên CTXH một cách thường xuyên, liên tục sẽ góp phần vào việc phát hiện sớm, nâng cao hiệu quả can thiệp chăm sóc sức khỏe NCT.
Sự tham gia tư vấn, tham vấn thường xuyên của nhân viên CTXH góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, tạo ra niềm vui với NCT
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tiến - Trưởng khoa CTXH Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam: “So với đối tượng khác như trẻ em, người khuyết tật thì CTXH với NCT vẫn còn khá mới mẻ trong đào tạo chuyên ngành CTXH ở Việt Nam. Vì vậy, cần phải đào tạo đội ngũ nhân viên CTXH chuyên sâu ngay từ khi còn học trong trường Đại học, thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cán bộ CTXH và những người làm việc trực tiếp với NCT. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội và lãnh đạo của các cơ quan liên quan về CTXH với NCT”.
Bên cạnh đó, ông Tiến cũng cho rằng, trong điều kiện già hóa dân số, nhiều vấn đề phải đặt ra đối với NCT ở nước ta hiện nay, vì vậy cần sớm nhận thức về sự cần thiết phát triển CTXH với NCT và tạo các điều kiện cho sự phát triển này như có thể xem xét, kết hợp đào tạo nhân viên trong lĩnh vực y tế về CTXH đối với NCT; chú trọng công tác quản lý ca, tham vấn, đa dạng hóa các loại dịch vụ trợ giúp NCT, đồng thời thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu về CTXH với NCT…
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đội CTXH Trường Đại học Thủy Lợi TP.HCM: Cng hiến sức trẻ cho hoạt động CTXH - 30/10/2015 06:51
- Chăm sóc sức khỏe người khuyết tật - 30/10/2015 06:48
- Phát hiện, can thiệp sớm: Cơ hội cải thiện tình trạng khuyết tật cho trẻ - 30/10/2015 06:44
- Trung tâmPhục hồi chức năng- Phẫu thuật chỉnh hình tỉnh Quảng Ninh: Đổi mới, nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:25
- Trung tâm PTCH - PHCN tỉnh Quảng Ninh: Đổi mới, nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:23
Các tin khác
- Vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ khuyết tật - 28/09/2015 05:03
- Tọa đàm “Môi trường y tế tiếp cận cho người điếc” - 28/09/2015 04:58
- An sinh xã hội cho người khuyết tật: Kinh nghiệm của nước Đức - 28/09/2015 04:36
- Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH - 28/09/2015 04:28
- Việc làm cho người khuyết tật: Những bất cập cần được tháo gỡ - 14/09/2015 03:21