Thứ hai, 28 Tháng 9 2015 12:03

Là tổ chức bảo vệ và trợ giúp người khuyết tật ở một tỉnh miền núi Nam Tây nguyên, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo - người tàn tật và trẻ mồ côi Lâm Đồng đã đi từ hoạt động nhân đạo từ thiện sang hoạt động tiếp cận đảm bảo quyền của người khuyết tật, trong đó đặc biệt quan tâm tổ chức chương trình “Phẫu thuật, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật”. Sự quan tâm đặc biệt này đã giúp cho hàng trăm trẻ khuyết tật có cơ hội cải thiện sức khỏe, phát triển thể lực và trí tuệ, tham gia học tập và hòa nhập cộng đồng.

 

Can thiệp sớm - cơ hội phát triển tối đa cho trẻ khuyết tật

 

Người khuyết tật không chỉ cần sự giúp đỡ hảo tâm mà họ cần, rất cần sự trợ giúp tiếp cận với các dịch vụ y tế, được phẫu thuật, giảm thiểu tình trạng tật, phục hồi chức năng để cơ thể lành lặn hơn, có cuộc sống tốt hơn. Phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng chỉ mang lại hiệu quả cao khi người khuyết tật nằm trong độ tuổi mầm non, tuổi thiếu niên. ở độ tuổi này nếu được can thiệp sớm bằng phẫu thuật sẽ hạn chế tác hại của các dạng tật, tạo điều kiện kích thích sự phát triển tối đa, chuẩn bị tốt cho trẻ khuyết tật phát triển cơ thể và các kỹ năng để có một tương lai tốt đẹp hơn.

 

De an Lam dong 1

Ông Trần Lực (đứng) cùng trẻ khuyết tật sau phẫu thuật

 

Là tổ chức bảo vệ và trợ giúp người khuyết tật ở một tỉnh miền núi Nam Tây nguyên, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo - người tàn tật và trẻ mồ côi Lâm Đồng đã đi từ hoạt động nhân đạo từ thiện sang hoạt động tiếp cận đảm bảo quyền của người khuyết tật, trong đó đặc biệt quan tâm tổ chức chương trình “Phẫu thuật, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật”. Sự quan tâm đặc biệt này thể hiện ở khía cạnh “Trong mọi hành động liên quan tới trẻ em khuyết tật, lợi ích tốt nhất của trẻ phải được đặt lên hàng đầu” và “Phải tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm cho trẻ em khuyết tật được hưởng trọn vẹn các quyền và tự do cơ bản của con người trên cơ sở bình đẳng với các trẻ em khác”. Đây cũng chính là những nội dung ghi trong Điều 7 Công ước của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc về Quyền của người khuyết tật. Điều 4 Luật Người khuyết tật của Việt Nam cũng ghi rõ: “Giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật; Ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em”.

 

Những kết quả đáng mừng

 

Với định hướng chú trọng, quan tâm đến đối tượng trẻ em khuyết tật, hơn 3 năm qua tỉnh Hội Lâm Đồng đã mở rộng hoạt động đối ngoại, tiếp xúc làm việc với các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam để vận động tài trợ cho chương trình trình “Phẫu thuật, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật”. Trong đó, Hội đã vận động Tổ chức Children Action – Thụy Sĩ tài trợ toàn bộ chi phí khám sàng lọc cho hơn 2.000 lượt trẻ khuyết tật, tài trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng cho 479 lượt trẻ em khuyết tật cơ quan vận động, trẻ bị sẹo lồi, sẹo bỏng, trẻ bị tai nạn thương tích. Cũng chính tổ chức Children Action cũng đã thông qua Hội, tặng xe bại não và khung tập đi cho 10 trẻ khuyết tật sau phẫu thuật chỉnh hình, tiêm thuốc điều trị bại não cho 14 trẻ bị bại não bẩm sinh với tổng số tiền tài trợ là 8.541.000.000 đồng.

 

De an Lam dong

Các bác sĩ đến từ Pháp kiểm tra tình trạng tật cho trẻ em bị tật sẹo lồi, sẹo bỏng

 

Cùng với Children Action, tổ chức Resurge International và tổ chức Heart and Hope – Hoa Kỳ qua sự vận động của Hội đã tài trợ phẫu thuật cho 127 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch, 21 trẻ bị dị tật do bỏng, bị mãng hắc tố và phẫu thuật chỉnh hình bàn tay, bàn chân cho 14 trẻ em với tổng chi phí tài trợ là 1.372.000.000 đồng. Tất cả các ca phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật đều được các bác sĩ chuyên khoa của các nước Pháp, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, ý, Tây Ban Nha đảm nhận. Tổng chi phí được tài trợ cho chương trình này là 9.913.000.000 đồng.

 

Tại Điều 2 Luật Người Khuyết tật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành đã giải thích rằng: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Với khái niệm này thì những người bị các dị tật về mắt, bị tim bẩm sinh cũng là người khuyết tật, lao động, sinh hoạt, học tập của những đối tương này cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngoài chương trình “Phẫu thuật, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật”, tỉnh Hội Lâm Đồng đã tập trung tổ chức chương trình: “Phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo cho bệnh nhân nghèo và người cao tuổi” và chương trình “Cứu trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh”.

 

Khi Hội chưa thành lập, việc vận động tài trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh do Quỹ Bảo trợ trẻ em của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng đảm nhận. Từ ngày Hội đi vào hoạt động thì toàn bộ chương trình tài trợ phẫu thuật tim được chuyển giao cho Hội. Mặc dù mới thành lập, chưa có nhiều kinh nghiệm vận động tài trợ nhưng hơn 3 năm qua tỉnh Hội Lâm Đồng đã vận động được 8 tổ chức trong và ngoài nước tài trợ phẫu thuật cho 511 trẻ em và 17 người lớn bị bệnh tim với số tiền 31.680.000.000 đồng. Hơn 8.000 trẻ em và bệnh nhân nghèo đã được các bệnh viện Nhi đồng 2, Hoàn Mỹ Sài Gòn, Viện Tim Tâm Đức và Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh khám tầm soát các bệnh về tim mạch miễn phí.

 

Với tinh thần không để trẻ em nghèo nào chết vì bị bệnh tim, Hội đã chủ động nguồn tài trợ để khi có bệnh nhân tim được chỉ định mổ là Hội đưa đi nhập viện để bệnh nhân đó được mổ sớm từ sự hỗ trợ chi phí mổ của các tổ chức: Children Action - Thụy Sĩ, Tập đoàn VinaCapital, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Hiểu về trái tim, Tập đoàn Chandler Corporation, tổ chức Alain Carpentier, Chính phủ ả Rập Xê út và Quỹ Trái tim Hằng Hữu...

 

Phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo theo phương pháp Phaco nhũ tương hóa tinh thể là hình thức phẫu thuật tốn nhiều chi phí, bình quân mỗi case mổ bằng phương pháp này là 7.000.000 đồng. Không để bệnh nhân nghèo và người cao tuổi bị đục thủy tinh thể phải vào thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật, Hội đã chủ động tìm nguồn tài trợ, mời Bệnh viện Mắt và các bác sĩ Khoa Mắt kỹ thuật cao về các địa phương trong tỉnh khám sàng lọc cho 15.000 người và phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo theo phương pháp Phaco cho 3.159 người, mổ cắt mộng thịt và mổ thay thủy tinh thể theo phương pháp thủ công cho 961 người với tổng số tiền là 22.113.000.000 đồng. Nguồn tài trợ chủ yếu từ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thanh niên, Câu lạc bộ Phu nhân các Lãnh sự quán các nước tại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty DaiIchi Nhật Bản, Công ty JTI Thụy Sĩ, Bệnh viện Saint Paul thành phố Hồ Chí Minh, các Tập đoàn Kinh tế và các Tổng Công ty cùng các diễn viên Điện ảnh tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Hơn 3 năm hoạt động, tỉnh Hội Lâm Đồng đã vận động nguồn quỹ đạt trên 246,1 tỷ đồng và đã dành 63,7 tỷ đồng tài trợ cho các chương trình phẫu thuật để trẻ khuyết tật tự bước đi trên đôi chân của mình, để những trái tim trẻ thơ không còn lỗi nhịp và để những người bị đục thủy tinh thể tránh được nguy cơ mù lòa.

 

Chúng ta vẫn nói rằng: “Không ai được chọn sinh ra như thế nào, nhưng hoàn toàn có quyền được chọn sống như thế nào”, người khuyết tật cũng vậy, họ không được chọn sinh ra như thế nào nhưng họ có quyền được chọn sống như thế nào. Vì thế phải đi từ gốc trong việc hỗ trợ người khuyết tật, đó là giúp họ được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng. Đó là phát hiện sớm và can thiệp sớm nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa khuyết tật tăng thêm; giúp người khuyết tật có thể thực sự hòa nhập cộng đồng đồng thời giảm bớt gánh nặng cho xã hội.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi