Trong thời gian qua, công tác truyền trông đã đóng góp tích cực trong việc làm thay đổi nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về quyền và hòa nhập cộng đồng xã hội của trẻ khuyết tật. Để công tác truyền thông tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức về quyền của trẻ khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tổ chức tập huấn truyền thông tiếp cận dựa trên quyền và hòa nhập xã hội của trẻ khuyết tật. Mục đích tập huấn nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức thúc đẩy thực hiện các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền của người khuyết tật, Chiến lược Inchoen giai đoạn 2013 - 2020 của khu vực châu á - Thái Bình Dương và Luật Người khuyết tật, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách, Đề án Trợ giúp NKT và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hiện thực hóa quyền của NKT.
Toàn cảnh buổi tập huấn
Theo đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, thì chương trình tập huấn này là một trong những hoạt động liên quan đến truyền thông về quyền của trẻ em khuyết tật đầu tiên mà UNICEF phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện. UNICEF hi vọng qua chương trình tập huấn và tài liệu được cung cấp các nhà báo sẽ có cách tiếp cận đa dạng hơn dựa trên quyền của trẻ em khuyết tật qua đó tác động đến nhận thức của cộng đồng và xã hội”.
Nội dung tập huấn tập trung vào cung cấp các thông tin về Luật NKT và các đề án trợ giúp và các chính sách, chương trình trợ giúp NKT/ trẻ khuyết tật; Giới thiệu Công ước quốc tế về quyền trẻ em với các quyền đặc biệt có liên quan đến trẻ khuyết tật, các nguyên tắc chủ chốt và các nhóm quyền.
Tham gia chương trình tập huấn có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện UNICEF và các phóng viên, biên tập viên đại diện các cơ quan báo chí.
Quyền tiếp cận của NKT còn nhiều rào cản
Bà Lê Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Trong nhiều năm qua, thực hiện Luật NKT, công ước của LHQ về Quyền NKT và các chính sách, chương trình trợ giúp NKT của Chính phủ, công tác hỗ trợ, trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức, đời sống, sinh hoạt của người khuyết tật đã được từng bước nâng cao. Dù vậy, người khuyết tật vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công như: giao thông, y tế, giáo dục… mà cụ thể là tiếp cận tại các công trình công cộng, trường học, bệnh viện. Đặc biệt, đối với trẻ em khuyết tật trong học hành, y tế, phục hồi chức năng… vẫn còn nhiều rào cản. Vì vậy, người khuyết tật vẫn chưa được tạo điều kiện tối đa cũng như tạo các cơ hội thích hợp để có thể phát huy hết khả năng của mình, dẫn tới đời sống của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong xã hội vẫn còn sự phân biệt đối xử với NKT, nhất là trong tuyển dụng việc làm của các doanh nghiệp. Nhận thức của các cơ quan ban, ngành, gia đình và bản thân NKT về chính sách đối với NKT còn chưa đầy đủ. Do vậy, công tác truyền thông can thiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cộng đồng thực hiện Luật Người khuyết tật, thay đổi nhận thức của xã hội để có chương trình, chính sách tốt, tạo cơ hội cho NKT có thể tham gia hòa nhập vào xã hội. Trong đó trẻ em khuyết tật là đối tượng cần được cộng đồng, xã hội và gia đình đặc biệt chú ý, chăm sóc và bảo vệ”.
Quyền của trẻ em khuyết tật cần được tôn trọng
Trong chương trình tập huấn, các giảng viên đã giới thiệu cách thức tiếp cận trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng dựa trên quyền và trao đổi công tác truyền thông về trẻ em nhằm cùng tìm ra phương cách tốt nhất để bảo vệ quyền trẻ em, giúp trẻ em đóng vai trò nhất định trong công tác truyền thông đại chúng. Các giảng viên cũng nhấn mạnh trong truyền thông “trước tiên và trước hết, trẻ em phải được tôn trọng như là một người bình thường mặc dù trẻ có thể là người phụ thuộc, cả tin và dễ bị bóc lột hoặc lạm dụng”…
Học viên tại buổi tập huấn phát biểu
Mặt khác, quyền của trẻ em khuyết tật cần được tôn trọng khi chính các em được tham gia, trình bày, biểu đạt câu chuyện của chính mình. Nhiều trẻ khuyết tật không thể phát huy hết các khả năng của mình khi bị đối xử phân biệt trong cộng đồng hay chính trong gia đình khi cho rằng các em không có tiềm năng và khả năng học tập, làm việc. Chính vì vậy, khi tiếp cận trẻ khuyết tật, các nhà báo, hoặc các phương tiện truyền thông phải có cái nhìn đúng đắn, tôn trọng để trẻ em khuyết tật có một vị thế “đúng” trong vấn đề được truyền tải. Truyền thông cần tạo ra cơ hội cho trẻ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về những hy vọng và e ngại, thành công, tác động của hành vi của người lớn đối với cuộc sống của trẻ em hơn là mô tả trẻ em là “nạn nhân thầm lặng”. Thông qua các phương tiện truyền thông, trẻ em có ảnh hưởng tới các quyết định được thực hiện nhân danh các em.
Trong chương trình tập huấn, các nhà báo đã thảo luận các vấn đề về việc viết bài, đưa tin, kinh nghiệm tiếp cận, các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc đưa tin bài có liên quan đến NKT, trẻ em và trẻ em khuyết tật. Các học viên được chia thành các nhóm nhỏ đi thực tế nhằm tìm hiểu thông tin, thực hành các kỹ năng tiếp cận, phỏng vấn trẻ em khuyết tật đang sinh hoạt tại gia đình và cộng đồng theo cách dựa trên nguyện vọng và quyền của trẻ./.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Việc làm cho người khuyết tật: Những bất cập cần được tháo gỡ - 14/09/2015 03:21
- Đồng hành cùng con - 14/09/2015 03:17
- Hiểu và làm việc với người khiếm thính - 14/09/2015 03:02
- Đảm bảo an toàn lao động mang lại hiệu quả sản xuất cao - 09/09/2015 02:59
- Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT Phú Yên: Chăm sóc sức khỏe, PHCN và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật - 07/09/2015 05:44
Các tin khác
- Môi trường sạch sẽ, thân thiện - điều kiện làm việc hiệu quả cho người khuyết tật - 04/08/2015 07:35
- Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội chính thức thông qua - 04/08/2015 07:32
- An toàn lao động và việc làm cho người khuyết tật - 04/08/2015 07:28
- Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật còn thấp và nhiều bất cập - 04/08/2015 04:06
- Công chiếu chuỗi phim “Bình đẳng giới và việc làm” và trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp LĐ-TBXH cho Điều phối viên trưởng Chương trình hợp tác quốc tế của AECID - 01/07/2015 03:19