Trong những năm gần đây, vấn đề người khuyết tật (NKT) đã được Đảng, nhà nước ta đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần giúp họ ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến NKT hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, khả năng tiếp cận của NKT vẫn còn nhiều hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, việc tăng cường theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chính sách liên quan đến NKT đã và đang được nhiều cơ quan ban ngành và các địa phương quan tâm, nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp thích hợp, đưa các chính sách đi vào cuộc sống một cách thiết thực và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của NKT.
Theo dõi, giám sát – là quyền lợi, là trách nhiệm
Ngày 6/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1717/QĐ-TTg thành lập Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam. Uỷ ban Quốc gia về NKT có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế chính sách để thực hiện công tác NKT. Trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện công tác NKT, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện công tác NKT. Uỷ ban có trách nhiệm thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Luật NKT và các chế độ, chính sách hỗ trợ NKT, người làm công tác NKT đồng thời tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công tác NKT.
Nhằm hỗ trợ cho Uỷ ban quốc gia về NKT, Ban công tác NKT các địa phương, các tổ chức liên quan trong công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách về NKT tại các bộ, ngành trung ương cũng như các địa phương nơi triển khai thực hiện các chính sách về NKT, với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Uỷ ban quốc gia về NKT đã phối hợp cùng Hội trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH) biên soạn cuốn tài liệu hướng dẫn giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách về khuyết tật. Cuốn tài liệu này giúp các cơ quan, tổ chức liên quan đến NKT có thể tham khảo trong quá trình xây dựng quy trình giám sát riêng theo mục tiêu giám sát của mình.
Việc theo dõi, giám sát nhằm xem xét kết quả thực thi các chính sách về NKT và đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách NKT từ cấp trung ương đến địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn và đề xuất những kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, nhằm cải thiện công tác hỗ trợ NKT. Việc theo dõi, giám sát sẽ đảm bảo việc tổ chức thực hiện chính sách Nhà nước đối với NKT được kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, ngăn chặn những sai phạm và phòng chống lãng phí, tham nhũng trong quá trình thực hiện. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, những mô hình và phương pháp thực hiện công tác hỗ trợ NKT hiệu quả tại địa phương để chia sẻ và nhân rộng. Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý thực hiện chính sách, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NKT, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu đầy đủ, chính xác về mục đích, ý nghĩa, nội dung, dối tượng thụ hưởng, trình tự, thời gian, thủ tục để thực hiện tốt công tác NKT.
Giám sát thực địa - bước quan trọng trong quy trình theo dõi, giám sát
Theo tài liệu hướng dẫn của Uỷ ban quốc gia về NKT, việc theo dõi, giám sát thực hiện công tác về NKT được thực hiện theo hai phương thức chính gồm: giám sát định kỳ thông qua rà soát báo cáo hành chính sự nghiệp và giám sát thực địa tại bộ, ngành/địa phương. Quá trình theo dõi, giám sát được thực hiện theo 4 bước: Báo cáo định kỳ hàng năm, đánh giá kết quả, giám sát thực địa và đưa ra giải pháp, khuyến nghị cho giai đoạn tiếp theo.
Sau khi các địa phương và các bộ, ngành có liên quan thu thập số liệu và viết báo cáo theo biểu mẫu được quy định, những số liệu này sẽ cung cấp thông tin tổng quan về kết quả thực hiện công tác NKT theo lĩnh vực và theo địa phương. Uỷ ban quốc gia về NKT và các bộ, ngành có liên quan ở cấp trung ương, ban công tác NKT ở cấp tỉnh rà soát các số liệu và thông tin được báo cáo. Trên cơ sở đó, đưa ra nhận định về kết quả đạt được (lĩnh vực, khía cạnh nào, địa phương nào đã thực hiện đúng hoặc làm tốt hơn so với kế hoạch, lĩnh vực nào, chỉ số nào, địa phương nào chưa đạt được kế hoạch hoặc chưa được như mong đợi), phân tích nguyên nhân (trao đổi và xác định các nguyên nhân liên quan đến khung chính sách, công tác lập kế hoạch và triển khai thực hiện, năng lực của đội ngũ cán bộ) từ đó quyết định bước tiếp theo.
Để có được thông tin chi tiết, cụ thể từ thực tế thực hiện tại địa phương cần đến bước thứ ba là giám sát thực địa. Việc giám sát thực địa sẽ giúp cho Uỷ ban Quốc gia về NKT, các bộ ngành cũng như địa phương rút ra được bài học kinh nghiệm về những mô hình và cách làm tốt và những điểm cần điều chỉnh để cải thiện hiệu quả công tác NKT tại địa phương cũng như trên toàn quốc. Giám sát thực địa cũng là cơ hội để giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, nội dung, đối tượng thụ hưởng, trình tự, thời gian, thủ tục thực hiện chính sách. Dựa trên những phát hiện từ giám sát thực địa, thành viên đoàn giám sát cùng cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát sẽ cùng đưa ra những giải pháp cần thực hiện để tăng cường hiệu quả công tác NKT, bao gồm những giải pháp có thể được thực hiện ngay sau khi có kết quả giám sát nhằm giảm thiểu sai phạm, lãng phí trong quá trình thực hiện, những hoạt động hoặc thay đổi cần thực hiện trong năm tiếp theo hoặc giai đoạn tiếp theo để tăng cường hiệu quả công tác NKT và những khuyến nghị liên quan đến việc rà soát, xem xét, điều chỉnh cơ chế và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cũng như hướng tới việc bảo đảm quyền của NKT.
Sau khi xác định các bước cơ bản, hoạt động giám sát, đánh giá sẽ tập trung vào 3 nhóm nội dung gồm: khung chính sách về NKT, việc triển khai thực hiện và những kết quả, hiệu quả thực hiện. Việc giám sát, đánh giá khung chính sách về NKT nhằm chỉ ra được những đặc điểm liên quan đến NKT như tính hệ thống, đồng bộ (thể hiện thông qua việc ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…), tính phù hợp (thể hiện ở khả năng phù hợp với thực tiễn của quốc gia và địa phương), tính toàn diện, đầy đủ (thể hiện ở khả năng bao phủ các quyền, lợi ích và trách nhiệm cũng như nhu cầu cơ bản, thiết yếu của NKT), tính khả thi (khi so sánh với tình hình thực tiễn xem có thể thực hiện được không, có đi vào cuộc sống được không?) và tính hội nhập (xem có tương đồng hay phù hợp với các quy định, tuyên bố của cộng đồng quốc tế hay không, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền của NKT).
Đánh giá về việc triển khai thực hiện các chính sách về NKT tập trung vào các nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vực NKT như công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật NKT, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật NKT, trách nhiệm và sự phối hợp tham gia của các bên liên quan trong tổ chức thực hiện Luật NKT. Đánh giá tình hình triển khai xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật, tình hình triển khai các quy định, chính sách theo lĩnh vực ưu tiên như: bảo trợ xã hội đối với NKT, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, dạy nghề và việc làm, văn hoá, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, tiếp cận công trình xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông.
Đánh giá tình hình thực hiện chính sách về NKT cần chỉ rõ những thay đổi trong nhận thức của người dân, cộng đồng xã hội về vấn đề NKT, thay đổi trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, dạy nghề và việc làm cũng như các dịch vụ khác của NKT, thay đổi trong đời sống của NKT sau khi được thụ hưởng chính sách, liên quan đến việc đáp ứng quyền và nhu cầu của NKT phù hợp với tình hình thực tế và các nguồn lực đang có. Nhận xét, đánh giá mức độ hài lòng của NKT và gia đình có NKT về chế độ, chính sách của nhà nước và việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách nhà nước hỗ trợ NKT, đảm bảo quyền của NKT.
Lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp
Trên thực tế có nhiều cách tiếp cận nghiên cứu, đánh giá khung khổ chính sách và việc thực thi chính sách. Đánh giá có nhiều cấp độ khác nhau tuỳ thuộc vào mục tiêu, mong muốn, khả năng huy động nguồn lực, nhân lực cũng như các điều kiện thực tế khác của cơ quan quản lý.
Trong phạm vi đánh giá tình hình thực hiện chính sách NKT, phương pháp đánh giá được áp dụng kết hợp giữa định lượng và định tính. Trong đó, đánh giá định lượng được thực hiện chủ yếu thông qua việc thu thập và tổng hợp số liệu hàng năm của các địa phương và các ngành, theo biểu mẫu thống kê được quy định. Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể được thực hiện khi đánh giá kết quả thực hiện công tác NKT sau một giai đoạn nhất định từ 3-5 năm. Rà soát, tổng hợp, phân tích tài liệu thứ cấp là hoạt động rất quan trọng được thực hiện hàng năm, bao gồm rà soát các văn bản, quy định liên quan đến triển khai thực hiện Luật NKT, các báo cáo hành chính, số liệu thống kê, các nghiên cứu sẵn có về NKT và tình hình triển khai công tác trợ giúp, hỗ trợ NKT. Đánh giá định tính được sử dụng trong giám sát thực địa, qua việc thảo luận, tham vấn, phỏng vấn sâu với các nhóm đối tượng có liên quan khác nhau (nhóm cán bộ, nhóm NKT…) về nội dung cần kiểm tra, đánh giá trên cơ sở đề cương/toạ đàm/ thảo luận nhóm/ phỏng vấn sâu được thiết kế với câu hỏi mở.
Việc theo dõi, giám sát cần thực hiện theo nguyên tắc bám sát các quy định của luật pháp và chính sách về NKT (như Luật NKT, Nghị định 28/NĐ-CP ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1019/QĐ-TTg, ngày 5/8/2012, Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT được phê duyệt tại Quyết định số 1100/QĐ-TTG và các chính sách an sinh xã hội đối với NKT... ), dựa trên các chỉ số theo dõi, đánh giá công tác NKT và kế hoạch thực hiện công tác NKT của bộ, ngành, địa phương, có sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, nhất là các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về NKT cũng như bản thân NKT và người đại diện của họ.
Có thể nói, việc theo dõi, giám sát là một hoạt động quan trọng để các chính sách ưu đãi của nhà nước liên quan đến NKT thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NKT. Việc xây dựng một quy trình, phương pháp theo dõi, giám sát phù hợp sẽ góp phần tích cực phát huy hiệu quả và ý nghĩa xã hội của các chính sách ưu đãi dành cho NKT nói riêng, chính sách an sinh xã hội nói chung của nhà nước ta.
Tin mới
- Chia sẻ kiến thức giúp người thân chăm sóc NKT tốt hơn - 16/01/2018 07:07
- Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam: Nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật - 14/12/2017 08:23
- Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - 14/12/2017 03:51
- Vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng trong hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật - 04/12/2017 10:31
- Đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ rối loạn phát triển - 04/12/2017 10:28
Các tin khác
- Hướng đi mới trong giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ - 21/11/2017 07:56
- Xây dựng quy chuẩn ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam: Khó nhưng vẫn phải làm - 21/11/2017 07:36
- Uỷ ban Quốc gia về NKT: Thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về người khuyết tật giai đoạn 2017 – 2020 - 21/11/2017 03:48
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục học sinh khuyết tật - 03/11/2017 06:54
- Nghề công tác xã hội với người khiếm thị - 02/11/2017 07:59