Với những bài giảng độc đáo cùng phương châm rèn luyện “yêu thương và kỷ cương”, Trung tâm Dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt (trụ sở chính tại Đại học Thành Đô, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) đã mang đến một hướng đi mới trong giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì, tạo điều kiện để các em hòa nhập cộng đồng và hướng nghiệp khi trưởng thành.
Nguyễn Tuấn Minh biểu diễn tiết mục đi xe đạp một bánh
Đối với hội chứng tự kỷ, hiện chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa lành hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị bằng can thiệp hành vi và giáo dục. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc can thiệp sớm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi có thể cải thiện khả năng phát triển của trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, với trẻ tự kỷ trên 3 tuổi và đặc biệt là tuổi dậy thì, vấn đề can thiệp để giúp các em hòa nhập cộng đồng đến nay trên thế giới vẫn là bài toán bỏ ngỏ.
Trị bệnh không cần dùng thuốc
Với phương pháp mà Trung tâm Tâm Việt đang áp dụng và ghi nhận những thành công bước đầu, thì đây là phương pháp can thiệp hội chứng tự kỷ cho trẻ ở độ tuổi dậy thì đầu tiên trên thế giới mà không dùng bất cứ loại thuốc nào.
Trẻ tự kỷ luyện tập tại Trung tâm Tâm Việt
Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người sáng lập Tâm Việt Group thì phương pháp dạy trẻ tự kỷ của Trung tâm là hoàn toàn thuần Việt, bộ bài tập: đội chai, tung bóng, đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh được nghiên cứu, ứng dụng dựa trên đặc điểm tâm lý, hành vi của trẻ tự kỷ. Ví dụ, vì trẻ tự kỷ có khả năng tập trung rất thấp nên bài tập đội chai là phương pháp thiền động sẽ giúp trẻ tự kỉ rèn luyện sự tập trung cao độ. Mấu chốt khi tập cho trẻ tăng động là sự kiên tâm để giúp các em từ không cầm được chai đến cầm được, đưa được lên đầu, bỏ được tay ra… Một trong các dấu hiệu của trẻ tự kỷ là không kiểm soát được đôi tay, tay hoạt động rối loạn, thậm chí còn không thể cầm nắm được đồ vật, bài tập tung bóng sẽ giúp đôi tay từ không cầm được bóng hoặc tung loạn chiều đến tung một bóng, nhiều bóng lên cao, chuyền bóng từ tay này sang tay kia…. Hay bài tập thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp một bánh giúp cho chân năng động, các khớp cột sống linh hoạt, tập trung, tĩnh tâm, rèn ý chí, lòng kiên trì cho các em.
Lý thuyết bài học là thế, nhưng theo ông Việt, với mỗi trẻ, lại phải có một cách tiếp cận rất đặc biệt, không thể dạy đồng loạt như ở trường lớp bình thường. Các thầy, cô phải tùy theo đặc điểm tâm sinh lý, khả năng của từng em để áp dụng bài giảng, động viên, khuyến khích mới có thể mang lại hiệu quả.
Những trái ngọt đầu mùa
Trước khi đến với Trung tâm Tâm Việt, hầu hết trẻ tự kỷ đều đã trải qua nhiều phương pháp trị liệu khác nhau, qua nhiều trường học dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt... nhưng đều không mang lại kết quả. Bằng những bài tập luyện theo phương pháp của Trung tâm Tâm Việt, sau một thời gian ngắn, các em đều có những tiến bộ đáng kể. Sau thời gian đào tạo trên 1 năm tại Tâm Việt nhiều em đã có những biến chuyển đột phá.
Nguyễn Khôi Nguyên là trường hợp điển hình. Khôi Nguyên sinh năm 2001, là trẻ tự kỉ dạng “tăng động giảm tập trung”. Những ngày đầu mới đến, em chỉ biết chạy, la hét, giật đồ ăn, không phân biệt được thời gian, luôn đố kỵ với bạn bè, rất để ý đến sinh lý, thích giành đồ của bạn... Đến nay chỉ trong thời gian hơn 2 năm huấn luyện tại Tâm Việt, Khôi Nguyên đã “lột xác” thành một con người hoàn toàn khác. Em đã biết ăn uống lịch sự, biết nói cảm ơn, xin lỗi, biết phân biệt thời gian sáng, chiều, tối, biết nói lên ước mơ của mình... Hiện tại, Khôi Nguyên đã thực hiện được rất nhiều bài tập khó mà diễn viên xiếc chuyên nghiệp cũng không làm được: tung 9 bóng, đội chai đứng một chân trên 3 con lăn tung 7 bóng, đi xe đạp một bánh đội chai tung 7 bóng, đứng trên 5 con lăn tung 7 bóng...
Nguyễn Đình Khánh Hưng biểu diễn tiết mục đội chai đứng trên 3 con lăn
Nguyễn Đình Khánh Hưng - cậu bé 7 tuổi có khuôn mặt sáng sủa nhưng tay chân lúc nào cũng bứt rứt, hay chọc phá mọi người…Từ khi sinh ra đến khi vào Tâm Việt, Hưng chưa bao giờ ăn cơm mà chỉ uống sữa và một vài thứ bánh khác. Khi bắt ăn cơm, Hưng trở lên dữ tợn, gào thét, cào cấu, đạp cả vào người các cô giáo... Trải qua những tháng ngày rèn luyện tại Tâm Việt, Hưng đã biết ăn cơm, biết nghe lời và đặc biệt trong tập luyện thì rất tập trung và sáng tạo. Đến nay, Hưng đã có thể vừa đội chai trên đầu vừa đứng trên 3 con lăn. Vào tháng 5 vừa qua, hai em Nguyên và Hưng đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục gia vì những thành tích của mình.
Hay như Nguyễn Tuấn Minh, từ một cậu bé bị hạn chế về giao tiếp và sợ đứng trước đám đông, qua hơn hai năm tập luyện với các bài tập phức hợp độ chính xác cao, đồng thời liên tục được đi biểu diễn trước hội trường đông người, giờ đây em đã thay đổi hoàn toàn, biết thể hiện niềm vui sướng mỗi khi được biểu diễn và chủ động chào hỏi khi gặp người khác. Tuấn Minh có thể đứng được trên 3 con lăn, đi xe đạp một bánh kết hợp tung 5 bóng, đang dịch chuyển lên tung 7 bóng; hát được tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc; biết đoán tuổi của mọi người rất nhanh.
Thành tích của Nguyên, Hưng, Minh cũng như sự tiến bộ vượt bậc của nhiều em nhỏ tự kỷ khác sau khi học tại Trung tâm Tâm Việt đã cho thấy tính ưu việt của phương pháp này trong việc cải thiện kỹ năng cho trẻ tự kỷ sau 3 tuổi và tuổi dậy thì, giúp các em dần tự chủ hành vi của bản thân, biết giao tiếp thân thiện và hòa nhập cộng đồng, xã hội. Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết: “Đến nay, với trẻ tự kỷ, thế giới mới chỉ dừng ở mức can thiệp sớm (trước 3 tuổi). Chúng tôi rất tự hào vì đã thành công với cả các cháu tự kỷ ở tuổi dậy thì. Tâm Việt là một tổ chức tư nhân với kinh phí ít ỏi từ sự đóng góp của cha mẹ học sinh, nếu được Nhà nước, xã hội quan tâm và đầu tư đúng mức thì đây là hướng đi mới trong giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam”.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam: Nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật - 14/12/2017 08:23
- Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - 14/12/2017 03:51
- Vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng trong hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật - 04/12/2017 10:31
- Đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ rối loạn phát triển - 04/12/2017 10:28
- Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chính sách liên quan đến người khuyết tật - 04/12/2017 10:18
Các tin khác
- Xây dựng quy chuẩn ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam: Khó nhưng vẫn phải làm - 21/11/2017 07:36
- Uỷ ban Quốc gia về NKT: Thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về người khuyết tật giai đoạn 2017 – 2020 - 21/11/2017 03:48
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục học sinh khuyết tật - 03/11/2017 06:54
- Nghề công tác xã hội với người khiếm thị - 02/11/2017 07:59
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Đổi tên Hội - Từ nhận thức đến tư duy, hành động - 20/10/2017 06:39