Có một người khuyết tật trong gia đình là điều không ai mong muốn. Khi số phận không may mắn khiến cho người thân của tôi mang khiếm khuyết, tôi đã từng bị sốc, các thành viên trong gia đình đều sống trong cảm giác tự ti, ngại giao tiếp với mọi người vì lo sợ cái nhìn thiếu thiện cảm của những người xung quanh, lo ngại mọi người sẽ dè bỉu, chê bai, thậm chí là nói ra những lời cay nghiệt.
Chỉ đến khi tham gia các hoạt động hội, nhóm của người khuyết tật, gia đình người khuyết tật, được mở mang kiến thức, tôi mới hiểu được rằng, con, cháu tôi dù bị khuyết tật nhưng vẫn có quyền sống bình đẳng, hoà nhập xã hội và được quan tâm đúng cách, đúng khoa học. Từ đó, những thành viên trong gia đình tôi đã bớt mặc cảm hơn, sống cởi mở hơn với mọi người và biết cách chăm sóc, ứng xử phù hợp với con, cháu mình.
Ảnh minh hoạ (nguồn Childfund.org.vn)
Gia đình tôi không được may mắn như bao gia đình khác. Tôi có một người con trai là người khuyết tật và đến bây giờ, một cháu nội của tôi cũng phải sống với căn bệnh bại não suốt đời. Không nói thì ai cũng có thể hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của gia đình tôi khi mà có tới hai người khuyết tật trong nhà. Đó là cả một hành trình vô cùng gian nan, nhiều khi khó khăn về tài chính, buồn phiền về mặt tinh thần. Các thành viên trong gia đình tôi từng có một thời gian dài sống trong mệt mỏi, bi quan, đôi khi còn tự thu mình lại vì nỗi tủi thân với hàng xóm, cộng đồng xung quanh.
Hàng xóm láng giềng có người cảm thông nhưng cũng có nhiều người tỏ ra thương hại, có nhiều người thường nhìn chúng tôi với ánh mắt thiếu sự đồng cảm, đôi khi còn tệ hơn nữa.
Là phụ huynh có con khuyết tật, chúng tôi trở nên sống khép kín hơn, ngại chia sẻ, giao lưu, gặp gỡ, thậm chí bỏ cả bạn bè đồng lứa. Con, cháu tôi thì thường xuyên ốm đau, ở viện nhiều hơn ở nhà nên không khí gia đình càng trở nên nặng nề, tràn ngập những lo âu, bí bách. Nhất là con dâu tôi, cháu ít va chạm nên càng buồn lo, nặng nề hơn.
May sao, từ khi gặp được cán bộ Hội người khuyết tật huyện Sóc Sơn, tôi được tư vấn, động viên và tổ chức cho các cháu được khám sàng lọc xác định tình trạng, mức độ khuyết tật sau đó, cán bộ Hội còn giúp đỡ gia đình tôi đề xuất với chính quyền địa phương để các cháu được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng.
Từ khi tôi và các phụ huynh trẻ khuyết tật khác được tham dự hội thảo truyền thông về cách phát hiện, chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt và học tập ở cộng đồng, tôi rất mừng vì qua buổi hội thảo đó nhận thức của bản thân tôi và nhiều bậc phụ huynh khác đã có sự thay đổi rõ rệt. Tham dự hội thảo không chỉ có các phụ huynh trẻ khuyết tật như chúng tôi mà còn có sự tham gia của nhiều thành phần khác như cán bộ thôn xóm, mọi người trong khu dân cư, thầy cô giáo ở trường Tiểu học, trường mầm non… Nhờ đó, nhận thức của cộng đồng xã hội xung quanh các cháu khuyết tật cũng có sự thay đổi. Chúng tôi nhận được nhiều hơn sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội, gia đình cũng bớt đi mặc cảm, bi quan.
Qua các buổi hội thảo, trao đổi, chúng tôi được phổ biến, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ. Cùng từ những chia sẻ của các giảng viên đã giúp cho những người làm ông bà, cha mẹ như chúng tôi mở mang thêm hiểu biết khoa học y học, biết chăm sóc các cháu đúng cách và khoa học hơn. Các kỹ năng về phục hồi chức năng về mặt y tế, giáo dục cho trẻ tại gia đình và cộng đồng được chúng tôi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, giúp con, cháu mình có tiến triển về sức khỏe. Dù sự tiến triển đó chỉ là chút ít và còn chậm nhưng vẫn là liều thuốc tinh thần vô cùng quý giá làm thay đổi hẳn không khí trong gia đình. Với gia đình tôi, con dâu tôi đã phấn chấn lạc quan, vui vẻ, bớt đi những bi quan, mặc cảm khi nhận ra rằng, hành trình nuôi con khuyết tật của mình không hề cô đơn. Ngoài người thân trong gia đình, còn có nhiều chị em khác đồng cảnh, có cộng đồng giúp đỡ, truyền thêm kinh nghiệm, phương pháp và cả nghị lực nuôi dạy con em mình tốt hơn.
Tôi nhận thấy rằng, cuộc sống gia đình khi có một người khuyết tật không phải là chấm hết, là đường cùng, mình phải biết cách để làm sao người khuyết tật, con em mình có thể khắc phục những rào cản, vươn lên tự lập và hòa nhập trong cuộc sống. Vì cuộc sống vốn là công bằng và bình đẳng với tất cả mọi người.
Tôi cũng biết thêm về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là tổ chức hội nhóm của người khuyết tật. Những con người có tâm, có tầm đã không quản ngại vất vả, khó khăn, nỗ lực ngày đêm vì những người yếu thế, những gia đình yếu thế như chúng tôi, nhờ đó chúng tôi có cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức, tạo cơ hội cho con, cháu chúng tôi được hòa nhập xã hội, gia đình vơi bớt mặc cảm để chúng tôi thấy rằng, cuộc sống này vẫn còn đầy ý nghĩa.
Tin mới
- Chương trình “ Trái tim nhân ái” Khánh Hòa: Tiếp sức những mảnh đời khó khăn - 12/04/2018 06:50
- Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật - 11/04/2018 07:27
- Trách nhiệm xã hội không chỉ là bổn phận - 20/03/2018 06:59
- Trợ giúp pháp lý góp phần đảm bảo quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi - 13/02/2018 08:01
- Chung sức hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam - 13/02/2018 07:48
Các tin khác
- Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam: Nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật - 14/12/2017 08:23
- Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - 14/12/2017 03:51
- Vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng trong hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật - 04/12/2017 10:31
- Đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ rối loạn phát triển - 04/12/2017 10:28
- Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chính sách liên quan đến người khuyết tật - 04/12/2017 10:18