Công tác xã hội với NKT là hoạt động dựa trên sự cần thiết phải bảo đảm cho họ có được những khả năng, những điều kiện ngang bằng nhau trong việc thực hiện các quyền và sự tự do của họ, trong việc loại bỏ những hạn chế trong sinh hoạt đời sống của họ và loại trừ những cản trở khi thực hiện quyền được lao động, được ăn học, tạo mọi điều kiện cho họ được tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc Trung tâm Dạy nghề Hội Người mù Hà Nội được cấp phép đào tạo Công tác xã hội trình độ sơ cấp sẽ mở ra cơ hội cho nhiều người khiếm thị
Vai trò của công tác xã hội với người khuyết tật
Người khuyết tật là những người gặp rất nhiều bất lợi trong xã hội, họ gặp khó khăn về mọi mặt trong cuộc sống từ sức khỏe, giáo dục, việc làm đến vui chơi giải trí… Vì vậy, họ rất cần được trị liệu một cách toàn diện. Với chức năng của mình, nhân viên công tác xã hội sẽ tư vấn cho NKT và gia đình họ đến những cơ sở y tế, giúp đỡ họ trong quá trình làm các thủ tục giấy tờ khám chữa bệnh hoặc hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng thân chủ mà người nhân viên xã hội có cách trị liệu khác nhau.
Nếu chức năng trị liệu là việc giúp NKT khắc phục những khó khăn trước mắt thì chức năng phòng ngừa chính là việc hạn chế và phòng ngừa việc gặp phải những khó khăn trong tương lai. Công tác phòng ngừa quan trọng nhất chính là phòng ngừa sự khuyết tật và khả năng gia tăng khuyết tật cũng như các nguyên nhân đưa đến khuyết tật thông qua các cuộc khảo sát xác định tỷ lệ, các dạng tật và các khía cạnh kinh tế, xã hội liên quan, thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước trong việc phòng ngừa tai nạn (cả tai nạn giao thông và tai nạn lao động), các hành vi bạo lực xâm hại người khác, lạm dụng các chất ma tuý, ngăn ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm, tình trạng suy dinh dưỡng, phòng chống tình trạng lạm dụng, bỏ mặt, bóc lột trẻ em... Nâng cao nhận thức của xã hội về NKT và công tác phòng ngừa khuyết tật.
Một trong những chức năng quan trọng của Công tác xã hội với NKT là chức năng phục hồi bao gồm cả phục hồi chức năng và phục hồi xã hội tiến hành điều tra thường xuyên các nhu cầu về phục hồi chức năng, thúc đẩy sự tham gia của NKT vào việc hoạch định và thực thi các chính sách, chương trình phục hồi chức năng. Triển khai các chương trình nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp huyện, xã, những người đứng đầu các cộng đồng nhằm tăng cường vai trò của họ trong việc nâng cao chất lượng các dịch vụ phục hồi chức năng.
Bên cạnh chức năng trị liệu, phòng ngừa, phục hồi cho NKT thì công tác xã hội còn có chức năng phát triển. Khi sức khoẻ ôn định, thương tật dần được phục hồi, những khó khăn trong cuộc sống cũng từng bước được giải quyết thì công việc tiếp theo là làm sao để duy trì tất cả những thành quả đó và giúp NKT có cuộc sống tốt hơn. Ví dụ, trong hoạt động hỗ trợ công tác giáo dục cho NKT, nhân viên công tác xã hội không dừng lại ở việc giúp đỡ để đưa họ đến trường mà còn phải giúp họ hoà nhập được với môi trường, học tập đạt kết quả và không chỉ học mỗi cấp 1 hay cấp 2 mà cần phải luôn được nâng cao, từ việc hỗ trợ về phương tiện, cơ sở vật chất và những điều kiện phục vụ cho việc học. Cũng như trong vấn đề việc làm, NKT cần được hỗ trợ để có trình độ tay nghề, có việc làm, có thu nhập, tất cả những điều đó cần phải luôn dược duy trì để làm sao NKT có thể tự lo được cho bản thân và thậm chí đỡ đần được cho gia đình.
Nhu cầu đào tạo công tác xã hội của người khiếm thị
ở Việt Nam, ngành Công tác xã hội đang ngày càng phát huy được những thế mạnh trong lĩnh vực an sinh xã hội. Mục tiêu của Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội đặt ra là đến năm 2020, mỗi năm nước ta cần đào tạo và đào tạo lại 3.500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng và Đại học. Đây là một nhiệm vụ hết sức to lớn và cũng là một thách thức đối với ngành công tác xã hội ở Việt Nam.
Theo thống kê mới nhất của Viện Mắt trung ương, hiện nay nước ta có khoảng 2.000.000 người khiếm thị, chiếm khoảng 2,2% dân số. Với lịch sử gần 50 năm hình thành và phát triển, Hội Người mù Việt Nam đã phát triển số lượng hội viên tương đối lớn và đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội nhiều năm, thực hiện nhiều chương trình trợ giúp người khiếm thị đạt hiệu quả. Tính đến năm 2016, Hội có 72.197 hội viên đang tham gia sinh hoạt ở 435 huyện hội trên khắp cả nước. Đội ngũ cán bộ làm việc trong tổ chức Hội lên đến hàng ngàn người, tuy nhiên, họ lại chưa được đào tạo bài bản, phần đông là làm trái ngành nghề, kiêm nhiệm, chưa được trang bị kiến thức hay những kỹ năng cần thiết của người làm công tác xã hội. Có người ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông.. cũng có người mới chỉ học đến bậc trung học cơ sở.
Công tác xã hội là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn, mất chức năng hoạt động như nhóm NKT. Sứ mạng của ngành công tác xã hội là nỗ lực nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng. Tiến trình công tác xã hội tập trung vào việc phát hiện những mối quan tâm của con người: ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý, tình cảm… xác định các nhu cầu của con người (nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, an toàn, vui chơi giải trí…). Xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (nguồn lực bên trong bao gồm sức khoẻ, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác) nguồn lực bên ngoài là sự hỗ trợ của chính quyền, nhà nước, giáo dục, y tế, chính sách, sự giúp đỡ của các tổ chức, cộng đồng…). Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và mục tiêu để đáp ứng các nhu cầu của đối tượng cần trợ giúp.
Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, bản chất hoạt động của Hội người mù đều có bóng dáng, màu sắc của 4 chức năng phòng ngừa, can thiệp, phục hồi, phát triển của nghề công tác xã hội. Đó chính là những hành trình nối tiếp hành trình giúp cho hàng chục ngàn người khiếm thị khám phá ra những khả năng tiềm tàng của bản thân, tự lựa chọn hoặc tự quyết định những thay đổi cuộc sống của chính mình và đưa họ từng bước hoà nhập vào cộng đồng. Tuy nhiên, do chưa được đào tạo chuyên nghiệp, chính quy, đúng chuyên môn nên các cán bộ Hội thường làm việc theo trực giác, giải quyết các trường hợp, tình huống bằng kinh nghiệm là chủ yếu, chưa có những phương pháp hay kỹ năng cần thiết của nghề công tác xã hội nên hiệu quả giải quyết các vấn đề chưa cao và thiếu bền vững. Chính vì vậy, người khiếm thị rất cần được đào tạo nghề công tác xã hội. Một khi nhu cầu này được đáp ứng, hội người mù sẽ có được đội ngũ cán bộ nhân viên công tác xã hội đủ năng lực để tiếp tục thực hiện những công việc bấy lâu nay đã làm một cách có bài bản hơn, chuẩn đích hơn, sẽ đem lại những hiệu ứng xã hội tốt hơn. Hoạt động của tổ chức Hội người mù cũng như các dịch vụ hỗ trợ sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, đạt chất lượng cao và bền vững.
Điều đặc biệt khi đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị là sẽ tạo ra những nhân viên công tác xã hội là NKT làm việc với chính NKT. Điều này sẽ giúp cho các kỹ năng công tác xã hội được phát huy tối đa và đạt được hiệu quả vì không ai hiểu NKT bằng chính NKT, không ai hiểu người mù bằng chính người mù.
Không chỉ trong lĩnh vực trợ giúp người khiếm thị, một khi được đào tạo bài bản về nghề công tác xã hội, người khiếm thị cũng có thể làm trong các tổ chức xã hội khác của địa phương nơi họ sinh sống. Điều đó không chỉ góp phần tích cực giải quyết vấn đề nghề nghiệp cho một bộ phận công dân có nhiều khó khăn nhất trong xã hội mà các mục đích, mục tiêu của nghề công tác xã hội cũng được đi sâu gắn liền với cộng đồng người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng.
Cơ hội phát triển nghề công tác xã hội của người khiếm thị
Có thể thấy, với người khiếm thị, công tác xã hội là một nghề rất gần gũi và thuận lợi trong quá trình tiếp thu kiến thức và thực hiện các hoạt động của nghề. Nhận thức rõ được điều đó, trong những năm gần đây, tổ chức Hội người mù đã có nhiều hoạt động thúc đẩy việc đào tạo công tác xã hội cho người khiếm thị và đã đạt được những kết quả nhất định. Việc Trung tâm dạy nghề Hội người mù thành phố Hà Nội được cấp phép đào tạo nghề công tác xã hội trình độ sơ cấp là một tín hiệu đáng mừng. Chia sẻ về kế hoạch đào tạo nghề công tác xã hội của trung tâm trong những năm tới, ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trước mắt, trong năm 2018, trung tâm sẽ chiêu sinh 02 lớp mỗi lớp diễn ra trong thời gian 06 tháng cho 20 đến 50 học viên. Và trong năm 2019, Trung tâm cũng sẽ phấn đấu đào tạo nghề cho 50 đến 80 học viên đáp ứng nhu cầu học nghề cũng như góp phần chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp người mù tại các cấp Hội.
Ngay khi được cấp phép đào tạo, Trung tâm Dạy nghề Hội Người mù thành phố Hà Nội cũng đã kí kết giao ước đào tạo liên thông giữa Trung tâm và Trường Cao đẳng Hùng Vương. Theo đó, những học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sơ cấp nghề Công tác xã hội tại trung tâm dạy nghề hội người mù thành phố Hà Nội có nguyện vọng được đào tạo chuyên sâu hơn, trường Cao đẳng Hùng Vương sẽ tiếp tục đón nhận và tạo mọi điều kiện để các em được đào tạo liên thông lên hệ trung cấp và cao đẳng.
Có thể nói, việc Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Người mù Hà Nội mới đây được cấp phép đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị là một bước đột phá trong lĩnh vực đào tạo nghề công tác xã hội của Việt Nam. Nó phù hợp với tiêu chí xây dựng mô hình từ cấp cơ sở của đề án 32 được chính phủ phê duyệt. Đây chính là kết quả của quá trình thực hiện định hướng của Đề án về hình thành hệ thống công tác xã hội chuyên nghiệp ở Việt Nam. Cơ cấu của các mô hình này vừa có thể ở trong hệ thống quản lý của nhà nước vừa có thể nằm trong hệ thống các tổ chức phi chính phủ nhưng tất cả đều hưởng những tác động trực tiếp và nằm trong sự vận hành của hệ thống phúc lợi xã hội nói chung.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chính sách liên quan đến người khuyết tật - 04/12/2017 10:18
- Hướng đi mới trong giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ - 21/11/2017 07:56
- Xây dựng quy chuẩn ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam: Khó nhưng vẫn phải làm - 21/11/2017 07:36
- Uỷ ban Quốc gia về NKT: Thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về người khuyết tật giai đoạn 2017 – 2020 - 21/11/2017 03:48
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục học sinh khuyết tật - 03/11/2017 06:54
Các tin khác
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Đổi tên Hội - Từ nhận thức đến tư duy, hành động - 20/10/2017 06:39
- 7 loại hình trợ giúp xã hội được nhà nước khuyến khích thành lập - 21/09/2017 07:55
- Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững - 21/09/2017 03:00
- Ứng dụng công nghệ thông tin giúp nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục - 01/09/2017 04:03
- Một số vấn đề cần quan tâm trong giáo dục cho NKT - 01/09/2017 03:35