Với hơn 2,6 triệu người, người điếc và khiếm thính là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong các dạng khuyết tật. Chỉ có thể giao tiếp và thu nhận thông tin thông qua đôi mắt và ngôn ngữ ký hiệu nên lượng thông tin họ thu nhận được là rất ít ỏi. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xây dựng một bộ quy chuẩn về ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam vẫn còn chưa triển khai thực hiện được do còn nhiều vấn đề bất cập.
Người Điếc và ngôn ngữ ký hiệu
Tại Việt Nam có khoảng 2,6 triệu người điếc và khiếm thính trong tổng số trên 7 triệu người khuyết tật. Ngôn ngữ ký hiệu được coi là ngôn ngữ mẹ đẻ của người điếc. Bằng ngôn ngữ này, người điếc có thể phát triển nhận thức, giap tiếp với thế giới xung quanh cũng như tiếp nhận thông tin và phát triển ngôn ngữ nói. Nhưng chỉ cần làm một phép tính đơn giản là để giao tiếp bình thường bằng tiếng mẹ đẻ trong ngôn ngữ nói, cần tối thiểu khoảng 5000 - 6000 từ, nhưng trong từ điển ngôn ngữ ký hiệu chỉ có khoảng 600 từ. Điều đó cho thấy một thực tế là, ngay trong phạm vi người câm điếc với nhau, việc giao tiếp cũng đã khó khăn gấp 10 lần người bình thường.
Trên thế giới, ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính xuất hiện từ thế kỷ XVII và được phát triển từ thế kỷ XVIII tại Pháp. Đến nay, theo thống kê cơ sở dữ liệu Ethnologue, hiện trên thế giới có 114 ngôn ngữ ký hiệu riêng biệt, 157 ngôn ngữ ký hiệu địa phương chưa được thống kê.
Việt Nam chúng ta có xuất phát điểm chậm hơn các nước khác về mặt phát triển ngôn ngữ ký hiệu. Từ những năm 1975, một số trường dành cho trẻ điếc được hình thành ở một số thành phố, tỉnh lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Phú Thọ, Đà Nẵng… tuy nhiên việc dạy trẻ điếc vẫn chưa chú trọng đến ngôn ngữ ký hiệu mà chủ yếu là dạy nói với những trường phái khác nhau. Việc tập hợp và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu thực sự được bắt đầu từ năm 1996. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều hơn các nước khác để giành lại sự công bằng và tiện nghi mà người điếc câm đáng được hưởng. Hiện tại, mặc dù nhiều tổ chức, cá nhân đã rất nỗ lực nhưng trong thực tế vẫn chưa có một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu thống nhất toàn quốc.
Ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam hiện nay được cấu tạo từ 5 thành tố: vị trí làm ký hiệu (Location), hình dạng bàn tay (Handshape), chuyển động của tay (Movement), chiều hướng của bàn tay (Orientation) và sự diễn tả không bằng tay (Non-manual) là tên gọi ba ngôn ngữ ký hiệu được phát triển bởi các cộng đồng khiếm thính tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng. Các ngôn ngữ này trực thuộc một khu vực cũng bao gồm các ngôn ngữ ký hiệu của Lào và Thái Lan, nhưng người ta chưa biết các ngôn ngữ này có liên quan với nhau và đến nay vẫn chưa thật sự thống nhất. Các ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam đã chịu ảnh hưởng từ ngôn ngữ ký hiệu Pháp. Các ngôn ngữ ký hiệu thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội dùng chung vào khoảng 58% từ vựng cơ bản, trong khi các ngôn ngữ thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng dùng chung vào khoảng 54% từ vựng cơ bản. Ngoài 3 loại phương ngữ ký hiệu chính trên đây, ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam còn có các ký hiệu lấy từ ngôn ngữ ký hiệu của nước ngoài được dùng trong Dự án đào tạo giáo viên khiếm thính. Sức lan tỏa của hệ thống ngôn ngữ ký hiệu không thuần Việt này ngày một rộng và dẫn đến tình trạng rối rắm, khó thay đổi, khó chỉnh sửa, nhất là khi chúng ăn sâu vào cuộc sống hằng ngày của những người khiếm thính.
Nỗ lực hoàn thiện hệ thống ngôn ngữ ký hiệu
Từ những năm 2000, Việt Nam bắt đầu triển khai những nỗ lực của mình nhằm hoàn thiện và hệ thống hóa ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam. Trong Luật NKT năm 2010 cũng khẳng định “NKT nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu”. Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 cũng nhấn mạnh nội dung “Nghiên cứu xây dựng và phổ biến hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phổ thông sử dụng thống nhất trong toàn quốc, xây dựng tài liệu ký hiệu ngôn ngữ cho các cấp học phổ thông”. Các câu lạc bộ, nhóm dạy và sinh hoạt ngôn ngữ ký hiệu bắt đầu hình thành và nở rộ. Một số tài liệu về ngôn ngữ ký hiệu khá công phu xuất hiện như: bộ 3 tập Ký hiệu cho người điếc Việt Nam, từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam,... Tuy nhiên, việc phát triển ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam vẫn chưa có sự định hướng rõ ràng trong việc hình thành ngữ pháp để có được những quy luật cơ bản, giúp các ký hiệu giao tiếp đó trở thành một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu thật sự.
Đối với trẻ em, Việt Nam hiện chưa tạo ra môi trường thích hợp cho trẻ khiếm thính mầm non phát triển kỹ năng ký hiệu để có thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Đa số các em không được dạy ký hiệu giao tiếp nên buộc phải học nói theo yêu cầu của cha mẹ, của các cơ sở chăm sóc trẻ. Trong khi đó, khi ra ngoài môi trường giáo dục, trẻ lại bi bô nói chuyện cùng nhau bằng những ký hiệu giao tiếp mà bẩm sinh trẻ khiếm thính đã có hoặc học trong môi trường cộng đồng khiếm thính của mình. Không được dạy, trẻ tự học, tự tạo cho riêng mình vốn ký hiệu - vốn từ nghèo nàn, không khoa học. Vào tiểu học, học sinh khiếm thính cũng không có tiết học ngôn ngữ ký hiệu. Chúng vẫn tự học ký hiệu trong cộng đồng do vậy vốn từ không phong phú, phát triển ngẫu nhiên. Giáo viên thì không biết hoặc biết quá ít về ký hiệu nên không thể giảng giải, giao tiếp với học sinh. Đây là lý do chính vì sao chất lượng học tập của học sinh khiếm thính Việt Nam không cao.
Làm gì để xây dựng ngôn ngữ ký hiệu chuẩn?
Trong khi Việt Nam còn chưa thống nhất được bộ ký hiệu cho người khiếm thính thì ở nhiều nước, ngôn ngữ ký hiệu đã hình thành từ rất lâu. Điển hình là Cộng hòa Séc và Mỹ. Năm 1988, Quốc hội Cộng hòa Séc thông qua đạo luật chính thức công nhận ngôn ngữ ký hiệu Séc là ngôn ngữ chính dành cho người khiếm thính tại quốc gia này. Người khiếm thính có quyền được nhận dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu miễn phí 24/24h. Trẻ em khiếm thính có quyền được giáo dục bằng ngôn ngữ ký hiệu bản địa, cha mẹ chúng được dự các lớp học ngôn ngữ ký hiệu miễn phí. Còn tại Mỹ, cho đến hiện tại, đã có trên dưới 30 bang đã thông qua đạo luật nhìn nhận ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL) như là một ngoại ngữ và nhiều trường cao đẳng, đại học chấp nhận ASL như một ngoại ngữ cho các tín chỉ bắt buộc hoặc tự chọn trong chương trình đào tạo. Số sinh viên biết ASL ngày càng nhiều và họ chính là cầu nối cho việc hòa nhập cộng đồng của người khiếm thính. Ngoài Bắc Mỹ, các phương ngữ của ASL và Creoles dựa trên ASL được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới bao gồm Tây Phi và các khu vực của vùng Đông Nam á.
Để có thể xây dựng nên một ngôn ngữ ký hiệu đạt chuẩn, Việt Nam cần nghiên cứu cách xây dựng ngôn ngữ ký hiệu của các nước trên thế giới, so sánh đối chiếu với hệ thống ký hiệu giao tiếp của người khiếm thính Việt Nam nhằm tìm ra những quy luật hình thành các ký hiệu, xây dựng quy luật chuẩn trong giao tiếp giữa người khiếm thính với nhau, giữa người khiếm thính với người bình thường. Trên cơ sở các quy luật chuẩn sẽ xây dựng hệ thống ký hiệu cơ bản, bảo đảm được “cái gốc” để vùng miền nào cũng có thể hiểu ý nghĩa của ký hiệu mới khi giao tiếp.
Thực tế cho thấy, tại các quốc gia nơi ngôn ngữ ký hiệu phát triển, giới nghiên cứu chỉ đưa ra những quy luật chuẩn của loại hình ngôn ngữ này, không hề áp đặt một hệ thống ký hiệu thống nhất cho cộng đồng khiếm thính của đất nước họ. Các quy luật đó tập trung vào cơ sở hình thành một ký hiệu (từ) và cách gắn kết các ký hiệu để diễn đạt ý (câu) trên cơ sở tư duy đặc thù của người khiếm thính. Theo hướng đi này hiện nay, dù ký hiệu ở các tỉnh của Pháp khác nhiều so với ở Paris, ký hiệu ngôn ngữ ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng không giống nhau hoàn toàn, song điều này không cản trở sự giao tiếp trong cộng đồng khiếm thính.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và đưa ra những quy định chung trong cách diễn đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu các loại câu, đặc biệt là câu hỏi, câu cầu khiến của người khiếm thính. Có vậy người khiếm thính mới không gặp khó khăn khi diễn đạt những dạng câu hỏi, người bình thường sẽ hiểu đúng nội dung muốn trao đổi của người đối diện.
2,6 triệu người khiếm thính trên toàn quốc là con số không nhỏ nên việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ ký hiệu cho đối tượng này là bài toán khó nhưng không thể không làm. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Luật NKT cùng nhiều văn bản, chính sách liên quan, Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền của NKT và đang nỗ lực triển khai thực hiện các điều khoản của công ước. Với một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu chuẩn, mang đặc trưng của Việt Nam sẽ không chỉ là quyền lợi mà còn là cơ hội để người điếc câm tại Việt Nam giao lưu, học tập và hoà nhập cộng đồng, vươn xa hơn nữa.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - 14/12/2017 03:51
- Vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng trong hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật - 04/12/2017 10:31
- Đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ rối loạn phát triển - 04/12/2017 10:28
- Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chính sách liên quan đến người khuyết tật - 04/12/2017 10:18
- Hướng đi mới trong giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ - 21/11/2017 07:56
Các tin khác
- Uỷ ban Quốc gia về NKT: Thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về người khuyết tật giai đoạn 2017 – 2020 - 21/11/2017 03:48
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục học sinh khuyết tật - 03/11/2017 06:54
- Nghề công tác xã hội với người khiếm thị - 02/11/2017 07:59
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Đổi tên Hội - Từ nhận thức đến tư duy, hành động - 20/10/2017 06:39
- 7 loại hình trợ giúp xã hội được nhà nước khuyến khích thành lập - 21/09/2017 07:55