Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là một trong các sáng kiến của UNESCO đề ra năm 1998, kêu gọi các quốc gia thành viên xây dựng mô hình nhằm thúc đẩy giáo dục cộng đồng, giáo dục thường xuyên và cả giáo dục suốt đời cho các cộng đồng, nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục cho các cá nhân thiệt thòi trong xã hội. Tại Việt Nam, với mạng lưới TTHTCĐ phát triển rộng khắp như hiện nay, việc đẩy mạnh hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật thông qua các Trung tâm này sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc tạo điều kiện để các em được học tập và hòa nhập cộng đồng.
TTHTCĐ là một cơ sở giáo dục địa phương, thường được xây dựng và quản lý bởi cư dân địa phương, mục tiêu học tập cho các cá nhân và thúc đẩy phát triển cộng đồng thông qua giáo dục suốt đời cho tất cả mọi người, bao gồm người lớn, thanh niên, trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tât. Những người hưởng lợi từ các trung tâm này là những người có ít hơn các cơ hội tiếp cận giáo dục như trẻ mẫu giáo, trẻ bỏ học, trẻ khuyết tật, phụ nữ và người cao tuổi.
Khám sàng lọc cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang – mô hình Trung tâm giáo dục cộng đồng đầu tiên dựa trên cơ sở một đơn vị sự nghiệp công lập hợp tác chặt chẽ với các nhóm xã hội, trong đó, vai trò của chuyên gia được đề cao
Hiện cả nước có khoảng 11.000 TTHTCĐ, trong đó có 53 tỉnh, thành phố đạt 100% số xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ (chiếm tỷ lệ 98,7%). Các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và giáo dục cộng đồng ngày càng được nâng cao chất lượng như: hướng dẫn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xóa mù chữ, sức khỏe cộng đồng, dân số kế hoạch hóa gia đình… Bên cạnh đó, theo đánh giá vẫn có một số hoat động của các TTHTCĐ chưa hiệu quả, trong đó có hoạt động hỗ trợ giáo dục cho trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Với vai trò, chức năng của TTHTCĐ, có thể thấy nếu có sự tham gia tích cực của loại hình cơ sở giáo dục này vào công tác hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật, sẽ mang lại những hiệu quả rất tích cực. TTHTCĐ có thể tham gia phát hiện sớm – can thiệp sớm trẻ khuyết tật; khám sàng lọc, tánh giá khả năng phát triển của trẻ khuyết tật; hỗ trợ giáo dục hòa nhập; tư vấn cho cha mẹ cách chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật; phối hợp với gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục trẻ khuyết tật. Những hoạt động này vừa góp phần can thiệp sớm, tác động vào trẻ ngay tại thời gian phát triển vàng (0-4 tuổi), lứa tuổi thường gia đình còn để các em ở với gia đình tại cộng đồng, giúp trẻ khuyết tật sớm được quan tâm, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, kỹ năng xã hội để hòa nhập cộng đồng tốt hơn, tránh trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Để triển khai hoạt động hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật tại TTHTCĐ có hiệu quả, tổ chức được các lớp học cho trẻ khuyết tật theo mô hình giáo dục chuyên biệt, các TTHTCĐ cần thực hiện được một số điều kiện:
Xây dựng nhóm tình nguyện viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật, các tình nguyện viên phải được đào tạo về ngành sư phạm giáo dục đặc biệt;
Xây dựng phòng can thiệp và tư vấn về giáo dục đặc biệt, có trang thiết bị, đồ dùng học tập phù hợp với từng dạng khuyết tật. Phòng cũng là nơi trung bày, cung cấp và tư vấn về các tài liệu liên quan đến phân loại dạng tật, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, các tài liệu văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ khuyết tât và giáo dục trẻ khuyết tật…
Tổ chức định kỳ các buổi trao đổi di động về giáo dục trẻ khuyết tật với sự tham gia của các cơ quan y tế, ngành lao động, thương binh và xã hội và các ban, ngành, tổ chức dân sự khác. Những buổi chia sẻ này sẽ hướng tới các nhóm đối tượng khác nhau: giáo viên với phụ huynh trẻ khuyết tật nhằm tìm hiểu kỹ năng của trẻ và cách chăm sóc, kết hợp thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân tại nhà; giáo viên với phụ huynh trẻ không khuyết tật nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức để giảm bớt sự kỳ thị với trẻ khuyết tật khi đi học hòa nhập tại trường; chuyên gia giáo dục đặc biệt với phụ huynh trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật…
Sắp xếp cán bộ thường trực vè giáo dục đặc biệt nhằm giải đáp các thắc mắc của cha mẹ trẻ khuyết tật, hỗ trợ giáo viên hòa nhập trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân và điều chỉnh mục tiêu, hoat động dạy học phù hợp với trẻ
Phối hợp với các chuyên gia giáo dục đặc biệt để tổ chức các hoạt động đánh giá chuyên sâu trẻ khuyết tật, hướng dẫn các kỹ năng đặc thù, lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ….
Có thể nói, TTHTCĐ đã tạo ra cơ hội cho nhiều đối tượng trong cộng đồng được tham gia học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực đời sống. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng và đa dạng các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong thời gian tới, các TTHTCĐ cần triển khai hoạt động hỗ trợ giáo dục cho trẻ khuyết tật. Thông qua đó, Trung tâm sẽ có vai trò cầu nối để trẻ khuyết tật được hòa nhập cộng đồng, đồng thời củng cố, rèn luyện thêm các kiến thức, kỹ năng trong trường học.
TS. Nguyễn Văn Hưng
(Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)
Tin mới
- Trợ giúp pháp lý góp phần đảm bảo quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi - 13/02/2018 08:01
- Chung sức hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam - 13/02/2018 07:48
- Chia sẻ kiến thức giúp người thân chăm sóc NKT tốt hơn - 16/01/2018 07:07
- Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam: Nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật - 14/12/2017 08:23
- Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - 14/12/2017 03:51
Các tin khác
- Đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ rối loạn phát triển - 04/12/2017 10:28
- Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chính sách liên quan đến người khuyết tật - 04/12/2017 10:18
- Hướng đi mới trong giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ - 21/11/2017 07:56
- Xây dựng quy chuẩn ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam: Khó nhưng vẫn phải làm - 21/11/2017 07:36
- Uỷ ban Quốc gia về NKT: Thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về người khuyết tật giai đoạn 2017 – 2020 - 21/11/2017 03:48