Thứ năm, 14 Tháng 12 2017 10:51

Trong những năm gần đây, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là một trong những vấn đề được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Bằng các quy định cụ thể, với nhiều chính sách ưu đãi, Nhà nước khuyến khích sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Sự hưởng ứng, nỗ lực của các đơn vị đã từng bước nâng cao hiệu quả cả về số lượng và chất lượng dạy nghề cho NKT, góp phần hỗ trợ NKT có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.

Chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho NKT

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định trách nhiệm của nhà nước, xã hội đối với NKT. Điều 59 Hiến pháp 2013 ghi rõ “Nhà nước có chính sách trợ giúp người cao tuổi, NKT, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Điều 61, Hiến pháp 2013 ghi “Nhà nước tạo điều kiện để NKT và người nghèo được học văn hoá và học nghề”. Trên cơ sở Hiến pháp, Quốc hội đã thông qua Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, Luật NKT và nhiều văn bản pháp luật liên quan đến NKT như: Bộ luật lao động, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Bình đẳng giới, Luật Cán bộ công chức, và Luật Viên chức trong đó quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử về khuyết tật. Người sử dụng lao động phải đảm bảo trả lương bình đẳng đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Lựa chọn phương thức làm việc phù hợp với NKT là quyền của người lao động và người sử dụng lao động. Sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, phù hợp với lao động là NKT và thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của họ. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của lao động là NKT khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Để đảm bảo quyền của NKT, Bô Luật lao động cũng quy định các hành vị bị cấm khi sử dụng lao động là NKT bao gồm: sử dụng lao động là NKT suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, sử dụng lao động là NKT làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại. Nghiêm cấm hành vi cưỡng bức lao động. Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư, quyết định nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chính sách dạy nghề, tạo việc làm đối với NKT. Đặc biệt, ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1019 phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu cho bản thân, tạo điều kiện để NKT vươn lên, tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần phát triển cộng đồng và xã hội. Đề án đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về dạy nghề, tạo việc làm cho NKT từng giai đoạn 2012-2-15 và 2016-2020.

Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, trong đó, đối tượng là NKT đã được quan tâm ưu tiên về chính sách đào tạo nghề như: nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 15.000 đồng/người/ngày thực học lên 30.000 đồng/người/ngày, nâng mức hỗ trợ đi lại từ 200.000 đồng/người/khoá học lên 300.000 đồng và rút ngắn khoảng cách hỗ trợ từ 15 km xuống còn 5 km trở lên nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú, mở rộng đối tượng hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu từ NKT là lao động nông thôn sang cả NKT ở khu vực thành thị.

Ngày 16/8/2016, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 3,84 triệu lao động nông thôn, NKT, thợ thủ công, thợ lành nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Thông tư số 152/2026/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trong đó quy định nguồn vốn, nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó đã chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT, bảo đảm NKT chiếm ít nhất 10% chỉ tiêu đào tạo nghề của điạ phương. HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, Kế hoạch đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT.

Sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong dạy nghề và tạo việc làm cho NKT

Theo thống kê, đến nay có khoảng 60% NKT đang trong độ tuổi lao động, 75% trong số này đang tham gia hoạt động kinh tế, trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc là lao động hộ gia đình, 15% là lao động làm công ăn lương. Ước tính khoảng dưới 20% NKT đã qua đào tạo nghề. Như vậy ở Việt Nam còn trên 1,2 triệu NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ đào tạo nghề. Để hỗ trợ nhóm đối tượng này được học nghề và có việc làm, một số trung tâm dịch vụ việc làm ở Việt Nam đã tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho lao động là NKT, trong 2 năm 2015, 2016 các trung tâm dịch vụ việc làm ở Việt Nam đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 5,6 triệu lượt người lao động, giúp 1,7 triệu lượt người lao động tìm được việc làm trong đó có nhiều lao động là NKT.

1271CVDXH 1

Dạy nghề may cho lao động khiếm thính tại Doanh nghiệp tư nhân Sáu Toản, Ninh Bình

Giai đoạn 2012 - 2015 cả nước đã tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 120.000 NKT. Tính đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 17.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề.

Đến nay đã có nhiều địa phương thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho NKT để hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT. Ví dụ như Quảng Ninh trên 8 tỷ đồng, Bắc Ninh 2,822 tỷ đồng, Hải Dương khoảng 600 triệu, Hà Tĩnh 300 triệu, Bình Định 1 tỷ đồng, Gia Lai 454 triệu đồng, Đồng Nai khoảng 400 triệu đồng. Hiện cả nước có hơn 15.000 lao động là NKT đang làm việc tại hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ việc làm.

Số cơ sở dạy nghề ở Việt Nam đã tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo, đồng thời công tác dạy nghề cho NKT cũng từng bước được xã hội hoá với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân. Tính đến nay, Việt Nam có 256 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho NKT và trên 500 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT.

Ngoài các cơ sở dạy nghề, nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia dạy nghề cho NKT. Có thể kể đến một số đơn vị tiêu biểu như: Công ty Chang Shin Việt Nam đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai, Hội NKT tỉnh Đồng Nai tuyển dụng và bố trí việc làm phù hợp cho 358 NKT. Công ty TNHH Chân -Thiện- Mỹ chi nhánh Bắc Ninh đã dạy nghề miễn phí và bố trí việc làm cho trên 200 NKT có mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Tập đoàn Chân-Thiện-Mỹ cũng đã phát triển và nhân rộng mô hình đào tạo văn hoá, dạy nghề gắn với việc làm và tiếp nhận gần 500 lao động là NKT vào làm việc phù hợp và hỗ trợ chỗ ở, xây dựng gia đình cho nhiều NKT ngay trong Công ty. Công ty Cổ phần 27/7 Hải Hậu, Nam Định đã tạo việc làm ổn định cho trên 170 lao động là NKT. Doanh nghiệp Sáu Toản (Ninh Bình) sử dụng 100% lao động là NKT, từ năm 2006 đến nay doanh nghiệp này đã tạo việc làm cho 525 NKT. Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Thanh Hoá) đã dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho khoảng 200 NKT. Công ty TNHH NKT N.Trung (Đà Nẵng) đã tiếp nhận, dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 60 NKT. Công ty TNHH MTV 27/7 thành phố Hồ chí Minh đã tạo việc làm cho gần 100 lao động là thương binh và NKT tham gia sản xuất trong các lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ. Công ty TNHH 25/10 (Hải Phòng) đã tạo việc làm cho 36 lao động là thương binh và NKT với thu nhập bình quân đầu người là 5,5 triệu đồng. Cũng tại Hải Phòng, xí nghiệp thương binh Quang Minh đã tạo việc làm cho 186 NKT giúp họ có việc làm và thu nhập ổn định, hàng năm nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Đồng hành với các công ty doanh nghiệp, các tổ chức của NKT cũng đóng góp tích cực gia tăng số lượng NKT được học nghề, có việc làm hàng năm. Theo báo cáo của 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, giai đoạn 2012-2017, ước tính mỗi năm các tổ chức này đã dạy nghề và hỗ trợ hàng chục ngàn NKT trong cả nước có việc làm. Một số tổ chức điển hình trong dạy nghề, tạo việc làm cho NKT như: Hội người mù Việt Nam hàng năm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho trên 2.000 hội viên với các nghề phù hợp như xoa bóp bấm huyệt, tin học, âm nhạc, làm hương, bện chổi đót, kết hạt cườm. Hội được giao quản lý 47,6 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và đã cho hơn 6.000 hộ người mù và 54 cơ sở sản xuất tập trung của Hội người mù các cấp vay để sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 6.500 lao động là người mù, NKT.

Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên, từ 2012-2017 đã tổ chức dạy nghề cho 11.800 NKT với kinh phí 44,7 tỷ đồng, trong đó hơn 70% được tạo việc làm, có thu nhập. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã tổ chức đào tạo nghề học điện tử, điện dân dụng, sửa chữa ti vi, may thêu, hội hoạ, tin học, trồng nấm cho 7.393 trẻ, trong đó có 917 trẻ khuyết tật thành nghề và 805 trẻ có việc làm, mức thu nhập bình quân từ 2 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Một số tổ chức quốc tế có văn phòng đặt tại Việt Nam cũng đã tham gia tích cực, chủ động nắm nhu cầu học nghề, việc làm của NKT từ đó vận động, huy động các nguồn lực để tổ chức dạy nghề tạo việc làm cho NKT.

Những bất cập còn tồn tại

Có thể nói, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT trong thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, chung tay của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp và của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động dạy nghề cho NKT vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục.

Chỉ tiêu dạy nghề và tạo việc làm cho NKT được xác định cụ thể tại Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng kinh phí thực hiện lại lồng ghép với các chương trình, đề án khác, chưa được bố trí kinh phí riêng. Giai đoạn 2012-2015 kinh phí dạy nghề được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, nhưng không xác định được tổng mức kinh phí bố trí hàng năm. Hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động là NKT chủ yếu mới dừng lại ở khâu tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các trung tâm dịch vụ việc làm với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Do vậy, rất ít NKT tìm được việc làm. Việc tổ chức các hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm có lồng ghép lao động khuyết tật được một số địa phương quan tâm tổ chức, tuy nhiên số lượng các phiên giao dịch còn hạn chế, quy mô nhỏ và không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố, tỷ lệ NKT tìm được việc làm còn khiêm tốn. Tỷ lệ NKT có việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh còn ít, chỉ trên dưới 10% còn lại là lao động tự làm, lao động hộ gia đình, tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương với các công việc chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, bấp bênh và thu nhập thấp.

1271CVDXH 2

Hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho NKT tại Công ty TNHH N.Trung, Đà Nẵng

Để từng bước khắc phục những bất cập này, các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về NKT, triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Luật NKT và các Luật liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để NKT thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước đã quy định. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách đối với NKT. Quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để công tác trợ giúp NKT nói chung và công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT nói riêng thực sự có ý nghĩa.

Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cần tiếp tục chung tay, góp sức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT, xây dựng và triển khai các mô hình tạo việc làm đối với NKT đặc biệt là mô hình tạo việc làm tại nhà cho những NKT không có khả năng đi đến các doanh nghiệp.



Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi