Tiếp thu xu hướng tiến bộ của thế giới liên quan đến khái niệm “người khuyết tật” (NKT), năm 2010, Luật Người khuyết tật được Quốc hội thông qua đã sử dụng khái niệm “người khuyết tật“ thay thế cho khái niệm “người tàn tật“ trong Pháp lệnh về người tàn tật trước đây. Đây là một bước tiến lớn trong việc thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy về cách tiếp cận đối với NKT - những người bị khiếm khuyết một bộ phận cơ thể, ảnh hưởng đến sinh hoạt và thực hiện các quyền cơ bản của mình, nhưng vẫn có khả năng đóng góp cho xã hội. Để phù hợp với xu thế và cách tiếp cận nêu trên, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã hoàn thiện các thủ tục theo quy định trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đổi tên Hội.
Việc đổi tên Hội thể hiện bước tiến về thay đổi nhận thức, tư duy và cách tiếp cận vấn đề quyền của người khuyết tật và thái độ tôn trọng đối với đối tượng Hội trợ giúp
Sự cần thiết phải đổi tên Hội
Năm 2012, Đại hội IV Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi đã biểu quyết thông qua việc đổi tên Hội thành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Tuy nhiên, sau Đại hội, do còn có ý kiến khác nhau, đồng thời, ở thời điểm năm 2012, Hiến pháp năm 1992 đang có hiệu lực vẫn còn dùng từ “người tàn tật”, nên Hội đã không làm hồ sơ đề nghị Bộ Nội vụ cho phép đổi tên. Năm 2017, Hội tiến hành Đại hội lần thứ V (tháng 4/2017), vấn đề đổi tên Hội tiếp tục được đặt ra và Đại hội V đã biểu quyết thông qua việc đổi tên Hội.
Có thể nói, việc đổi tên Hội là rất cần thiết trong tình hình hiện nay, bởi lẽ Hiến pháp năm 2013 đã không còn dùng cụm từ “người tàn tật”. Đồng thời tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này được ban hành, sửa đổi, bổ sung từ năm 2010 trở đi đều đã tiếp nhận, đưa khái niệm “người khuyết tật” thay thế cho cụm từ “người tàn tật” để phù hợp với Công ước quốc tế về quyền của NKT và Luật Người khuyết tật.
Trong Điều lệ Hội được Bộ Nội vụ phê duyệt năm 2012, quy định tôn chỉ, mục đích của Hội là “hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của NKT và trẻ mồ côi”. Mọi hoạt động và các văn bản của Hội đều nhất quán sử dụng khái niệm, cụm từ “người khuyết tật” thay thế cho cụm từ “người tàn tật” trước đây, chỉ ngoại trừ cụm từ này còn nằm trong tên của Hội.
Cụm từ “người tàn tật” khi dịch sang tiếng Anh là “Handicap” được hiểu là sự tàn phế, hỏng; còn cụm từ “người khuyết tật” được dịch là “people with disability” được hiểu là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần . Như vậy khái niệm “người khuyết tật” là cách nhìn mở rộng, thể hiện thái độ coi trọng NKT, nhìn nhận họ chỉ là những người có một chút khiếm khuyết về thể chất, chứ không phải là những người tàn phế suốt đời. Thực tiễn đã chứng minh, NKT là người có khả năng, cần được xã hội tôn trọng và tạo cơ hội cho họ phát huy năng lực, tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Sử dụng cụm từ “người khuyết tật” sẽ mang nhiều ý nghĩa nhân văn hơn, được đông đảo NKT mong muốn, ủng hộ cách gọi này. Còn nếu tên Hội vẫn dùng “người tàn tật” thì sẽ không chỉ là phản cảm mà còn bị cho là thiếu tôn trọng NKT, không phù hợp với Hiến pháp, Luật NKT, Công ước về quyền của NKT, cũng như nội dung các hoạt động, nhóm đối tượng mà Hội đang bảo trợ.
Các tổ chức hoạt động trong cùng lĩnh vực NKT ở cấp quốc gia đều gọi tên nhóm đối tượng này NKT trong tên gọi của đơn vị mình, như: Uỷ ban quốc gia về NKT Việt Nam, Hiệp hội sản xuất kinh doanh của thương binh và NKT, Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam... Nếu riêng Hội lại gọi tên nhóm đối tượng này là “người tàn tật” là sự thiếu thống nhất, lạc hậu, dễ gây hiểu lầm và bị cho rằng, đó là thái độ thiếu tôn trọng, thể hiện sự kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT, coi họ là những người bỏ đi, không có ích trong xã hội. Cụm từ “người khuyết tật” mang tính nhân văn hơn, thể hiện thái độ tôn trọng đối với NKT, coi họ là những người có khả năng, là đối tượng được trao quyền.
Thông tư 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, có quy định: “Việc đổi tên Hội do Đại hội của Hội xem xét, thông qua” (Điều 10). Như vậy, Hội có quyền đổi tên Hội. Qua thực tiễn hoạt động và sự thay đổi các cơ sở pháp lý đối với cách gọi tên nhóm đối tượng được thể hiện ở tên Hội, nên Nghị quyết Đại hội IV, Đại hội V của Hội đều đã thông qua việc đổi tên Hội. Điều này thể hiện sự tự nguyện, tự quản, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trong các nguyên tắc hoạt động của Hội được quy định tại Nghị định 45.
Hiện nay, Hội có 46 tổ chức thành viên cấp tỉnh, thành Hội, trong đó có nhiều tổ chức thành viên đã thay đổi tên gọi và dùng cụm từ, khái niệm “ người khuyết tật” thay thế cho cụm từ cũ “người tàn tật”. Một số tổ chức thành viên khác vẫn còn giữ tên gọi “người tàn tật” cũng đang chờ Trung ương Hội đổi tên thì sẽ đề nghị đổi tên thành “người khuyết tật” cho phù hợp với quan niệm mới mang tính nhân văn hơn. Nếu Trung ương Hội vẫn giữ nguyên tên cũ thì sẽ tạo thành sự thiếu thống nhất trong tên gọi của Hội từ Trung ương đến các tỉnh, thành Hội và các Hội thành viên khác. Điều này là bất cập, thiếu tính nhất quán về khái niệm liên quan đến người khuyết tật của một tổ chức có nhiều thành viên cấp tỉnh, thành và có phạm vi hoạt động trên cả nước.
Một số vấn đề đặt ra
Đối với việc đổi tên, Hội đã có công văn báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ là hai Bộ quản lý Nhà nước về lĩnh vực hoạt động và tổ chức Hội. Có ý kiến cho rằng, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam là Hội có tính chất đặc thù được xác định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định Hội có tính chất đặc thù. Vì vậy, việc đổi tên Hội thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Nghị định 45 có quy định tại Điều 33: “Hội có tính chất đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định, thực hiện các quy định chung tại Nghị định này và quy định của Điều này, Điều 34, Điều 35 của Nghị định này”. Như vậy, Hội có tính chất đặc thù cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 45, theo đó, về thẩm quyền đổi tên Hội, Nghị định 45 có quy định tại Điều 14: “Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác”.
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào có quy định thẩm quyền đổi tên Hội có tính chất đặc thù thuộc Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các Hội hoạt động trong phạm vi cả nước cho Bộ Nội vụ, nên Bộ Nội vụ có đầy đủ thẩm quyền quyết định việc đổi tên Hội, bao gồm cả các Hội có tính chất đặc thù, theo quy định của pháp luật.
Về chính sách đối với Hội sau khi đổi tên có thay đổi gì không cũng là một câu hỏi được đặt ra. Trong thực tiễn có rất nhiều vấn đề liên quan đến đổi tên Hội như: việc cho phép khắc dấu; hỗ trợ tài chính và các chương mục liên quan đến các dòng ngân sách; chương mục giao dịch tại kho bạc nhà nước và tài khoản ở các ngân hàng… Cùng với việc tiến hành các thủ tục xin đổi tên Hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ khi cho phép Hội đổi tên thì chỉ đạo các cơ quan có liên quan bảo đảm cho Hội vẫn được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, cùng với việc thể hiện bước tiến về thay đổi nhận thức, tư duy và cách tiếp cận về vấn đề quyền của người khuyết tật, việc đổi tên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và sự thống nhất về tên gọi tổ chức Hội; phù hợp với Hiến pháp, Luật NKT, Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT và các văn bản chính sách, pháp luật hiện hành. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, khi Hội được cơ quan có thẩm quyền quyết định đổi tên thành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, hoạt động của Hội sẽ có nhiều thuận lợi hơn, trên cơ sở thống nhất tên gọi từ Trung ương đến các tỉnh, thành Hội, đồng thời là sự thể hiện thái độ tôn trọng đối với đối tượng mình trợ giúp ngay ở tên gọi.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Hướng đi mới trong giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ - 21/11/2017 07:56
- Xây dựng quy chuẩn ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam: Khó nhưng vẫn phải làm - 21/11/2017 07:36
- Uỷ ban Quốc gia về NKT: Thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về người khuyết tật giai đoạn 2017 – 2020 - 21/11/2017 03:48
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục học sinh khuyết tật - 03/11/2017 06:54
- Nghề công tác xã hội với người khiếm thị - 02/11/2017 07:59
Các tin khác
- 7 loại hình trợ giúp xã hội được nhà nước khuyến khích thành lập - 21/09/2017 07:55
- Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững - 21/09/2017 03:00
- Ứng dụng công nghệ thông tin giúp nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục - 01/09/2017 04:03
- Một số vấn đề cần quan tâm trong giáo dục cho NKT - 01/09/2017 03:35
- Những vấn đề còn bất cập trong việc thực hiện Luật nuôi con nuôi - 01/09/2017 03:17