Thứ sáu, 01 Tháng 9 2017 10:17

Thực hiện Luật nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (gọi tắt là Công ước La Hay) đã giúp cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình thay thế phù hợp, để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tuy nhiên, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội trong thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều bất cập cần nghiên cứu, tìm hướng khắc phục, tháo gỡ.

Nhu cầu được nhận nuôi lớn

Hiện Việt Nam có hơn 26 triệu trẻ em, trong đó có trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó hàng năm có khoảng 22.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Bên cạnh các nhu cầu về chăm sóc y tế, dinh dưỡng, giáo dục, trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội luôn mong muốn có thể tìm được gia đình thay thế trong nước và nước ngoài để có đủ điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.

917Anh 2 CVDXH 

Công tác giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài hiện nay còn nhiều bất cập

 

Trong giai đoạn 2011-2016, trên toàn quốc có 17.657 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và nước ngoài. Trong đó chỉ có 2.321 trẻ em sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội. Về cơ bản, việc thực hiện các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi được tuân thủ nghiêm túc, nhiều trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khác có cơ hội được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình thay thế phù hợp.

Trên phương diện quốc tế, quyết định cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài được đương nhiên công nhận ở các nước thành viên Công ước La Hay. Cho đến nay, hầu hết những nước nhận con nuôi nhiều nhất trên thế giới đều đã thiết lập quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam. Điều này cho thấy, thông qua việc hoàn thiện khung pháp luật và việc thực thi nghiêm túc Công ước La Hay, Việt Nam đã tạo được niềm tin đối với cộng đồng các nước thành viên Công ước.

Số lượng được giải quyết chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi và Công ước La Hay còn những hạn chế. Kết quả giải quyết nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài đối với trẻ em sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu được nhận làm con nuôi của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội. Theo thống kê, số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội được giải quyết làm con nuôi trong nước hết sức hạn chế (hàng năm chỉ chiếm khoảng 0,4%), số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài giảm mạnh (hàng năm chỉ chiếm khoảng 1,3% số lượng trẻ em sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội). Trong khi theo số liệu của ngành LĐTB&XH, trên toàn quốc, trung bình hàng năm thường xuyên có khoảng 22.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Việc để trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở trợ giúp xã hội không đảm bảo cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần trong môi trường thay thế phù hợp.

917anh 1 CVDXH

Nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội có nhu cầu được làm con nuôi trong nước và nước ngoài

 

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, trên toàn quốc có 194 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và 208 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đang nuôi dưỡng trẻ em. Tuy nhiên, mới có 71 cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi, trong đó chỉ có 64 cơ sở được chỉ định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và chủ yếu là các cơ sở công lập. Hoạt động của các cơ sở này cũng rất hạn chế. Thống kê của ngành Tư pháp cho thấy chỉ có 35/64 cơ sở trợ giúp xã hội được chỉ định tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, còn 29 cơ sở mặc dù đã được chỉ định nhưng chưa thực hiện nhiệm vụ. Điều này ảnh hưởng tới quyền được tìm gia đình thay thế của trẻ em vì có nhiều trẻ em cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài nhưng vì sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được chỉ định nên các em không thể được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn gặp khó khăn về tài chính khi việc rút kinh phí bao gồm cả lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài và chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài còn rất nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương chưa quản lý được việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ sau khi nhận con nuôi của các cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài tại địa phương. Thực trạng này cũng khiến cho các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài quan ngại về sự minh bạch các khoản tài chính liên quan đến giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Thực trạng trên dẫn đến một số lượng lớn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập chưa được chỉ định không được quan tâm tìm gia đình thay thế trong nước và nước ngoài. Có sự phân biệt giữa các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Phương hướng khắc phục

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do các cơ quan có liên quan ở địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa nhân đạo và mục đích của công tác nuôi con nuôi đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực này, chưa theo kịp nguyên tắc minh bạch tài chính và tách bạch việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài với hoạt động hỗ trợ nhân đạo, một số quy định pháp luật về nuôi con nuôi chưa phù hợp với thực tiễn.

917Anh 3 CVDXH

Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật liên quan sẽ tạo hành lang pháp lý để việc giải quyết nuôi con nuôi đạt hiệu quả

 

Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật nuôi con nuôi và Công ước La Hay, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn. Gần đây nhất, Bộ đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BTP hướng dẫn tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em từ 5 tuổi trở lên và 02 trẻ em trở lên là anh chị em cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài. Năm 2016, Bộ Tư pháp và Bộ LĐTB&XH ban hành Quy chế số 721/QC-BTP-BLĐTBXH về việc phối hợp công tác giải quyết nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm tăng cường công tác phối hợp trong công tác nuôi con nuôi và giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em ở các cơ sở trợ giúp xã hội được giải quyết nuôi con nuôi. Các Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-BTP-BNG-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi ở nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong các trường hợp cần thiết. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan ở cấp Bộ và địa phương trong việc triển khai hiệu quả công tác nuôi con nuôi.

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và tích cực hơn trong việc thực hiện pháp luật về việc nuôi con nuôi và Công ước La Hay, Bộ Tư pháp đang từng bước hoàn tất các thủ tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội.

Nội dung cơ bản của Chỉ thị sẽ tập trung vào các vấn đề như: Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi, rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hoá hồ sơ, rút ngắn thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi; Tăng cường công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội và mở rộng diện cơ sở trợ giúp xã hội cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài; Vấn đề đảm bảo kinh phí cho công tác giải quyết nuôi con nuôi ở địa phương; Quản lý các khoản hỗ trợ của cha mẹ nuôi người nước ngoài và tổ chức con nuôi nước ngoài; Tăng cường theo dõi tình hình thi hành Luật con nuôi và Công ước La Hay….

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều không còn phù hợp với thực tiễn trong Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE con nuôi

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi